Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy vài giờ sau vụ bắt cóc kéo dài ở Dhaka.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Bangladesh cho biết, những kẻ tấn công tiệm bánh đã sử dụng chất nổ và vũ khí sắc nhọn sản xuất trong nước.
Ít nhất 14 con tin khác được cứu thoát, trong đó có 1 người Nhật và 2 người Sri Lanka. 6 kẻ tấn công thiệt mạng sau khi cuộc giải cứu con tin kết thúc. Ít nhất 2 cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đấu súng đêm 1.7, và 30 cảnh sát bị thương.
"Cuộc đấu súng dữ dội đã diễn ra," Mizanur Rahman Bhuiyan, Lữ đoàn phản ứng nhanh, nói với Reuters. Các vụ nổ cũng đã được nghe thấy trong khu vực này.
Các quan chức nói với BBC rằng quân đội và hải quân biệt kích tiến hành chiến dịch giải cứu con tin, cùng với cảnh sát và lực lượng biên phòng Bangladesh.
Các xe bọc thép cũng được nhìn thấy tiến về phía quán Holey Artisan Bakery.
Người dân khu Gulshan cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng súng, sau khi hàng trăm binh sĩ tiếp cận tòa nhà.
8 hoặc 9 người đàn ông có vũ trang xông vào quán ăn ở khu vực ngoại giao của thành phố vào khoảng 21:20 giờ địa phương, tức 20:20 giờ Việt Nam hôm 1.7 và nổ súng. Quán này có nhiều khách hàng là nhân viên người nước ngoài, các nhà ngoại giao và những gia đình trung lưu.
Truyền thông trích lời các nhân chứng nói khi xảy ra vụ tấn công, họ đã nghe thấy những tiếng hô “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thánh Allah vĩ đại”.
Một nhân chứng khác nói cô nghe những tiếng ồn rất lớn, sau đó là tiếng súng nổ liên hồi. "Kính của phòng tôi bị vỡ vụn,” Rashila Rahim nói.
“Cô của tôi, con gái bà và hai người bạn đến quán đó để dự Iftar (một buổi tiệc của tháng ăn chay Ramadan) và họ vẫn chưa quay về. Chúng tôi không biết có thể tìm họ ở đâu.”
Một cư dân địa phương, Tarique Mir, nói anh nghe thấy những tiếng súng rời rạc gần ba tiếng sau vụ tấn công xảy ra. “Ở ngoài đó rất lộn xộn. Đường sá bị chặn và có hàng chục cảnh sát đặc biệt,” Tarique Mir nói.
Một thông cáo phát trên hãng tin Amaq của IS cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Theo BBC, mặc dù những vụ tấn công bằng súng rất ít khi xảy ra ở Bangladesh, sự cố mới nhất tiếp theo các vụ sát hại gần đây đều được cho là do những kẻ cực đoan của IS gây ra.
Mặc dù IS nhận trách nhiệm một số vụ tấn công, nhưng chính phủ Bangladesh liên tục phủ nhận sự hiện diện của tổ chức khủng bố này trong nước.
"Chúng tôi không muốn những kẻ khủng bố này ở Bangladesh" - Thủ tướng Bangladesh nói.
"Đây là lần đầu tiên có loại hình tấn công này ở đất nước chúng tôi. Những gì chúng làm là hành động ghê tởm".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Bangladesh giờ đã trở thành một mục tiêu của IS.
"IS đã vài lần nhắc tên Bangladesh trên hãng tin của chúng. Chúng ám chỉ sẽ tiến hành thêm các vụ tấn công, tăng tần suất và kêu gọi những tình nguyện viên từ Bangladesh tham gia cùng" - ông Sajjan Gohel, giám đốc an ninh Quỹ Châu Á Thái Bình Dương cho hay.