Khi đã bước vào con đường trưởng thành , ai cũng phải trải qua hành trình dài gánh trách nhiệm trên vai, tự học cách cân đo đong đếm tiền bạc sao cho hợp lí...
Tiết kiệm là một thói quen tốt, nhưng nếu bạn không hiểu rõ chừng mực, sẽ bị phản tác dụng, khiến bản thân tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, càng ngày càng nghèo hơn.
Vậy khi nào không nên tiết kiệm?
1. Tiền giáo dục con cái
Tôi có hai người anh em họ, cả hai đều sinh ra ở miền núi. Khi còn nhỏ, hoàn cảnh đều nghèo khó tương tự nhau.
Nhưng hiện tại cuộc sống cả hai lại cách xa nhau vạn dặm.
Người thứ nhất học đến năm lớp 8 thì bị cha bắt nghỉ học sớm, đi lao động phụ gia đình kiếm tiền.
Người thứ hai thì ngược lại, cha anh ấy rất chịu khó, làm thuê đủ nghề để kiếm tiền cho anh ta học đến nơi đến chốn.
Khi cha của người thứ nhất đến khoe khoang, bảo con trai ông giỏi cỡ nào, có thể đi làm sớm bớt cho gia đình bao nhiêu gánh nặng...
Cha của người thứ hai vẫn bình tĩnh nói với người nọ: "Chỉ cần con tôi muốn học, vợ chồng tôi có cực khổ thế nào cũng kiên quyết ủng hộ."
Sau này, người thứ hai tốt nghiệp đại học loại giỏi, được một công ty ở thành phố lớn giữ lại làm việc. Mấy năm sau, anh ta tự ra riêng lập nghiệp, sự nghiệp càng thuận lợi, tự xây nhà và đón ba mẹ về sống cùng.
Ngược lại, người thứ hai vẫn ở nhà "nai lưng" làm việc đồng áng. Cực khổ là thế, nhưng chỉ kiếm được đủ ăn, đủ mặc, không khi nào rảnh rang...
Cùng một xuất phát điểm, lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Theo trường hợp trên, là do sự khác biệt trong nhận thức của cha mẹ về giáo dục.
Đọc sách là cách hiệu quả nhất để thay đổi vận mệnh, cũng là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất. Vì thế, bạn nhất định không được tiết kiệm!
2. Tiền hiếu kính cha mẹ
Tác giả quyển sách "Nếu bạn không làm việc chăm chỉ, đừng đổ lỗi cho thế giới tàn khốc" đã từng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân:
Khi ông ấy 10 tuổi, người cha không may đã qua đời, chưa được hai năm thì mẹ ông cũng thất nghiệp.
Tiền đi học của ông đều do vay mượn từ người thân, quần áo đang mặc cũng là do người khác không mặc nữa cho lại.
Mẹ ông phải kiếm sống bằng đủ loại công việc lặt vặt như: Bán đồ ăn sáng, dọn dẹp thuê, may đồ,...
Trải qua đủ loại nghèo khó, ông càng thấy thương người mẹ tần tảo của mình hơn. Ông rất muốn kiếm được nhiều tiền để mẹ được sống trong nhà cao cửa rộng, rời xa căn nhà gỗ ẩm mốc, cũ kỹ này...
Quan trọng là để mẹ sống vui vẻ, hạnh phúc hơn!
Vì lẽ sống đó, ông luôn làm việc chăm chỉ ở mọi lúc. Dù lúc rảnh rỗi, cũng mang sách ra học, ghi chép những điều mình tâm đắc.
Nhờ đó, mà ông đã từng bước hiện thực hóa mong muốn của mình.
Con người sẽ không bao giờ nghèo mãi nếu trong lòng luôn tồn tại nghị lực vươn lên.
Thời gian không già, nhưng cha mẹ sẽ già, vì vậy hãy cố gắng làm việc chăm chỉ để cho cha mẹ có cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những điều họ mong cầu.
3. Tiền "nhờ vả"
Lần họp lớp của lớp tôi năm trước, Mai vì biết Phương đang làm luật sư nên đã nhờ cô bạn đứng ra giải quyết vụ kiện ly hôn của mình.
Nhưng sau đó không lâu, Mai lại tức tối lên group lớp để "bóc phốt":
"Tại sao là bạn học của nhau mà cậu ấy có thể yêu cầu tôi trả tiền, trong khi vụ kiện này còn chưa diễn ra trên tòa nữa. Ai biết cậu ấy có thể giúp tôi thắng kiện không chứ?"
Nhiều bạn bè hiểu chuyện liền lên tiếng:
"Thu thập thông tin, điều tra, thu thập chứng cứ,... Tất cả những thứ này đều rất tốn thời gian và công sức, làm sao có thể khởi kiện mà không tốn tiền được?"
Thật ra vì là bạn học cũ, nên Phương đã giảm giá 20% cho Mai, vậy mà cô ấy còn chưa biết đủ, muốn lợi dụng sự quen biết để được miễn phí.
Kết quả, Phương không nhận giúp đỡ nữa, còn Mai phải đi tìm luật sư khác với chi phí cao gấp 3 lần.
Khi có chuyện cần nhờ vả người khác, đừng tiếc tiền! Đây là việc hợp tác để đôi bên cùng có lợi, nếu bạn tính toán quá nhiều, sẽ chỉ mất nhiều hơn được.
4. Tiền cho sức khỏe
Một bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình:
Ba năm trước, anh ấy gặp một nhân viên bảo vệ tuổi đã lớn. Người này bị huyết áp cao, bởi vì không chữa trị kịp thời nên đến năm 47 tuổi, ông ấy bị nhồi máu cơ tim.
Khi ra viện, bác sĩ cho liều uống thêm mỗi ngày. Lúc đầu, bệnh nhân này còn nghe theo. Nhưng một năm sau, thấy bản thân đã ổn, sợ tốn tiền, nên ông ấy đã tự ý dừng thuốc và không đi kiểm tra lại.
Sau này, vì bệnh tái phát, ông ấy lại phải nhập viện lần nữa, bác sĩ bảo vì không chịu uống thuốc liên tục nên ông ấy đã biến chứng sang suy thận.
Lúc nghe bác sĩ bảo, con trai ông đứng bên cạnh đã rất tức giận:
"Ba thấy hối hận chưa? Con đã bảo đừng sợ tốn tiền nữa rồi. Giờ phải nhập viện thay thận, tiền còn nhiều gấp bội so với việc uống thuốc."
Rất nhiều người thường dễ dàng bỏ tiền mua một chiếc váy đẹp, một đôi giày mốt, nhưng lại tiết kiệm tiền cho sức khỏe của mình.
Để đến khi đánh mất sức khỏe, bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng thì có hối hận cũng đã muộn.
Sức khỏe là tiền vốn lớn nhất, đầu tư vào nó sẽ không bao giờ lỗ, nên đừng cân nhắc tiết kiệm tiền vào những lúc cần tiền lo cho sức khỏe!