Trung Quốc không có kế hoạch thành lập liên minh quân sự với Nga - Đây là tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 1/3 vừa qua sau những đồn đoán về khả năng Bắc Kinh và Moskva thành lập một "mặt trận thống nhất" để chống lại NATO, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).
"Mối quan hệ quân sự của Trung Quốc và Nga là một yếu tố hỗ trợ quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược của hai nước", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay. "Hai bên tuân thủ nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào các bên thứ ba, điều này hoàn toàn khác biệt với liên minh quân sự giữa một số quốc gia".
Tuyên bố trên đã được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva không loại trừ khả năng thành lập liên minh với Trung Quốc hồi tháng 10/2020.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Nga để ngỏ khả năng này kể từ sau khi hiệp ước giữa hai nước chấm dứt vào thập niên 1960. Phát biểu của ông Putin cũng đã dấy lên nhiều đồn đoán về việc Nga có thể sẽ cố gắng thiết lập một liên minh quân sự với Trung Quốc để đối đầu với NATO.
Tàu khu trục tên lửa Type 052D Hefei của Trung Quốc (phải) và tàu khu trục nhỏ Type 054A Yuncheng cập cảng Saint Petersburg, Nga năm 2017. Ảnh: AFP
Thông điệp rõ ràng của Bắc Kinh
Các chuyên gia quốc phòng Trung Quốc cho biết, tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này đã gửi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh muốn tránh trường hợp căng thẳng với Washington trở thành "một cuộc chiến tranh nóng", đồng thời đó cũng là lời khẳng định rõ ràng để dập tắt mọi lời đồn đoán của phương Tây về khả năng lập liên minh với Nga.
Theo chuyên gia quân sự Ni Lexiong đến từ Thượng Hải, ngay cả việc nêu lên ý định thành lập liên minh quân sự với Nga cũng là một "điều cấm kị" đối với Trung Quốc.
"Ngày nay, chỉ có những quốc gia định phát động chiến tranh mới công bố kế hoạch thành lập liên minh quân sự", ông Ni nói. "Làm như vậy chẳng khác nào tự dồn mình vào góc tường, và tự cắt đứt mọi cơ hội đàm phán. Điều này không có lợi cho Trung Quốc".
Lính thủy đánh bộ Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung ở thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Cheng Yijun, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm trên. Chuyên gia này lập luận rằng các liên minh quân sự là di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh, và Trung Quốc không có nhu cầu thuộc về một liên minh như vậy.
"NATO được thành lập với mục tiêu đối đầu Liên Xô, không phải Trung Quốc", ông Cheng nói. "Đến nay tổ chức này vẫn chưa làm điều gì gây tổn hại tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc".
Theo chuyên gia Cheng, một liên minh quân sự Nga-Trung sẽ kéo Bắc Kinh vào những xung đột giữa Nga và châu Âu, mà Trung Quốc không có lợi lộc gì khi dính dáng đến những cuộc đối đầu như vậy.
Còn theo chuyên gia Ni, mặc dù Trung Quốc và Nga có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung, nhưng lịch sử đã mách bảo Bắc Kinh rằng họ sẽ phải trả một cái giá khổng lồ nếu thành lập liên minh với Nga.
"Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô đổ vỡ vì tranh chấp đảo Trân Bảo (Nga gọi là Damansky) vào năm 1969", ông Ni nhắc lại cuộc xung đột biên giới Trung-Xô năm xưa. "Ngày nay quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có thể được coi là bán liên minh quân sự, nghĩa là hai nước là đồng minh nhưng không chịu ràng buộc bởi bất cứ nghĩa vụ quân sự nào với đối phương. Mối quan hệ này khá giống với nhóm QUAD của Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ".
Nhóm QUAD thường được ví với "NATO mini", và đã được khôi phục gần đây để chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một chuyên gia quân sự giấu tên từ Bắc Kinh bình luận: "Ông Tập và ông Putin đều gọi nhau là 'bạn thân', nhưng ông Tập vừa có quan hệ cá nhân với ông Putin, vừa qua lại với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Tập sẽ không muốn bị bất cứ bên nào gây áp lực".
Các liên minh quân sự là một khái niệm lỗi thời khi tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đã nhận ra tầm quan trọng và giá trị của việc giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ lợi ích quốc gia theo cách hòa bình, chuyên gia Cheng kết luận.
"Giữa các quốc gia và lợi ích của họ sẽ có những xung đột và mâu thuẫn, nhưng việc thành lập một liên minh quân sự đồng nghĩa với việc bạn lựa chọn vũ lực để giải quyết vấn đề. Đó là lựa chọn tồi tệ nhất", ông Cheng nói./.
(Theo SCMP)