Không phải thiếu chip, thiếu người mới là nỗi lo lớn nhất đối với Huawei ở hiện tại

Bảo Nam |

Công ty Trung Quốc đang thiếu nhân tài nghiên cứu & phát triển cùng tình trạng chảy máu chất xám một cách trầm trọng.

Nhiều báo cáo gần đây cho rằng Huawei sẽ sử dụng các lệnh trừng phạt như một cơ hội để phát triển và thể hiện sức mạnh. Tuy nhiên, một câu chuyện khác gần đây lại cho thấy các lệnh trừng phạt rõ ràng đã có tác động tới "gân cốt" của tập đoàn không lồ này.

Huawei đang đối mặt với tình trạng khan hiếm tài năng nghiên cứu và phát triển do các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Theo báo cáo mới của Digitimes, đây có thể là nỗi lo lớn nhất của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này trong tương lai nếu họ muốn quay trở lại vị thế ban đầu.

Cụ thể, Huawei và Hisilicon đã buộc phải tạm dừng các dự án R&D chip mới do một loạt lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và buộc phải để các kỹ sư của họ nghỉ việc không lương dài ngày. Mặc dù các kỹ sư R&D ở Đài Loan không bị sa thải ngay lập tức, nhưng nhiều người trong số họ đã quyết định từ chức.

Rõ ràng, không giống như những con chip có thể cất giữ trong kho để đem ra dùng dần trong lúc khó khăn, bạn không thể "bỏ xó" các nhân tài về công nghệ của mình, tiếp tục trả lương cao và hi vọng rằng những người này sẽ chấp nhận ở nhà trông con để chờ một ngày được gọi đi làm như cũ.

Không phải thiếu chip, thiếu người mới là nỗi lo lớn nhất đối với Huawei ở hiện tại - Ảnh 1.

Bạn không thể cất giữ nhân tài như bảo quản những con chip.

Đến lúc này, có thể nhận ra một điều rằng hóa ra, chính phủ Mỹ đã thiết kế các lệnh trừng phạt thương mại để nhằm tạo ra sự gián đoạn tối đa có thể cho Huawei. Một số tác động được nhìn thấy khá trực quan, như việc dòng Mate 40 sẽ bị trì hoãn. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng hệ quả ẩn dấu đi kèm với nó cũng đang dần lộ diện. Đó là tình trạng chảy máu chất xám khi việc giữ chân nhân viên bỗng trở thành điều cấp bách mà ban lãnh đạo công ty không lường trước được.

Giữ chân và tuyển dụng nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vốn đã là điều khó khăn vào thời điểm thịnh vượng nhất đối với Huawei. Và với vị trí hiện tại, công ty Trung Quốc có thể dễ dàng nhận thấy điều này đã trở nên khó khăn gấp bội.

Các nguồn tin nội bộ từ Huawei đã tuyên bố rằng các nhân tài trong lĩnh vực R&D chất bán dẫn hiện là một "nguồn tài nguyên khan hiếm". Và nhiều người chỉ ra rằng tình trạng chảy máu chất xám này dự kiến ​​sẽ vẫn tiếp tục. Do đó, những nỗ lực của Huawei trong việc mở rộng cơ sở nhân tài R&D của mình trong 10 năm qua, cuối cùng, có thể chẳng mang lại một kết quả nào.

"Đây có thể là cái chết lớn nhất đối với công ty Trung Quốc", nguồn tin này lưu ý.

Không phải thiếu chip, thiếu người mới là nỗi lo lớn nhất đối với Huawei ở hiện tại - Ảnh 2.

Đế chế Huawei liệu có vượt qua được cơn bĩ cực này?

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi gần đây đã tiết lộ rằng đội ngũ R&D gồm 90.000 thành viên của công ty sẽ "không cần phải lớn đến vậy" nếu công ty có quyền truy cập vào “các nguồn lực chất lượng cao như các công ty phương Tây”. Một tuyên bố phần nào cho thấy vấn đề nhân sự rõ ràng đang làm vị CEO này rất phiền não.

Nhưng mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ Mỹ cắt hoàn toàn quyền truy cập vào các bộ phận chứa công nghệ của Mỹ. TSMC có thời hạn cho đến ngày 15/9 để hoàn thành tất cả các đơn đặt hàng chip mà Huawei đã yêu cầu cho dòng Kirin 9000 trên dây chuyền công nghệ 5nm. Các báo cáo khác thì cho thấy Huawei thậm chí có thể rời khỏi thị trường điện thoại thông minh toàn cầu do lệnh trừng phạt.

Tham khảo androidheadlines

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại