Cụ thể, tàu bay Boeing B727-200 vốn thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), mang quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ, khai thác tuyến HAN-REP-HAN (Hà Nội-Siem Reap-Hà Nội) từ ngày 5.3.2007. Vì sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) từ ngày 01.05.2007.
Tại thời điểm đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng RKA về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, RKA và các đối tác liên quan không thực hiện việc di chuyển tàu bay cũng như không có liên hệ nào.
Các khoản thu từ việc máy bay B727-200 của RKA đỗ lại sân bay Nội Bài được doanh nghiệp tính từ ngày 01.12.2007 (thời điểm kết thúc việc thanh toán lần cuối cùng cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) đến thời điểm tàu bay được di chuyển khỏi cảng hàng không Nội Bài.
Đến ngày 01.10.2014, Cục Hàng không đã ra thông báo yêu cầu nhận lại tàu bay.
Thông báo này đã được gửi tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Uỷ ban Nhà nước về Hàng không dân dụng của Campuchia (nơi tàu bay đăng ký quốc tịch) đồng thời ngày 6-7.10.2014 đã đăng tải thông báo này trên trang thông tin điện tử của Cục Hàng không Việt Nam (thông báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh) nêu rõ sau 60 ngày mà người có quyền và nghĩa vụ đối với tàu bay không nhận lại tàu bay thì Cục sẽ căn cứ các quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện xử lý tàu bay này theo trường hợp tàu bay bị bỏ.
Vào ngày 11.11.2014, Uỷ ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia đã phản hồi, thông báo giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) đã bị thu hồi và tàu bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ ngày 13.10.2008.
Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể được xử lý tàu bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, vào đầu tháng 6.2016 vừa qua, Tổ đánh giá tình trạng kỹ thuật tàu bay B727-200 bị bỏ tại Nội Bài do Cục Hàng không thành lập báo cáo kết quả kiểm tra, nhận định tình trạng kỹ thuật của tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng, không thể phục hồi; tàu bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng.
Trong quá trình xử lý tàu bay bị bỏ theo các quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu tàu bay bị bỏ trước khi thực hiện việc bán đấu giá và các nội dung liên quan đến việc thực hiện bán đấu giá tàu bay.
Liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu tàu bay bị bỏ trước khi thực hiện việc bán đấu giá, theo Bộ Tư pháp, thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ sẽ được thực hiện theo quy định của Nghị định 02/2012/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng có ý kiến trường hợp tàu bay bị bỏ được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật thì việc xác định giá khởi điểm đối với tài sản được thực hiện theo pháp luật về quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Giao thông Vận tải nên áp dụng theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với việc thực hiện bán đấu giá tàu bay bị bỏ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Cục Hàng không Việt Nam được ủy quyền cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá tàu bay B727- 200 bị bỏ nhằm tạo thuận lợi cho quá trình bán đấu giá và nhanh chóng giải tỏa việc lưu đậu nhiều năm của tàu bay bị bỏ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 02/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay; thủ tục xử lý tàu bay bị bỏ.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV tạm ứng kinh phí bán đấu giá tàu bay trong quá trình trực tiếp bán đấu giá. Kinh phí này sẽ được hoàn trả cho doanh nghiệp trong quá trình thanh toán tiền bán đấu giá tàu bay sau khi kết thúc việc bán đấu giá.
Với tình trạng kỹ thuật của tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng, không thể phục hồi; tàu bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng và là tài sản đặc thù, chưa có tiền lệ, Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tàu bay với tình trạng kỹ thuật nêu trên.