Vụ việc nam sinh Nguyễn Văn N. (19 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) vào thành phố Hồ Chí Minh nhập học, mất tích bí ẩn rồi thi thể được tìm thấy trên sông Sài Gòn là một cú sốc lớn với dư luận. Theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, em N. đã tự tử.
Không ai thực sự biết nguyên nhân gì đã khiến N. hành động như vậy. Nhưng trên MXH, nhiều lời đồn đoán, bình luận đã được đưa ra. Đáng chú ý, một vài bình luận chỉ trích N., cho rằng cậu sinh viên "hèn nhát", "yếu đuối", "không nghĩ đến cảm giác của cha mẹ"...
Chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý trị liệu - lâm sàng Nguyễn Hồng Bách, một chuyên gia có kinh nghiệm về điều trị trầm cảm đã chia sẻ quan điểm với chúng tôi về vấn đề trên, từ khía cạnh chuyên môn. Anh nhận định, trầm cảm rất có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hành động tự tử của nam sinh N.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, trên thế giới có khoảng gần 400 triệu người mắc chứng trầm - hưng cảm và mỗi năm có khoảng 1 triệu người tự tự vì chứng trên.
Trầm cảm không phải sự việc của một ngày, một tháng mà nó là quá trình tích lũy, dồn ép của áp lực sống mà thành. Nó dai dẳng đeo bám chúng ta mỗi ngày.
Những người có sóng beta (sóng tiếp nhận thông tin - phân tích thông tin) tốt thì sẽ giảm bớt nguy cơ tiêu cực cao dẫn đến trầm cảm. Ngược lại thì tất cả chúng ta đã biết. Thật may, số người có sóng beta cao luôn nhiều hơn số còn lại.
Sự ra đi của người tự tử làm đau lòng người thân, nhưng nó rất có thể là ý định "nung nấu" từ lâu.
Một học sinh giỏi, một người con ngoan, chẳng có lý do nào để chết cả!
Cháu sinh viên chắc chắn đã chịu những áp lực nhất định trong một quá trình dài lâu. Tôi cụ thể như: Thương bố mẹ mà bất lực, sản sinh ra áp lực, nghi ngờ tương lai; thực tế hiện trạng gia đình sinh ra áp lực... Tất cả những điều trên tạo ra cơn sang chấn cuối cùng là việc lên nhập học lại.
Rất có thể bạn ấy bế tắc trong cách nghĩ, bế tắc với tương lai, bế tắc với gánh nặng của cha mẹ và bế tắc về định hướng bản thân cho việc thay đổi hoàn cảnh của gia đình... Cuối cùng là gánh nặng với bởi sự kỳ vọng có thể xuất phát từ gia đình.
Tự tử vì trầm cảm là cái chết được "lập trình"
Theo nghiên cứu về các trạng thức tâm lý dẫn đến trầm cảm và tự hủy hoại thì việc tự tử là hành vi cuối cùng trong chuỗi hành vi muốn kết thúc thực tại.
Hơn lúc nào hết, họ nghĩ cái chết là điều hạnh phúc, sự giải thoát và khi đã có ý định tự tử thì gần như khó có điều gì ngăn được họ. Với họ, muốn chết là điều quan tâm hàng đầu.
Nên việc nói bạn ấy hèn, trốn tránh là sai. Bởi hành vi đó là cả một sự sắp xếp qua nhiều ngày tháng sống trong áp lực dẫn đến trầm hoặc hưng cảm mà thực hiện hành vi (chứ không phải một quyết định bột phát, dại dột, thiếu suy nghĩ).
Thật đau xót nhưng hãy nhìn theo khía cạnh khoa học, chuyên môn thì với những người đã đi đến tận cùng nỗi đau, đó được xem như một "giải pháp".
***
Trầm cảm là một vấn đề sức khoẻ tâm thần hệ trọng. Chúng ta cần lưu tâm hơn đến những người thân quanh mình để phát hiện sớm và can thiệp tâm lý.
https://soha.vn/khong-co-gi-la-hen-khi-tu-tu-voi-nguoi-tram-cam-do-la-su-giai-thoat-tot-nhat-20220218165352081.htm