Iran mua Su-35 Nga, F-14 Tomcat sẽ chỉ còn là huyền thoại

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) |

Việc Iran mua Su-35 của Nga đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai phi đội tiêm kích F-14 Tomcat huyền thoại của nước này.

Giữa tháng 11, Iran chính thức tiếp nhận 2 tiêm kích Su-35 Flanker-E do Nga sản xuất, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa phi đội già cỗi của nước này.

Việc mua Su-35 của Nga đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai phi đội tiêm kích F-14 Tomcat huyền thoại của Iran. Với các lô Su-35 khác dự kiến được bàn giao trong tương lai, Tehran được cho là sẽ dần loại bỏ những chiếc F-14 cũ kỹ trong vài năm tới.

Tiêm kích F-14 Tomcat của Không quân Iran. Ảnh: Telegram

Su-35 không chỉ được kỳ vọng thay thế những chiếc F-14 đã lỗi thời mà còn vượt trội hơn tiêm kích do Mỹ sản xuất về hầu hết mọi mặt. Được trang bị động cơ mạnh mẽ, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, radar Irbis-E hiện đại Su-35 được đánh giá là là đem lại cho Không quân Iran (IRIAF) những khả năng mà F-14 ngay cả khi còn ở thời kỳ hoàng kim của nó cũng khó có thể so sánh.

Với khả năng cơ động linh hoạt, tốc độ cao và tích hợp vũ khí tiên tiến, Flanker-E đại diện cho một bước nhảy vọt đối với IRIAF. Su-35 không chỉ được đánh giá sẽ là một công cụ răn đe mạnh mẽ của Iran đối với các đối thủ trong khu vực mà còn là đối trọng với các máy bay tiên tiến của phương Tây hoạt động ở khu vực Vùng Vịnh.

Từng là minh chứng cho mối quan hệ đồng minh với Mỹ

Đến năm 1973, Không quân Iran (Khi đó là Không quân Hoàng gia Iran – IIAF) vẫn sử dụng các máy bay F-4 Phantom II và F-5 Tiger do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên các mối đe dọa hàng không ngày càng tăng đòi hỏi Iran phải có một loại máy bay mạnh mẽ hơn nữa.

Thời điểm này, Mỹ vừa mới giới thiệu 2 mẫu tiêm kích mới: McDonnell Douglas F-15 Eagle và Grumman F-14 Tomcat. Cả hai đều đại diện cho công nghệ tiên tiến, nhưng được thiết kế với những ưu tiên khác nhau.

F-15 chủ yếu là tiêm kích ưu thế trên không được tối ưu hóa cho các trận không chiến gần, trong khi F-14, được phát triển cho Hải quân Mỹ, xuất sắc trong vai trò máy bay đánh chặn tầm xa với khả năng đa nhiệm độc đáo.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Iran - khi đó dưới sự trị vì của Shah Mohammad Reza Pahlavi và là đồng minh chủ chốt của Mỹ - quyết định chọn Grumman F-14 Tomcat.

Thương vụ này là một bước đột phá, đánh dấu lần đầu tiên và duy nhất Mỹ bán F-14 cho một quốc gia ngoài nước.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của Tehran là sự kết hợp giữa hệ thống radar AN/AWG-9 và tên lửa AIM-54 Phoenix. Bộ đôi này mang lại cho F-14 khả năng chưa từng có trong việc phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu trên không ở khoảng cách hơn 160km. Đối với một quốc gia cần nền tảng để bảo vệ không phận rộng lớn và các khu vực trên biển như Iran, khả năng của F-14 là vô song.

Tháng 1/1974, Iran chính thức ký thỏa thuận mua 30 chiếc F-14 Tomcat, để ngỏ khả năng mở rộng lên 79 máy bay. Thỏa thuận này không chỉ bao gồm máy bay mà còn đi kèm cả đào tạo, hỗ trợ bảo trì và tên lửa AIM-54 Phoenix.

Những chiếc F-14 đầu tiên được bàn giao vào năm 1976 và các phi công Iran được huấn luyện tại Mỹ để vận hành nền tảng tiên tiến này. Việc mua F-14 ngay lập tức giúp không quân Iran trở thành một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất trong khu vực, có khả năng ngăn chặn các đối thủ và tuần tra bầu trời với công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, phi đội F-14 của Iran đã phải đối mặt với thách thức đầu tiên chỉ vài năm sau đó khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Việc lật đổ Shah và thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran khiến quan hệ với Mỹ xấu đi nghiêm trọng.

Sau cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm bán vũ khí, cắt đứt nguồn cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo trì cho các khí tài quân sự do Mỹ sản xuất mà Iran sở hữu, bao gồm cả F-14.

Khi đó, nhiều nhà quan sát tin rằng lệnh cấm vận của Mỹ sẽ khiến phi đội F-14 sớm trở nên lỗi thời chỉ trong vài năm, vì các hệ thống phức tạp của dòng tiêm kích này đòi hỏi quá trình bảo trì phức tạp và cần có các linh kiện chuyên dụng.

Biểu tượng sức mạnh của không quân Iran

Trái với mọi dự đoán, Không quân Iran đã chứng tỏ khả năng trong việc duy trì phi đội F-14. Các kỹ sư và kỹ thuật viên Iran đã đảo ngược kỹ thuật các linh kiện quan trọng, tháo dỡ và tận dụng linh kiện từ các máy bay bị hư hỏng, và được cho là đã mua linh kiện thay thế từ chợ đen.

Phi đội cũng được duy trì bằng cách loại bỏ các máy bay không hoạt động để giữ cho những máy bay khác có thể bay được. Những nỗ lực này đảm bảo rằng Tomcat vẫn hoạt động, mặc dù số lượng giảm, trong suốt những năm 1980 và sau đó.

Trong Chiến tranh Iran-Iraq [1980–1988], máy bay F-14 của Iran đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ không phận Iran. Bất chấp những thách thức về hậu cần, máy bay này đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc đánh chặn máy bay Iraq, bao gồm cả MiG-25 Foxbats và MiG-21 do Liên Xô cung cấp.

Trong những thập kỷ sau chiến tranh, máy bay F-14 vẫn được Iran sử dụng, minh chứng cho quyết tâm của Tehran trong việc duy trì các tài sản quân sự tiên tiến bất chấp sự cô lập của quốc tế. Các kỹ sư Iran tiếp tục phát triển các giải pháp nội địa để duy trì hoạt động cho F-14, bao gồm việc trang bị lại các hệ thống cũ bằng thiết bị điện tử hàng không hiện đại và cố gắng sản xuất các phiên bản nội địa của tên lửa AIM-54 Phoenix.

Những nỗ lực này đã kéo dài thời gian hoạt động của phi đội F-14, vượt xa những gì người ta nghĩ.

Ngày nay, F-14 Tomcat vẫn là biểu tượng của sức mạnh không quân Iran và là di sản độc đáo của chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Shah. Trong khi phần lớn phi đội ban đầu đã được cho nghỉ hưu do hao mòn, một số máy bay vẫn đang hoạt động, nhưng chúng đã được cải tiến rất nhiều.

F-14 sẽ chỉ còn là huyền thoại

F-14 Tomcat đã trở thành nền tảng quan trọng trong chiến lược không quân của Iran từ khi Tehran mua những máy bay này của Mỹ.

Đối với Iran, Tomcat không chỉ là một tài sản quân sự; nó là minh chứng cho khả năng thích ứng và vượt qua những thách thức do lệnh trừng phạt quốc tế và sự cô lập về công nghệ của quốc gia này.

Dù gặp phải thách thức do lệnh cấm vận của Mỹ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran vẫn duy trì được phi đội F-14 suốt hàng chục năm nhờ sự sáng tạo và đổi mới. Nhưng qua thời gian dài, việc bảo trì F-14 trở nên khó khăn hơn khi các linh kiện thay thế ngày càng khan hiếm và khoảng cách công nghệ giữa các nền tảng thế hệ thứ tư và hệ thống phòng không hiện đại ngày càng lớn.

Mặc dù Iran đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cấp F-14 với các hệ thống điện tử và vũ khí mới, những đó chỉ là giải pháp tạm thời và không thể khắc phục hoàn toàn hạn chế của một chiếc máy bay được thiết kế từ cuối những năm 1960.

Việc chuyển từ F-14 sáng Su-35 không chỉ đơn giản là thay thế máy bay này bằng một chiếc máy bay khác. Hơn nữa, việc thay thế vai trò đánh chặn tầm xa của Tomcat - một khả năng chủ yếu gắn liền với sự kết hợp độc đáo của nó với tên lửa AIM-54 Phoenix - có thể đặt ra những thách thức, ngay cả với các hệ thống tiên tiến của Su-35.

Iran có thể vận hành song song F-14 và Su-35 trong giai đoạn chuyển tiếp của IRIAF. Nhưng có một điều chắc chắn: sự xuất hiện của Su-35 là một bước ngoặt.

Khi ngày càng nhiều Su-35 Flanker-E đi vào hoạt động, lực lượng không quân Iran sẽ dần dần trở thành một lực lượng hiện đại, đa năng và điều này sẽ định hình những tính toán chiến lược trong khu vực trong những năm tới.

F-14 sẽ chỉ còn là huyền thoại khi sức mạnh không quân của Iran sang một chương mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại