Khả năng Nga tấn công hạt nhân trả đũa Ukraine “vượt lằn ranh đỏ” ở Kursk

Trung Hiếu |

Học thuyết hạt nhân Nga bao gồm nội dung sử dụng vũ khí hạt nhân khi các lằn ranh đỏ bị đối phương vượt qua. Trong xung đột Ukraine, các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần cảnh báo về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Giới quan sát e ngại kịch bản đó tuy nhỏ nhưng vẫn khó loại trừ sau khi Ukraine đột kích Kursk một cách táo bạo và đầy bất ngờ.

Nguy cơ vũ khí hạt nhân Nga được kích hoạt do vụ đột kích Kursk

Theo học thuyết an ninh hạt nhân hiện nay của Nga, nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân “để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga, và chống lại cuộc tiến công vào Nga bằng vũ khí thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga”.

Pháo binh Ukraine khai hỏa trong cuộc xung đột vũ trang với Nga. Ảnh: Nytimes.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 6/2024, Tổng thống Nga Putin đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của Nga. Ông nói: “Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ coi mình được phép sử dụng mọi phương tiện có trong tay. Xin ai đó chớ coi thường điều này, xem đó chỉ là chuyện hời hợt”.

Tình hình xung đột Nga - Ukraine trên thực địa thời gian qua cho thấy khả năng “lằn ranh đỏ” của Nga đã bị vượt qua, đặc biệt sau khi Ukraine bất ngờ tấn công thẳng và sâu vào lãnh thổ Nga ở tỉnh biên giới Kursk.

Vụ đột kích Kursk (mở màn vào ngày 6/8/2024) là cuộc tấn công lớn nhất của Ukraine xuyên biên giới kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang giữa 2 nước. Đây cũng là cuộc tấn công lớn nhất vào vùng Kursk kể từ Thế chiến II. Kursk từng là nơi diễn ra trận đấu tăng lịch sử giữa Hồng quân Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã vào mùa hè năm 1943, với phần thắng cuối cùng thuộc về lực lượng Liên Xô.

Theo các thông tin cập nhật tổng hợp cho tới nay, Ukraine đã huy động 10.000 quân được trang bị trọng pháo và xe tăng cho chiến dịch Kursk.

Tình hình tại Kursk căng đến mức Tổng thống Nga Putin đã phải triệu tập họp khẩn các quan chức an ninh hàng đầu của mình, đồng thời gặp gỡ các thống đốc vùng biên để động viên họ và chỉ đạo những việc cần làm ngay.

Không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Belarus Lukashenko - đồng minh chí cốt của Tổng thống Nga Putin, mới đây cảnh báo rằng Ukraine đang đẩy Nga tới chỗ phải khai hỏa vũ khí hạt nhân sau khi Ukraine bất ngờ đột kích sâu vào tỉnh Kursk của Nga.

Nhà lãnh đạo Belarus cảnh báo: “Mối nguy hiểm nằm ở chỗ, hành động leo thang kiểu này của Ukraine là nỗ lực đẩy Nga tới chỗ thực hiện hành động bất đối xứng, thí dụ như sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Bước ngoặt chưa từng thấy của Ukraine trong xung đột với Nga

Từ đầu xung đột Nga - Ukraine, chiến sự chủ yếu diễn ra trên đất Ukraine. Sau đó ở mức độ dè dặt nhất định, Ukraine bắt đầu tập kích từ xa vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí như tên lửa, UAV (máy bay không người lái) và USV (xuồng không người lái). Thi thoảng Ukraine có tổ chức đột kích bằng bộ binh vào lãnh thổ Nga nhưng đó chỉ là những cuộc tấn công nhỏ lẻ theo kiểu phá hoại ngầm.

Nhưng tình hình đã thay đổi mang tính bước ngoặt vào đầu tháng 8/2024, khi Ukraine tổ chức đánh lớn một cách táo bạo vào trong lãnh thổ Nga, tại tỉnh Kursk và sau đó là cả tỉnh Belgorod.

Ukraine không chỉ dám tấn công trên bộ vào lãnh thổ Nga, mà còn thực hiện điều đó ở mức độ sâu và kéo dài trong nhiều ngày (đến nay, chiến dịch này đã kéo dài được 2 tuần và chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc). Ukraine đã củng cố hệ thống công sự ở những nơi họ chiếm được bên trong Kursk và lập sở chỉ huy quân sự tại thị trấn Sudzha chiến lược của tỉnh này. Ukraine chủ định tấn công vào các biểu tượng của chính quyền Nga, gây áp lực tâm lý lên cả giới chức và dân thường Nga.

Cho tới nay, Ukraine đã tuyên bố phá hủy 2 cây cầu quan trọng bắc qua sông Seym tại tỉnh Kursk, với mục tiêu rất rõ ràng là làm suy giảm khả năng hậu cần của Nga và ngăn chặn viện binh của nước này tới Kursk. Giới chức Ukraine cũng tuyên bố lập vùng đệm tại Kursk, y hệt cách Nga tuyên bố lập vùng đệm trên lãnh thổ Ukraine.

Không phải ngẫu nhiên, Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Kelly hôm 18/8 nhận định, quyết định của Ukraine mở cuộc tiến công vào Kurks có thể thay đổi tiến trình xung đột Nga - Ukraine.

Phát biểu trong chương trình “Face the Nation” trên đài CBS, nghị sĩ Kelly nhận xét: “130.000 quân Nga đã rời quê hương để ra chiến trường. Vào thời điểm này, tôi cho rằng phía Ukraine đã thực hiện một điều không dự đoán được nhưng lại có thể thực sự thay đổi tiến trình xung đột Ukraine diễn ra”.

Rủi ro hạt nhân dâng cao ở Kursk và Zaporizhzhia

Chiến dịch của Ukraine lần này còn nhằm tới cả Nhà máy điện hạt nhân Kursk - một cơ sở lớn về sản xuất điện cho Liên bang Nga. Nhà máy này nằm cách thành phố Kursk khoảng 40km về phía Tây.

Hôm 17/8, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova tố lực lượng Ukraine chuẩn bị tấn công nhà máy hạt nhân của Nga ở tỉnh Kursk.

Bà Zakharova nói: “Theo các thông tin chúng tôi nhận được, Kiev đã chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Nhà máy điện hạt nhân Kursk”.

Ngoài việc cảnh báo, bà Zakharova còn bày tỏ rằng Nga muốn các tổ chức quốc tế hỗ trợ khẩn trong vấn đề này. Bà nói: “Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), lập lức lên tiếng lên án động thái này và ngăn ngừa việc xâm phạm an ninh hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Kursk, có thể dẫn tới thảm họa nhân tạo quy mô lớn tại châu Âu”.

Cũng ngày 17/8, IAEA công bố thông cáo báo chí về tình hình an toàn hạt nhân “xấu đi” tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi xảy ra một vụ tập kích UAV vào một con đường gần đó. Nhà máy này hiện nay do Nga kiểm soát.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết, vụ tấn công trên làm nổi rõ rủi ro cao của các cơ sở hạt nhân như vậy trong vùng xung đột vũ trang.

Tiểu đoàn thủy quân lục chiến khét tiếng của Ukraine xung trận ở Kursk

Hôm 18/8, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến 501 của Ukraine thông báo đã hiện diện tại Kursk.

Tiểu đoàn này vốn thuộc lực lượng Ukraine trước đây đồn trú ở Crimea trước khi bán đảo này sáp nhập vào Nga. Khi đó, 64 thành viên của Tiểu đoàn 501 rút lui khỏi Crimea cùng với các lực lượng Ukraine khác. Những người còn lại trong Tiểu đoàn (con số lên tới hàng trăm) đã tình nguyện ở lại bán đảo Crimea, đứng về phía quân đội Nga.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Bộ Quốc phòng Ukraine đã xây dựng mới Tiểu đoàn thủy quân lục chiến 501. Khi Nga phát động tiến công Ukraine vào đầu năm 20222, tiểu đoàn mới này đã có mặt trong lực lượng đồn trú của Ukraine tại Mariupol trên bờ Biển Đen. Lực lượng Ukraine đã cố thủ tại đó trong 3 tháng trước khi hạ vũ khí vào cuối tháng 5/2022 do cạn kiệt lương thực, vũ khí và thuốc men.

Đáng lưu ý, trong trận Mariupol này, khoảng 270 lính thủy đánh bộ Tiểu đoàn 501 đã hạ vũ khí và đầu hàng quân Nga ngay từ tháng 4 năm đó. Giới chức Ukraine đã mở cuộc điều tra về vụ đầu hàng này. Sau đó, 20 lính tiểu đoàn 501 trở về Ukraine trong cuộc trao đổi tù binh, còn 250 quân nhân còn lại thì tình nguyện ở lại Nga.

Ukraine phải xây dựng lại Tiểu đoàn 501 một lần nữa, bằng các sĩ quan mới và tân binh. Tiểu đoàn 501 mới này lâm trận vào năm 2023, ban đầu ở Kherson, rồi chuyển sang Kharkov, bảo vệ thị trấn Volchansk.

Sau 2 vụ đầu hàng ở Crimea và Mariupol, Tiểu đoàn 501 chắc hẳn sẽ buộc phải dốc sức chứng tỏ bản lĩnh trong cuộc đối đầu mới trên chiến trường Kursk. Tiểu đoàn này sẽ là một nhân tố khó lường bên cạnh các đơn vị mạnh, dạn dày trận mạc mà Ukraine đã bí mật điều về Kursk từ trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại