Mỹ và các nước châu Âu đã bày tỏ quan điểm khác biệt rõ rệt về các vấn đề từ an ninh Trung Đông tới thương mại hôm 16-2, khoét sâu rạn nứt xuyên Đại Tây Dương trong kỷ nguyên của Tổng thống Donald Trump.
Khủng khiếp
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo châu Âu khác tại Hội nghị An ninh Munich (từ 15 đến 17-2) đã thể hiện sự thất vọng với hàng loạt quyết định của ông Trump được cho là thù địch với các đồng minh NATO của Mỹ.
Trong một khoảnh khắc khó xử tại hội nghị an ninh quốc tế này hôm 15-2, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng ông mang theo lời chào từ Tổng thống Trump, đáp lại ông chỉ là một sự im lặng lạnh lùng trong khán phòng đầy các lãnh đạo, bộ trưởng và tướng lĩnh.
Bà Merkel cho biết "phát súng mới" sắp tới dự kiến được đưa ra trong một cuộc chiến thương mại – trong đó Washington đang sẵn sàng tuyên bố nhập khẩu ô tô châu Âu là "đe dọa an ninh quốc gia", là "thật khủng khiếp".
Thông báo của ông Trump rằng ông sẽ sớm rút binh lính Mỹ khỏi Syria cũng khiến các đồng minh đau đầu về cách thức ngăn chặn hỗn loạn và bất ổn đi xa hơn ở quốc gia Trung Đông này.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nêu lên câu hỏi tại sao Mỹ lại tạo ra một khoảng trống quyền lực có thể có lợi cho "kẻ thù" – Iran. Ông gọi đó là một "điều bí ẩn". Pháp hiện có khoảng 1.200 binh lính tham gia cuộc chiến ở Syria.
Một nguồn tin của chính phủ Pháp chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền của ông Trump theo kiểu "chúng tôi sẽ đi, anh ở lại" và khẳng định thêm: "Họ tìm cách dàn xếp hậu quả của một quyết định vội vàng và đòi chúng tôi phải chịu trách nhiệm".
Ông Pence và bà Merkel "đấu khẩu"
Trong khi đó, trong bài phát biểu chính hôm 16-2, ông Pence đưa ra những lời khuyên mạnh mẽ hơn cho các nước khác ở châu Âu cùng nhiều quốc gia khác.
Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại quan điểm của Washington rằng Iran đang lên kế hoạch cho một "thảm họa diệt chủng Holocaust" mới, đồng thời ông nhấn mạnh rằng các nước châu Âu phải xé bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran – điều mà Tổng thống Trump đã thực hiện hồi năm ngoái.
Ông Pence cũng chỉ trích một sáng kiến gần đây của Pháp, Đức và Anh cho phép các công ty châu Âu tiếp tục các hoạt động kinh doanh ở Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Đã đến lúc các đối tác châu Âu của chúng tôi ngừng làm xói mòn lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại chính quyền cách mạng sát nhân"- ông Pence nhấn mạnh, trong đó đề cập tới chính quyền Iran.
Phó Tổng thống Mỹ nói thêm: "Đã đến lúc các đồng minh châu Âu của chúng tôi sát cánh với chúng tôi, với nhân dân Iran, các đồng minh và bạn bè của chúng tôi trong khu vực".
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel không tán thành. Nữ lãnh đạo Đức cùng một số đồng minh châu Âu tranh luận rằng duy trì thỏa thuận sẽ đảm bảo an toàn hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Reuters
"Câu hỏi duy nhất đứng giữa chúng tôi, Mỹ và châu Âu về vấn đề này là: "Chúng ta có giúp ích cho sự nghiệp chung, mục đích chung của chúng ta là kiềm chế những ảnh hưởng gây thiệt hại hoặc khó khăn của Iran, bằng cách rút khỏi thỏa thuận hay không? Hay chúng ta giúp ích nhiều hơn bằng cách giữ cái mỏ neo nhỏ mà chúng ta có để có thể gây áp lực ở các khu vực khác?"- bà Merkel nhấn mạnh.