Tủ lạnh là thiết bị điện gần như nhà nào cũng có, thậm chí nhiều gia đình còn có vài tủ lạnh. Nó giúp chúng ta lưu trữ và bảo quản thực phẩm tốt hơn, mọi người không còn phải vất vả đi chợ mỗi ngày. Dù có phải là người nội trợ chính trong nhà hay không, hầu như mỗi người chúng ta đều mở tủ lạnh mỗi ngày.
Dù thiết bị này quen thuộc đến vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Cho đến nay nhiều người vẫn không biết khay nước phía sau tủ lạnh có chức năng gì, có nên vệ sinh bộ phận này hay không.
Khay nước phía sau tủ lạnh có chức năng gì?
Hơi nước trong tủ lạnh khi gặp điều kiện thích hợp sẽ ngưng tụ tạo thành các giọt nước ở dàn lạnh và sẽ chảy xuống rãnh hứng nước, sau đó đi ra ngoài khay đựng nước.
Khay nước phía sau tủ lạnh có chức năng gì?
Khay nước được đặt phía sau tủ lạnh, bên dưới dàn nóng, giúp cho quá trình bay hơi nước được diễn ra nhanh hơn, tránh hiện tượng tràn nước ra ngoài. Chính vì thế, bạn không cần phải đổ nước trong khay thường xuyên.
Khi nào cần vệ sinh khay nước sau tủ lạnh?
Về cơ bản thì bạn không cần đổ nước trong khay phía sau tủ lạnh vì đó là nước mát ở trên ngăn đá xả xuống khi xả tuyết. Khi mà máy nén nóng thì khay nước cũng sẽ nóng và bốc hơi nước đi, vì vậy mà nước sẽ không bị tràn ra ngoài nữa.
Nếu như bạn thấy phía sau của tủ lạnh có mùi hôi, máng có quá nhiều nước hoặc nước bị bẩn, bạn có thể tháo ra đổ nước đi, sau đó lau chùi lại khay là được.
Tuy nhiên, để tủ lạnh hoạt động hiệu quả nhất, bạn phải biết vệ sinh đúng cách cho tủ lạnh cũng như khay nước phía sau tủ lạnh. Nên thực hiện đầy đủ các bước sau để vệ sinh tủ lạnh đúng cách nhé:
- Rút dây nguồn của tủ lạnh ra khỏi ổ cắm.
- Lấy hết thực phẩm có trong tủ ra ngoài.
- Tháo gỡ và làm vệ sinh sạch sẽ các ngăn kệ ở trong tủ lạnh.
- Vệ sinh phần bên trong của tủ lạnh.
- Vệ sinh phần bên ngoài của tủ lạnh.
- Làm sạch khay thoát nước ở phía sau tủ lạnh.
- Gắn lại các khay kệ đã tháo ra lúc nãy, sau đó sắp xếp lại thức ăn vào các ngăn rồi cắm phích tủ lạnh là xong.
Khay nước phía sau của tủ lạnh có tác dụng hứng nước khi tủ lạnh xả tuyết. Nước trong khay sẽ góp phần giải nhiệt cho máy nén của máy lạnh, vì nhiệt độ của máy nén tủ lạnh thường cao hơn so với nhiệt độ môi trường. Nếu như khay nước này đầy đến mức để nước tràn ra ngoài thì tủ lạnh của bạn đã có vấn đề về xả tuyết rồi. Hãy gọi thợ đến kiểm tra và khắc phục nhé.
Sai lầm khi dùng tủ lạnh gây tốn điện
Ông Chu Ngọc Vũ – Trưởng phòng Kế hoạch Bảo hành, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật, Tập đoàn Kangaroo chỉ rõ những sai lầm mọi người hay mắc khi sử dụng tủ lạnh.
Để tủ sát với vách, tường
Thông thường, tủ lạnh thiết kế dàn nóng (dàn ngưng tụ) tại các điểm mặt sườn tủ hoặc mặt sau của tủ. Do đó, nếu để tủ trong không gian hẹp, sát vách tường có thể dẫn đến hiện tượng khó giải nhiệt cho dàn nóng. Về lâu dài, điều này làm cho khoang lạnh của tủ sẽ kém lạnh hơn, tủ bắt buộc phải hoạt động lâu hơn để đạt được ngưỡng nhiệt độ mong muốn.
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, vị trí đặt tủ cần thông thoáng, khô ráo, các mặt của tủ lạnh cần cách bề mặt xung quanh tối thiểu 20cm.
Để tủ lạnh gần các nguồn nhiệt
Tương tự với việc để tủ lạnh sát các vách/kệ, việc để tủ lạnh gần với các nguồn nhiệt gây nóng cũng gây ra tình trạng tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn.
Cụ thể, khi để gần nguồn nhiệt gây nóng như bếp gas, bếp lò… sẽ khiến tủ lạnh hoạt động kém hơn do liên quan đến việc giải nhiệt của dàn nóng, lâu dần dẫn đến hiệu suất làm lạnh giảm đi.
Để đồ ăn nóng vào tủ
Thói quen người sử dụng khi muốn làm nguội đồ ăn nhanh chóng thường để vào trong tủ lạnh, điều này sẽ khiến cho nhiệt độ trong khoang tủ tăng lên và khi đó tủ lạnh sẽ cần phải hoạt động với công suất cao hơn hoặc thời gian hoạt động sẽ tăng lên. Từ đó dẫn đến tủ lạnh sẽ tiêu hao điện năng nhiều hơn so với bình thường.
Để quá nhiều đồ ăn trong tủ
Để nhiều đồ ăn trong tủ sẽ dẫn đến việc lưu thông luồng không khí lạnh trong tủ sẽ bị giảm đi, cũng như thực phẩm được để phía giữa sẽ không tiếp xúc được với không khí lạnh, khiến thực phẩm được làm lạnh không đồng đều. Điều đó gây ra tình trạng hỏng thực phẩm, cũng như giảm hiệu quả làm lạnh của tủ.
Khoang tủ chỉ nên chứa tối đa 80% dung tích và cần được xếp so le để luồng khí lạnh trong tủ có thể đi đến từng thực thẩm để bảo quản tốt nhất.
Để khoang tủ lạnh quá nhiều khoảng trống
Trái ngược với việc để quá nhiều thực phẩm trong khoang tủ thì việc tủ lạnh không được sử dụng tối đa cho việc bảo quản thực phẩm cũng gây ra việc tiêu tốn điện cho gia đình.
Hiện nay nhiều gia đình thích dùng những dòng tủ có dung tích lớn nhưng không sử dụng hết dung tích cho phép và mỗi lần mở cửa tủ làm cho việc nhiệt bị thất thoát lớn hơn so với tủ lạnh để nhiều thực phẩm.
Giải pháp cho việc này các gia đình lên lựa chọn dung tích tủ lạnh tùy thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình hoặc tùy thuộc vào mục đích sử dụng của mỗi gia đình.
Mở cửa tủ tiên tục
Việc mở cửa tủ liên tục và trong thời gian lâu sẽ làm thất thoát nhiệt trong tủ khiến cho tủ lạnh phải luôn hoạt động với công suất tối đa để bù nhiệt hoặc phải hoạt động trong thời gian dài, từ đó dẫn đến tiêu hao điện năng nhiều hơn.