Kẻ vượt ngục huyền thoại trong lịch sử Nhật Bản

Nguyễn Thế Đại Dương |

"Kẻ không thể bị giam cầm" là cái tên người đời gọi Yoshie Shiratori - người 4 lần thoát khỏi những nhà tù nghiêm ngặt nhất thời phát xít Nhật.

Gã tù nhân bị hàm oan

Năm 1936, Yoshie Shiratori bị tống vào nhà tù Aomori sau khi cảnh sát ép cung, bắt ông phải nhận tội giết người. Những màn tra tấn tàn bạo và án tử treo lơ lửng trên đầu khiến Shiratori khao khát thoát khỏi nhà ngục để về đoàn tụ cùng gia đình.

Kẻ vượt ngục huyền thoại trong lịch sử Nhật Bản - Ảnh 1.

Chân dung Yoshie Shiratori.

Shiratori bí mật lấy cắp một sợi dây kim loại ngắn ở nhà tắm và tìm cách bẻ ổ khóa phòng giam. Khoảng 5h sáng hôm sau, ông mở khóa thành công và không quên cuộn tròn chăn màn thành dáng người nằm.

Vì đã theo dõi lịch trình của cai ngục, Shiratori tận dụng 15 phút đổi ca ngắn ngủi để tẩu thoát mà không bị nghi ngờ do cảnh sát đinh ninh ông vẫn đang ngủ.

Nhưng chỉ vài ngày sau, ông bị bắt khi đang tìm thức ăn ở một bệnh viện và bị kết án tù chung thân do hành vi giết người, đồng nghĩa với việc Shiratori không thể trở về với vợ con.

Năm 1942, Shiratori bị chuyển đến nhà tù Akita, nơi khét tiếng tàn ác. Không chỉ bị đánh, ông còn phải ngủ dưới sàn xi măng giữa trời đông giá rét và bị nhốt trong một căn phòng nhỏ, với trần rất cao và hai bên tường trơn nhẵn không thể bám tay vào.

Điểm sáng duy nhất có lẽ là lòng trắc ẩn của quản giáo tên Kobayashi: cấp cho Shiratori chăn ấm và tăng suất ăn.

Nhưng dẫu có thoải mái hơn thì cũng không thể dập tắt ngọn lửa khao khát tự do. Vào một đêm mưa bão tháng Sáu, Shiratori một lần nữa trốn thoát trong sự ngỡ ngàng của cảnh sát. Ông đã làm thế nào?

Những năm tháng phiêu bạt vì là trẻ mồ côi đã giúp người tù nhân này có nhiều "ngón đòn" phòng thân, nhất là khả năng leo trèo. Không gian hẹp của phòng giam hóa ra lại là điều kiện lý tưởng để ông nép cơ thể về một phía và phía còn lại dùng chân đẩy người lên cao.

Đến phần trần phía trên, ông nhận ra rằng dù là song sắt nhưng bốn góc lại cố định bằng các nan gỗ. Và thế là trong hàng tháng trời, vào lúc cai ngục không để ý, ông lại trèo lên và dùng tay đẩy các nan gỗ mục từng chút một.

Thời cơ đã đến vào một đêm mưa, Shiratori dùng hết sức bình sinh đẩy tung phần trần, vốn đã lỏng lẻo sau vài tháng bị ông tác động. Mưa lớn khiến không ai nghe được tiếng ông chạy thật nhanh trên mái nhà.

Cảnh sát không thể lần ra ông nhưng Shiratori vẫn muốn làm người tự do một cách đường hoàng. Ba tháng sau đó, quản giáo Kobayashi nghe thấy tiếng gõ cửa giữa đêm, hóa ra đó là Shiratori trong bộ dạng nhếch nhác cùng mùi hôi kinh khủng.

Shiratori tin tưởng vì quản giáo Kobayashi là người duy nhất đối tốt với ông trong tù. Người đàn ông tội nghiệp thỉnh cầu Kobayashi đưa vụ việc của ông lên các cấp cao hơn để minh oan tội giết người, chấm dứt chuỗi ngày sống chui lủi.

Viên quản giáo cho Shiratori vào nhà nghỉ ngơi rồi âm thầm gọi báo các đồng nghiệp vây bắt kẻ vượt ngục nguy hiểm. Shiratori trở lại nhà tù và thề sẽ không bao giờ đặt niềm tin vào cảnh sát lần nào nữa.

Vượt ngục bằng nước súp

Với tội danh vượt ngục lần 2, Shiratori bị điều chuyển đến nhà tù Abashiri ở Hokkaido, vùng đất nằm ở cực Bắc Nhật Bản với cái lạnh thấu da, đến thức ăn còn muốn đông đá. Cảnh giác cao độ trước tài nghệ của ông, cảnh sát đã đặt một thợ rèn làm riêng một chiếc còng tay khổ lớn đeo 24/7 và chỉ được mở ra mỗi tháng một lần.

Quản giáo còn bắt ông mặc quần áo mỏng manh như muốn cái rét kinh khủng ở Hokkaido sẽ đánh gục ý chí của gã tù nhân khao khát tự do.

Chúng ta đã biết Shiratori là một người có thừa sự dũng mãnh nhưng chiếc còng tay 20 kg và cánh cửa sắt chỉ hở một khung nhỏ thật sự là thử thách lớn nhất cuộc đời ông.

Mùa đông lạnh lẽo đi qua, xuân đến mang nắng ấm và thắp lại trong ông hi vọng mới về ngày tự do nhưng bằng cách nào cơ chứ?

Vào một đêm tháng Tám, viên cai ngục tiến đến kiểm tra phòng giam của Shiratori và kinh hãi nhận ra ông đã rời đi từ lúc nào, trên sàn là chiếc còng tay 20 kg nằm chỏng chơ, vương vãi ốc vít xung quanh.

Hóa ra, ngoài sức vóc hơn người, Shiratori còn rất thông minh. Thực đơn bữa ăn của tù nhân ở đây là món canh súp miso được nêm muối quá tay và thế là sau mỗi bữa ăn, Shiratori đều để lại một ít súp để đổ vào những con ốc vít của chiếc còng tay và cả tấm sắt che lỗ thông gió trên cánh cửa nhà giam.

Độ mặn của súp miso làm hoen rỉ những con ốc từ ngày này sang tháng nọ theo cái cách mà không một quản giáo nào có thể ngờ tới. Thậm chí họ còn "giúp sức" bằng những lần mở còng tay ra vào, làm lỏng lẻo các khớp nối hơn.

Sau nhiều tháng cần mẫn đổ súp, Shiratori cuối cùng đã có thể tháo ốc của còng tay và cả 4 con ốc cố định tấm sắt che lỗ thông gió.

Dù lỗ thông đã được làm nhỏ đi ngăn Shiratori chui qua nhưng thật oái ăm, cơ thể suy nhược như da bọc xương của ông bây giờ lại dễ dàng luồn qua và thoát ra ngoài.

Cảnh sát tìm kiếm ông suốt vài ngày sau đó nhưng đã bỏ cuộc và tin rằng ông không thể sống sót ở vùng đất lạnh giá và nhiều gấu dữ như Hokkaido. Tuy nhiên, dù chỉ là một cơ hội nhỏ nhoi nhất thì Shiratori vẫn có thể sinh tồn.

Ông tìm được cái hang để tránh thú dữ, tự sưởi ấm như thời tiền sử và sống qua ngày bằng cách bắt cá ở bờ suối khuất sau dãy núi.

Có lẽ niềm vui của một người tự do đã tiếp thêm năng lượng, giúp ông sống khỏe gần 2 năm ở Hokkaido (và hoàn toàn không biết gì về sự kiện Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản).

Điếu thuốc giải cứu cuộc đời

Khoảng năm 1946, Shiratori tìm đường len vào một ngôi làng dưới núi để nghe ngóng. Người đàn ông sống xa xã hội lâu ngày đã không thể kiềm chế trước vườn dưa hấu thơm mát.

Trong lúc đang bẻ trộm một quả, Shiratori bị chủ vườn phát hiện và xảy ra xô xát dẫn đến chủ vườn tử vong. Kết quả, ông bị kết án tử hình vì hành vi 3 lần trốn ngục và vô ý giết người, chuyển đến nhà tù Sapporo chờ thi hành án.

Phòng giam mới của Shiratori được gia cố thêm lớp cửa sắt, với 6 nhân viên canh gác luôn túc trực bên ngoài.

Cảnh sát cố gắng che đậy hết những lỗ hổng mà Shiratori từng vượt ngục thành công nhưng vì là người đi sau, lực lượng an ninh hoàn toàn không biết "thánh vượt ngục" nghĩ gì trong đầu.

Phòng giam được chú trọng phần trần nhưng lại để hổng phần sàn không được bê tông hóa. Shiratori nhanh chóng phát hiện lớp gỗ sàn có thể gỡ ra tương đối nhanh, để lộ khoảng đất trống ngay bên dưới để ông đào một ngách hầm ra bên ngoài.

Vượt ngục thành công

Shiratori (khi ấy đã gần 50 tuổi) tiếp tục lang bạt nhiều nơi, trong bộ dạng của một kẻ ăn xin gớm ghiếc sống qua ngày bằng của bố thí, cho đến một sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông lần nữa.

Số là trong một lần ngồi nghỉ chân bên vệ đường, Shiratori bất ngờ được một sĩ quan cảnh sát mời điếu thuốc, thứ xa xỉ thời bấy giờ ở Nhật Bản. Từng thề không tin bất kỳ cảnh sát nào nữa nhưng Shiratori đã bật khóc nức nở trước hành động đầy tình người của viên sĩ quan kia.

Ông tiết lộ thân phận thật và thỉnh cầu sự giúp đỡ của viên sĩ quan để đưa vụ án lên Tòa tối cao, vốn đã thay đổi nhiều thời hậu chủ nghĩa quân phiệt. Trước vành móng ngựa, Shiratori kể lại toàn bộ quá trình vượt ngục và việc bị hàm oan hơn 10 năm trước.

Cuối cùng, nhận thấy Shiratori không làm hại cảnh sát nào khi bỏ trốn, Tòa tuyên phạt Shiratori 20 năm tù giam ở nhà tù Tokyo ấm áp và nhân đạo hơn.

Sau 14 năm chấp hành án tù, năm 1961, ông được ân xá và đoàn tụ với con gái, dù người vợ đã ra đi mãi mãi. Shiratori tiếp tục làm việc kiếm sống và qua đời nhiều năm sau đó ở tuổi 72.

Cuộc đời khó tin của ông là cảm hứng để nhà văn nổi tiếng Akira Yoshimura cho ra đời tiểu thuyết kinh điển "Hagoku", sau này được dựng thành phim điện ảnh năm 2017.

Nhà tù Abashiri nơi Shiratori trốn thoát bằng súp miso nay thành một bảo tàng, họ cho làm một mô hình ông đang trèo lên mái để kỷ niệm tù nhân đầu tiên và duy nhất thoát được khỏi đây.

Với hệ thống nhà tù Nhật Bản, trường hợp của Shiratori là bài học giúp củng cố hiệu quả hệ thống an ninh để không còn "kẻ không thể bị giam cầm" nào nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại