Kế hoạch tác chiến dài hạn và sâu rộng của Nga tại Ukraine

Trung Hiếu |

Đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy, sau một năm phòng ngự khá thành công trước Ukraine, có khả năng Nga sẽ chuyển sang tấn công lớn, mở rộng quy mô tác chiến cả về không gian và thời gian.

Dự báo Nga không giới hạn tác chiến ở 4 tỉnh đã sáp nhập

Trong bản đánh giá vào ngày 15/12/2023, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, có trụ sở ở Washington) nêu thông tin có khả năng nước Nga đã lên kế hoạch mới để mở rộng tác chiến tại Ukraine. Viện này nhận định, điều đó nếu tồn tại thì hoàn toàn thống nhất với nỗ lực của Nga sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang kéo dài với Ukraine.

Kế hoạch tác chiến dài hạn và sâu rộng của Nga tại Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin tại bàn làm việc. Ảnh: Sputnik.

Xung đột Nga - Ukraine (bắt đầu vào tháng 2/2022) sắp tròn 2 năm, với tổn thất to lớn cho cả hai phía. Vào tháng 9/2022, Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, là Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia (động thái này không được cộng đồng quốc tế công nhận).

Trong bản cập nhất mới về xung đột Ukraine, ISW thông báo rằng tờ báo Đức Bild đưa tin về kế hoạch của Nga chiếm thêm lãnh thổ Ukraine ngoài 4 tỉnh nói trên, trong khung thời gian từ năm 2024 - 2026.

Theo kế hoạch mới này, Nga sẽ cố gắng chiếm trọn các tỉnh Donetsk và Lugansk (hiện Nga chưa kiểm soát hoàn toàn các địa phương này), đồng thời tiến tới sông Oskil ở tỉnh Kharkov vào cuối năm 2024. Bài báo của Bild dựa trên nguồn tin tình báo.

ISW nhận định, kế hoạch giao tranh mà tờ Bild phản ánh là nhất quán với những hoạt động của Nga chuẩn bị cho một cuộc chiến dài lâu. Cụ thể, ISW cho biết, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nga đang theo đuổi các nỗ lực tái cấu trúc và mở rộng dài hạn nhằm xây dựng các lực lượng dự bị chiến lược.

ISW cũng đề cập việc Tổng thống Nga Putin mới đây có những tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, trong đó ông yêu cầu Ukraine rút quân khỏi những vùng mà ông gọi là “lãnh thổ Nga”, coi đó là điều kiện tiên quyết để kết thúc xung đột vũ trang giữa hai nước.

Gần đây Nga đẩy mạnh bao vây thị trấn Avdiivka ở Donetsk. Phía Ukraine ra sức kháng cự tại đó. Tuy nhiên, quân Nga vẫn tiến lên từng chút một quanh trung tâm công nghiệp này, gần như mỗi ngày. Moscow phát động tấn công thị trấn này vào ngày 10/10.

Tiến công đa hướng, giành chủ động trên chiến trường lớn

Ngoài mục tiêu Avdiivka, Nga còn triển khai tấn công đa hướng ở miền Đông Ukraine. Trên thực địa, các lực lượng Nga tiếp tục hoạt động tiến công để mở rộng vùng họ kiểm soát ở tỉnh Kharkov.

Bản đánh giá mới đây do tình báo Mỹ công bố cho thấy, mục tiêu chính của Nga khi tấn công Avdiivka là làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.

Tuy nhiên, ISW cho biết thêm, nỗ lực của Nga trong đánh chiếm Avdiivka chủ yếu là do nhân cơ hội thuận lợi xuất hiện, và chính vì vậy Bộ Tổng tư lệnh quân đội Nga mới chỉ gọi đây là “phòng ngự tích cực”.

Gần đây một số nguồn tin Nga còn tuyên bố rằng chiến dịch tấn công vào Avdiivka chỉ là đòn nhử trong lúc Nga tấn công nhiều nơi khác.

Tờ Independent dẫn lời Dmytro Verbych - một quân nhân Ukraine ở tiền tuyến và tham gia chiến dịch phản công vừa qua của Ukraine, cho biết những người lính như anh này hiện nay “kiệt sức” và “đánh mất quyền chủ động”.

Verbych nói: “Chúng tôi có một mùa đông và mùa xuân khó khăn ở phía trước, khả năng là chúng tôi sẽ phải đối mặt với hoạt động tiến công của Nga”.

Nhiều nhà phân tích Ukraine và phương Tây kết luận rằng việc Nga theo đuổi cùng lúc 4 cuộc tiến công là nhằm giành lấy quyền chủ động trên cấp độ chiến trường rộng lớn. Giới phân tích nhận diện 2 mục tiêu chính trong chiến lược này của Nga:

Thứ nhất, theo Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bằng cách duy trì thế chủ động trong suốt mùa đông, Nga muốn làm phương Tây chùn bước trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Theo cách tiếp cận này, việc Nga tấn công liên tục sẽ khiến Ukraine ở trong thế phòng ngự thường xuyên, còn phương Tây sẽ không còn hào hứng viện trợ cho Ukraine nữa, đẩy Ukraine vào chỗ chỉ còn ít nguồn lực vào mùa hè tới đây.

Thứ hai, việc giành và giữ quyền chủ động có ý nghĩa quan trọng đối với Nga về mặt chính trị vào lúc này, trong bối cảnh Nga sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm tới (2024).

Xung đột thậm chí sẽ không dừng lại ở Ukraine?

Trong một diễn biến liên quan, nghị sĩ Nga Andrey Gurulyov gần đây nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Putin sẽ vượt ra ngoài Ukraine.

Ông Gurulyov, thuộc Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), nói trên kênh truyền hình Nga rằng nước này sẽ không chỉ chiến thắng trong xung đột vũ trang với Ukraine mà sẽ còn tiếp tục đi xa hơn thế.

Thực ra ngay từ khi xung đột Ukraine mới nổ ra, phương Tây đã e ngại Nga sẽ mở rộng xung đột này ra bên ngoài Ukraine. Tổng thống Mỹ Biden cũng đã lên tiếng về kịch bản này và bày tỏ cam kết của Mỹ sẽ “bảo vệ từng centimet lãnh thổ NATO”.

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn được truyền thông Nga đăng tải vào hôm 17/12, Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ các bình luận của ông Biden, coi đó là điều vô lý.

Trong cuộc họp báo cuối năm của mình, Tổng thống Putin tái khẳng định mục tiêu tiếp tục “phi quân sự hóa và phi Quốc xã hóa” đối với Ukraine. Ông nói, nếu Ukraine không chấp nhận một thỏa thuận phi quân sự hóa thì Nga sẽ buộc phải dùng vũ lực để giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố rằng chưa thể nói đến việc đàm phán với Nga chừng nào các lãnh thổ do Moscow mới chiếm được (từ năm 2014) chưa được trao lại cho Kiev. Giới lãnh đạo Ukraine cũng liên tục phủ nhận cáo buộc của ông Putin về chế độ tân Quốc xã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại