Khi nhắc đến ưu thế điện năng và vốn trong khai thác tiền mã hóa, mọi người thường nghĩ ngay đến Trung Quốc, nơi đang chiếm đến 65% sức mạnh khai thác trên toàn cầu. Nhưng nếu xét theo các thước đo khác trong tiền mã hóa, tỷ lệ băm (hashrate) xuất phát từ Mỹ lại đang tăng với tốc độ chóng mặt.
Đây là một hiện tượng kỳ lạ, vì Mỹ và Canada không phải là nơi có giá điện rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên đây lại là những nơi có nhiều nguồn điện chưa sử dụng và cơ sở hạ tầng điện dồi dào cho việc tái sử dụng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định của điều này đến từ sự ổn định cùng khả năng tiếp cận dễ dàng đến thị trường vốn và các tổ chức đầu tư.
Hiện đang có ít nhất 23 công ty khai thác tiền mã hóa được niêm yết trên sàn chứng khoán, phần lớn trong số đó đến từ Mỹ và Canada.
"Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục là địa điểm được ưa thích nhất cho các công ty khai thác tiền mã hóa," Ethan Vera, CFO và là đồng sáng lập hãng đào tiền mã hóa Luxor Technologies, cho biết. "Họ có thể huy động vốn thông qua chào bán sản phẩm trên thị trường, tạo ra một phương pháp tài chính vững chắc cho các công ty đại chúng muốn mở rộng hoạt động của mình. Các công ty nước ngoài có đòn bẩy tài chính hạn chế hơn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn thông qua vốn chủ sở hữu."
Trong khi đó, các nhà khai thác tiền mã hóa Trung Quốc lại phải đối mặt với tình trạng hoàn toàn trái ngược. Cho dù việc khai thác tiền mã hóa là hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng việc giao dịch chúng lại bị cấm. Các nhà khai thác còn khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, chứ chưa nói đến việc niêm yết cổ phiếu để huy động vốn. Điều đó buộc họ phải tìm đến nguồn vốn vay ngoài hệ thống ngân hàng để duy trì hoạt động của mình.
Khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cũng khiến các nhà khai thác gặp hạn chế nếu muốn mở rộng quy mô khai thác, dù Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu các loại máy chuyên dụng cho khai thác bitcoin.
Phi tập trung hóa trong khai thác bitcoin
Chính vì vậy, cho dù Trung Quốc vẫn duy trì vị thế thống trị trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa nhờ lao động giá rẻ và nguồn thủy điện thừa thãi, nhưng các công ty Trung Quốc bắt đầu chú ý đến Mỹ khi muốn đa dạng hóa khoản đầu tư của mình.
Theo ông Peter Wall, CEO của Argo Blockchain, công ty niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán London: "Vài tháng qua, tôi đã nói chuyện với những người trong ngành khai thác tiền mã hóa về việc những nhà khai thác Trung Quốc đang tìm đến Bắc Mỹ. Điều đó đã được nói đến vài năm qua, nhưng giờ nó thực sự là một xu hướng mà ta đang thấy. Các nhà khai thác luôn tìm kiếm sự ổn định lớn hơn, điều thị trường Bắc Mỹ mang lại và chi phí điện lực cũng như xây dựng nhà máy tại Bắc Mỹ cũng khá cạnh tranh và thỉnh thoảng còn thấp hơn cả Trung Quốc."
Điều này không chỉ có ý nghĩa rằng, đến một lúc nào đó, Mỹ có thể vượt mặt Trung Quốc ở lĩnh vực còn non trẻ này, mà kéo theo đó, nó sẽ giúp phi tập trung hơn nữa thị trường khai thác tiền mã hóa – một yếu tố quan trọng đối với thị trường này.
Mike Colyer, CEO của Foundry, hãng đầu tư khai thác tiền mã hóa, cho biết: "Mục tiêu không phải để nước Mỹ thống trị hoạt động khai thác bitcoin. Điều đó sẽ không xảy ra. Mục tiêu ở đây là để phi tập trung nó trên toàn thế giới."
"Rất nhiều nguồn điện tại Mỹ bị bỏ không do các quy định quản lý, còn các quỹ đầu cơ và các công ty tư nhân sở hữu rất nhiều cơ sở sản xuất điện." Colyer cho biết. "Họ bắt đầu nhận ra rằng, họ có thể kiếm được rất nhiều tiền từ khai thác bitcoin và cũng giúp hoạt động sản xuất điện nói chung trở nên hiệu quả hơn. Họ có thể tiết kiệm từ hoạt động sản xuất điện cốt lõi của mình, đồng thời có thể kiếm tiền từ bitcoin."
Nhà máy điện kiêm trung tâm khai thác bitcoin
Sự kết hợp giữa đầu tư thông minh và đổi mới về năng lượng đã được minh chứng bởi công ty Greenidge Generation, một nhà máy điện bằng khí tự nhiên ở ngoại ô New York. Chủ sở hữu của nó, công ty Atlas Holdings, đã biến cơ sở này thành một trung tâm khai thác tiền mã hóa vào đầu năm nay.
Cơ sở khai thác bitcoin trong nhà máy Greenidge - trung bình mỗi ngày, cơ sở này tạo ra khoảng 5,5 BTC
Greenidge là một cơ sở kết hợp, nghĩa là việc khai thác bitcoin sẽ tăng cường sự ổn định cho mạng lưới điện ở đây. Việc kết nối với hệ thống điện Millenium Pipeline, một thị trường mua bán điện trực tiếp thanh khoản cao, cũng giúp Greenidge loại bỏ các chi phí biến động đầu vào trong nhiều năm tới.
Tim Rainey, CFO của Greenidge cho biết: "25% tổng công suất của chúng tôi được dành riêng cho khai thác tiền mã hóa. Phần còn lại sẽ được chúng tôi gửi lên mạng lưới điện khi cần thiết. Trước khi khai thác Bitcoin, chúng tôi thường mất đến 12 tiếng để khởi động và đưa điện vào mạng lưới vào thời điểm nhu cầu cao. Nhưng giờ chúng tôi có thể tăng lên đến 100 MW điện trong vòng một giờ. Điều này tăng cường thêm sự ổn định cho mạng lưới cũng như việc khai thác bitcoin."
Các ưu thế trên giúp Mỹ và Canada chiếm được 15%-20% sức mạnh khai thác tiền mã hóa trên toàn cầu. Phần còn lại thuộc về các nước như Nga, Kazakhstan và các nước Bắc Âu. Theo ước tính của Taras Kulyk, phó chủ tịch tại Core Scientific, nhà khai thác tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ cho biết, hiện đang có khoảng 15 cơ sở khai thác với quy mô trên 50MW ở Bắc Mỹ.
"Chi phí hoạt động đắt đỏ hơn một chút tại Mỹ, nhưng khi bạn rót 100 triệu USD hoặc thậm chí một tỷ USD vào hệ sinh thái dành cho cơ sở hạ tầng khai thác tiền mã hóa, bạn sẽ cần đến sự ổn định." Kulyk cho biết.
Tham khảo CoinDesk