Nhắc đến triều đại cổ xưa của Trung Quốc, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến khung cảnh hoàng đế mặc long bào, ngồi trên ghế rồng, nhìn xuống đại sảnh, các quan lại xếp chỉnh tề xếp hàng dọc hai bên. Buổi thượng triều sẽ có một người thái giám dõng dạc mở đầu.
Hình thức thượng triều này đã có từ lâu đời và thường diễn ra 1 đến 2 lần trong năm. Nếu nhà vua không tổ chức những 'buổi họp' như thế này sẽ bị coi là không làm tròn trách nhiệm.
Cho đến nhà Thanh, dưới thời của Khang Hy, Ung Chính và Càn Long nắm quyền, việc thượng triều đã được nâng lên thành mỗi ngày một lần. Công việc này diễn ra vào buổi sáng, do đó nó còn được gọi là 'tảo triều'.
Hoàng đế Khang Hy quy định rằng, các buổi báo cáo của triều đình phải được tổ chức hàng ngày, các quan lại tập trung ở đúng vị trí từ trước đó. Bên cạnh đó còn có người chịu trách nhiệm chấn chỉnh những vị quan thiếu nghiêm túc, ai đến muộn sẽ bị khiển trách hoặc trừng phạt.
Một buổi thượng triều điển hình. Ảnh: Sohu
Trong những buổi thượng triều, các quan lại sẽ báo cáo tình hình với nhà vua và bàn việc đại sự. Tuy nhiên có một sự thật ít ai biết rằng trước khi tham gia, các vị quan sẽ ngậm một miếng sâm. Rốt cuộc vì sao họ lại làm vậy?
Có 2 lý do giải thích cho việc làm này
Thứ nhất, ngậm nhân sâm để bồi bổ cơ thể. Theo đông y, sâm có vị đắng, tác dụng giảm mệt mỏi, cảm giác buồn nôn và khó chịu.
Nhân sâm cũng có tác dụng tăng cường sức khỏe, có thể bồi bổ cơ thể khi phải làm việc với cường độ cao, giảm suy nhược. Bên cạnh đó, nhân sâm còn được cho là giúp giảm hồi hộp và căng thẳng.
Các quan thời xưa phải đến xử án vào canh năm (3 - 5 giờ sáng), và thường phải thức giấc vào canh bốn (1-3 giờ sáng). Do thường phải dậy sớm nên cơ thể sẽ sinh mệt mỏi. Lâu dần, họ biết được mẹo nhỏ này, nên mỗi lần thượng triều đều ngậm thêm một miếng sâm để giữ gìn sức khỏe.
Ngoài ra, ngậm sâm không chỉ có thể bổ sung thể lực mà còn giúp các quan thần minh mẫn. Vì vậy, viên nhân sâm đã trở thành thứ cần phải có của các quan đại thần trong các buổi thượng triều.
Nhâm sâm là thần dược bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ảnh: Zhifure
Thứ hai, ngậm sâm do không có thời gian ăn uống. Như đã nói ở trên, công việc của quan lại khá dày đặc. Do đó, họ gần như không có thời gian để ăn sáng. Buổi thượng triều diễn ra khá sớm và yêu cầu đến đúng giờ. Nếu chậm trễ có thể bị trách phạm. Bởi vậy, các vị quan tuyệt đối không dám lơ là.
Trong trường hợp này, nhân sâm là giải pháp hàng đầu. Vì món thuốc bổ này nhỏ gọn có thể luôn mang theo bên mình và bỏ ra sử dụng bất cứ lúc nào.
Từ trước đến nay, nhân sâm vẫn luôn được biết là món 'thần dược' cho sức khỏe và xuất hiện nhiều trong các bài thuốc dân gian. Trong cuộc sống hiện đại, đây vẫn là một trong những mặt hàng được nhiều người ưa chuộng.
Theo thông tin trên thị trường, sâm thường có giá từ 1,5 - 4 triệu đồng/kg. Đối với những loại sâm thượng hạng, con số này có thể lên đến hàng triệu đồng. Dù vậy, vẫn có nhiều khách hàng sẵn sàng chi ra số tiền 'khủng' để sở hữu những củ sâm quý này.