Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami.
Iran mua lượng lớn vũ khí Nga ?
Nga và Iran đã có những hoạt động ngoại giao năng động trong suốt thời gian qua. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã tới Diễn đàn Quân sự Army-2020 diễn ra từ ngày 23-29/8. Điều này khiến giới quan sát đồn đoán về việc Moscow và Tehran muốn tăng cường hợp tác quân sự-kỹ thuật khi lệnh cấm vận vũ khí Iran hết hiệu lực vào ngày 18/10.
Sự hiện diện của phái đoàn Iran tại diễn đàn và có các hoạt động kiểm tra các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir-S1 là một gợi ý cho thấy các hợp đồng chuyển giao mới có thể diễn ra giữa hai nước.
Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, một khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, các nhà chức trách Iran sẽ tìm mua xe tăng Nga, S-400 và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion. Ngoài ra, Tehran cũng quan tâm đến chiến đấu cơ Su-30 của Nga, máy bay huấn luyện Yak-130 và xe tăng T-90.
Tuy nhiên, khả năng Tehran ký kết hợp đồng đắt giá với Moscow được cho là còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua.
Đầu tiên, mặc dù các đại diện của Iran tỏ ra hứng thú với S-400 nhưng trên thực tế, đường đi đến một tuyên bố chính thức và ký hợp đồng giao hàng vẫn còn phải trải qua rất nhiều vòng đàm phán. Trong khi đó, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang sở hữu hệ thống phòng không tầm ngắn Tor-M1 do Nga sản xuất vẫn có thể được nâng cấp.
Thứ hai, giới lãnh đạo Iran đã nhiều lần nhắc lại rằng trong khi các loại xe tăng Nga như T-90 hay hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này vẫn là lựa chọn ưa thích nhưng ưu tiên của Tehran là sản xuất hàng nội địa như xe tăng Karrar. Trong khi đó, ba hệ thống tên lửa S-300PMU mà Nga cung cấp cho Iran được cho là đủ dùng trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, Tehran cũng có các hệ thống Bavar-373 có đặc điểm chung tương tự với S-300 của Nga.
Thứ ba, việc hợp tác quân sự sâu sắc hơn với Iran tiềm ẩn nhiều rủi ro về uy tín với Moscow. Tình tiết vụ bắn rơi chiếc Boeing 737 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine hồi tháng 1 cho thấy kinh nghiệm vận hành còn non yếu của quân nhân Iran.
Thứ tư, sẽ là sai lầm nếu Nga chấp nhận vứt bỏ mối quan hệ đang lên với các quốc gia khác trong khu vực chỉ để bán vũ khí cho Iran. Trước đó, Nga được cho là đã từ chối đề nghị mua S-400 của Iran vì lo ngại gây ra rắc rối ở Trung Đông và làm phiền lòng các quốc gia vùng Vịnh và Israel.
Cách hỗ trợ của Nga
Iran là một trong những quốc gia ưa thích hệ thống phòng không Nga.
Về lý thuyết, có một cách để Nga vừa tránh căng thẳng trong quan hệ với Iran vừa ngăn chặn thiệt hại về uy tín trong việc bán vũ khí cho nước này.
Nói với Al-Monitor, nhà phân tích Nga Yuri Lyamin cho biết, ông tin rằng Iran cuối cùng sẽ chọn mua chiến đấu cơ Su-35 hoặc Su-30M từ Nga. Lực lượng không quân Iran đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết về máy bay đa nhiệm hiện đại và tổ hợp công nghiệp-quân sự Iran không thể đáp ứng những nhu cầu này vào lúc này.
Mikhail Barabanov, một chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, cho biết vào năm 2018, ngành công nghiệp hàng không Iran đã phải sử dụng các phiên bản tân trang máy bay cũ của Mỹ mà không có khả năng phát triển những mẫu mới.
Về phần mình, Nikita Smagin, chuyên gia từ Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, tin rằng Iran khó có khả năng ký kết bất kỳ thỏa thuận trọn gói đáng kể nào với Nga để mua một loạt khí tài quân sự. Động thái mua sắm vũ khí ồ ạt vào thời điểm đất nước đang gặp khó khăn có thể gây ra những bất ổn.
"Trong khi Iran gần như chắc chắn sẽ kiềm chế bất kỳ thỏa thuận lớn nào với Nga, họ có thể sẽ chọn thực hiện một vài thỏa thuận mang tính biểu tượng để chứng tỏ khả năng vượt qua sự phong tỏa của Mỹ", Smagin nói.
Tuy nhiên, điều này sẽ không giải quyết được các vấn đề lâu dài của đất nước. Smagin nói: "Bạn không thể thay đổi phi đội máy bay đổ nát bằng cách mua thêm một vài chiếc máy bay khác. Việc tích hợp các hệ thống phòng không của nước ngoài vào hệ thống trong nước cũng sẽ là một thách thức".
Tuy nhiên, vẫn có nhiều tiềm năng trong hợp tác quân sự Nga-Iran hơn chỉ là mua vũ khí tiên tiến. Theo đó, những tiêm kích tàng hình F-35 đó có thể bị phát hiện khi sử dụng các mẫu radar của Nga.
Bởi vậy, Nga có thể hỗ trợ phần nào đó trong khía cạnh này với đối tác. Theo các báo cáo chính thức, Nga đã gửi cho Iran hai hệ thống radar Ghadir vào năm 2014 và 2015.
Bằng cách này hay cách khác, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một thách thức đối với hợp tác quân sự giữa Nga với Iran. Có một sự cản trở rõ ràng giữa việc Moscow muốn cung cấp thiết bị quốc phòng cho Iran và việc Tehran muốn mua vũ khí tấn công.
Tai tiếng của Iran là một yếu tố khác mà Nga phải tính đến, bởi việc bán bất kỳ máy bay, tên lửa, hoặc tàu chiến nào đều có thể gây ra sự phản đối kịch liệt từ các đối thủ trong khu vực và Mỹ.