Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thị sát tình hình tại Quân khu phía Nam, trong đó đã thăm và làm việc với Lữ đoàn 137 - Lực lượng chống phá hoại dưới nước thuộc Hạm đội Caspi, đây được coi là lực lượng đặc công nước bí ẩn nhất của Quân đội Nga.
Người nhái Nga trong quá trình huấn luyện. Nguồn: people.com.cn.
Điều kiện tuyển chọn
Hải quân Nga hiện có 13 tiểu đoàn chống phá dưới nước chuyên thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trên bộ và trên biển ở hậu phương của kẻ thù, bao gồm bố trí thủy lôi, rà phá bom mìn dưới nước, hỗ trợ lực lượng đổ bộ đường biển, trinh sát bờ biển và các nhiệm vụ phá hoại độc lập khác.
Lữ đoàn phá hoại dưới nước số 137 được thành lập năm 2002 và hiện đóng quân tại Makhachkala, Cộng hòa Dagestan, Liên bang Nga. Các thành viên của Lữ đoàn này còn được gọi là "người nhái chiến đấu".
Tiêu chuẩn tuyển chọn của lực lượng này khá khắt khe, các ứng viên phải có thể chất và tâm lý xuất sắc, vượt qua các bài kiểm định nghiêm ngặt chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, ngoại khoa, nội khoa, thần kinh...
Ngoài ra, các thành viên của lực lượng này cần phải có kinh nghiệm phục vụ trong lực lượng đặc biệt hoặc đã từng tham gia các công việc dưới nước. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, sẽ phải tham gia các khóa huấn luyện chiến đấu như nhảy dù, tấn công đột kích, lặn, và phải vượt qua bài đánh giá cuối cùng mới có thể trở thành một "người nhái chiến đấu" thực thụ.
Phương pháp liên lạc
Một hồ bơi 25 mét được xây dựng trong căn cứ huấn luyện của lực lượng này làm nơi huấn luyện dưới nước. Tại đây, các “người nhái chiến đấu” được huấn luyện lặn, chiến đấu và bắn súng.
Trong quá trình chiến đấu, những “người nhái” này có một phương pháp liên lạc dưới nước rất độc đáo, sau khi xuống nước, họ liên lạc với các thành viên trong đội trên bờ thông qua một sợi dây mềm. Giật dây là hỏi “cảm giác thế nào?” Và lắc hai lần có nghĩa là “tiến lên”.
Dù đã được trang bị các thiết bị liên lạc thủy âm dưới nước hiện đại nhưng Hải quân Nga chú ý kế thừa lịch sử, “người nhái chiến đấu” vẫn giữ cách liên lạc truyền thống. Họ thậm chí sử dụng các phương pháp liên lạc dưới nước ngay cả khi trên bờ, nếu không nhớ được các ký tín ám hiệu dưới nước, họ sẽ không được phép xuống nước.
Súng lục dưới nước SPP-1 và súng đột kích APS. Nguồn: people.com.cn.
Vũ khí dưới nước
Do đặc điểm khác nhau giữa môi trường nước và môi trường không khí, đạn truyền thống sẽ có tầm bắn hạn chế và đường đạn không ổn định khi được bắn dưới nước, do đó, "người nhái chiến đấu" được trang bị các thiết bị chuyên nghiệp dưới nước như súng trường tấn công đổ bộ APS và súng lục dưới nước SPP-1.
Súng bắn dưới nước sử dụng loại đạn đặc biệt dạng mũi tên, và khoảng cách bắn dưới nước của súng lục SPP có thể lên tới 17 mét.
Băng đạn của súng trường tấn công đổ bộ APS có thể chứa 26 cơ số đạn, với cự ly bắn dưới nước là 30 mét và cự ly bắn trên đất liền là 100 mét, nhờ đó "người nhái chiến đấu" vừa có thể tiêu diệt kẻ thù dưới nước vừa có thể tiêu diệt mục tiêu trên cạn.
Được biết, ngành công nghiệp quân sự Nga gần đây đã phát triển một loại súng trường tấn công hạng trung lưỡng tính mới, có thể sử dụng trên bộ và dưới nước, nhưng các chi tiết vẫn còn trong giai đoạn bí mật.
Ngoài ra, "người nhái chiến đấu" còn được trang bị một con dao găm đặc biệt có thước đo khi sử dụng dưới nước, điều này nhằm đảm bảo lực lượng này có thể báo cáo chính xác kích thước cụ thể của mục tiêu cho các căn cứ trên bờ, chẳng hạn như lỗ ở đáy của tàu chiến.