Trong cuộc sống hôn nhân, sự tiếp xúc thân mật giữa vợ và chồng là mắt xích quan trọng để duy trì mối quan hệ. Tuy nhiên, hầu như cặp đôi nào cũng có giai đoạn khủng khoảng, khiến vợ chồng trở nên nguội lạnh, xa cách.
Đặc biệt với người đàn ông, khi cảm thấy mệt mỏi trong mối quan hệ, trong họ sẽ dần dần có cảm giác chán vợ, thậm chí muốn trốn chạy. Tình trạng này bắt đầu từ những cử chỉ lạnh lùng trong giao tiếp hàng ngày, sự trốn tránh "động chạm" với vợ. Điều này khiến người vợ hết sức bối rối và tự dằn vặt mình với muôn vàn câu hỏi.
Vậy nguyên nhân khiến đàn ông né "gần gũi" vợ là gì nếu không phải ngoại tình? Sohu liệt kê 4 lý do chính được các chuyên gia đưa ra.
Khó giao tiếp
Trong hôn nhân, giao tiếp là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Khi vợ chồng khó có thể trò chuyện, tâm sự, tình cảm của cả hai bên sẽ dần trở nên phai nhạt, kéo theo ham muốn tình dục giảm sút, thậm chí biến mất.
Bên cạnh đó, tình trạng khó giao tiếp giữa vợ chồng có thể dẫn đến hiểu lầm và nghi ngờ, khiến các cặp đôi càng thêm xa cách.
Khi một người đàn ông không muốn giao tiếp với vợ, cũng không muốn đến gần cô ấy, không còn chủ động thân mật, lâu dần mối quan hệ sẽ xuất hiện những rạn nứt.
Vì vậy, các cặp đôi vẫn nên chủ động tìm cách giao tiếp và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc một cách thẳng thắn. Dù bận rộn đến đâu, hai bạn vẫn có thể sắp xếp thời gian cố định trong ngày để trò chuyện cùng nhau. Chỉ khi biết lắng nghe ý kiến của nhau, chia sẻ cảm xúc cùng nhau, hai bạn mới có thể thấu hiểu và tìm thấy tiếng nói chung, từ đó mối quan hệ vợ chồng mới dần được hâm nóng sau thời gian nguội lạnh.
Cuộc sống căng thẳng
Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải đối mặt với vô vàn áp lực trong cuộc sống. Áp lực từ công việc, gia đình, tài chính… có thể khiến người chồng cảm thấy kiệt sức, không có thời gian chăm chút cho cuộc sống hôn nhân.
Khi sự căng thẳng về tinh thần và kiệt quệ về thể chất kéo dài, nhu cầu tình cảm của người chồng có thể giảm sút và dẫn đến tâm lý né tránh những động chạm thân mật.
Đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, khả năng chịu áp lực của đàn ông thường kém đi, điều này gây ảnh hưởng tới mặt cảm xúc. Kết quả là họ sẽ cố tình xa cách vợ, không muốn ôm hôn, gần như mất hứng thú với cuộc sống chăn gối.
Những người đàn ông quá bận rộn, thường xuyên quá tải do phải làm việc tăng ca, đi gặp gỡ đối tác... cũng tiêu hao quá nhiều năng lượng khi ở bên ngoài, lúc về nhà không còn sức lực để nghĩ đến chuyện thân mật vợ chồng.
Vì vậy, để giảm áp lực cuộc sống, cả hai vợ chồng nên chia sẻ trách nhiệm gia đình, bớt gánh nặng cho nhau. Nếu chồng quá bận rộn, người vợ cũng cần hiểu tâm lý, giúp chồng được nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ sau giờ làm việc, dần dần hồi phục sức khỏe và thay đổi tình trạng này.
Cảm xúc dần phai nhạt
Thực tế cho thấy cứ sau 7 - 10 năm bên nhau, các cặp vợ chồng dễ rơi vào khủng hoảng. Lý do là sau một thời gian chung sống và tận hưởng những gì mới mẻ của đời sống hôn nhân, cả hai phải đối đầu với thực tế đơn điệu được lặp đi lặp lại mỗi ngày, cộng thêm những khó khăn mới trong cuộc sống.
Sau một thời gian dài, mối quan hệ có thể trở nên buồn tẻ và cảm xúc yêu đương ban đầu không thể trở lại.
Đặc biệt ở nam giới, khi cuộc sống vợ chồng thiếu đi sự tươi mới, họ có thể mất dần hứng thú với vợ và không còn cảm thấy sự ngọt ngào khi ở bên nhau. Một khi mất đi niềm đam mê, người đàn ông sẽ khó gần gũi vợ và dần trở nên xa cách.
Để khơi lại niềm đam mê, các cặp đôi nên làm mới cuộc sống của chính mình bằng cách đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động liên quan tới sở thích chung để tăng sự kết nối. Điều này không chỉ giúp cải thiện tâm trạng của cả hai mà còn giúp củng cố mối quan hệ, từ đó lấy lại cảm xúc yêu.
Sức khỏe đi xuống
Trong một số trường hợp, người chồng từ chối chạm vào vợ có thể vì lý do thể chất. Điều này dễ xảy ra ở đàn ông tuổi trung niên, khi sức khỏe đi xuống, đôi lúc cảm thấy kiệt sức trong chuyện chăn gối. Lâu dần, họ giảm ham muốn tình dục, thậm chí không còn muốn nghĩ tới chuyện gần gũi.
Thực tế, đàn ông trung niên dù khỏe khoắn đến đâu cũng không thể có được năng lượng dồi dào như khi còn trẻ. Là người đồng hành với chồng, người vợ nên dành thời gian trò chuyện, động viên. Chính sự chân thành của vợ sẽ giúp chồng xóa bỏ rào cản tâm lý về mặt sức khỏe.
Bên cạnh đó, nên khéo léo sắp xếp lại thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho cả hai cũng như động viên chồng tham gia các hoạt động thể chất để duy trì sức khỏe và cải thiện khả năng chăn gối.