Không quân Iran được cho là đã bắt đầu xây dựng các cơ sở kiên cố mới cho máy bay chiến đấu hạng nặng cỡ lớn tại Căn cứ Không quân Chiến thuật số 3, nằm cách Hamedan 47 km về phía bắc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình xây dựng đã làm dấy lên suy đoán rằng, cơ sở này có thể sẽ sớm tiếp nhận máy bay chiến đấu Su-35 được xác nhận là đã được đặt hàng từ Nga.
Những bức ảnh cho thấy kích thước của các nhà chứa máy bay là quá lớn so với những chiếc máy bay hiện có của Iran. Nằm ở phía tây của đất nước, cơ sở này là một vị trí thuận lợi để phi đội Su-35 phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa xâm nhập đường không từ Israel hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO và là nơi có các căn cứ máy bay chiến đấu của phương Tây.
Su-35 đối với Iran
Căn cứ này cũng nằm gần thủ đô Tehran của Iran và một số cơ sở hạt nhân quan trọng. Bán kính chiến đấu rộng hơn 2.000 km của Su-35 cũng cho phép máy bay thoải mái triển khai sức mạnh trên bộ vào Trung Đông hoặc tuần tra qua Eo biển Hormuz chiến lược.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn một khả năng đáng kể là Su-35 được giao cho Iran sẽ được phân bổ thành hai hoặc nhiều cơ sở, cho phép chúng bao phủ nhiều khu vực hơn của đất nước và hạn chế khả năng bị tấn công từ các lực lượng thù địch.
Căn cứ không quân ngầm Eagle 44 của Iran được xây dựng kiên cố và bí mật, lần đầu tiên được tiết lộ vào đầu tháng 2/2023, dường như cũng được xây dựng để chứa Su-35. Tuy nhiên, vẫn chưa thể biết chắc rằng liệu một đơn vị Su-35 sẽ đóng quân cố định tại căn cứ này hay chỉ triển khai luân phiên.
Việc bố trí phân tán Su-35 trên nhiều cơ sở được cho là rất hợp lý, xuất phát từ những tính năng hiện đại của chiếc máy bay này. Su-35 là loại máy bay duy nhất có hệ thống cảm biến tiên tiến trong phi đội Không quân Iran và do đó chiếc máy bay này sẽ đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, bổ sung sức mạnh cho những đơn vị đang triển khai các loại máy bay chiến đấu cũ hơn như F-4E và F-14 của Iran.
Sự hiện diện dù chỉ của một số lượng nhỏ Su-35 cũng có thể cải thiện đáng kể khả năng nhận thức tình huống, giảm thiểu tình trạng bị gây nhiễu và thậm chí có thể giúp dẫn đường cho tên lửa dẫn đường bằng radar đến mục tiêu, nếu hệ thống liên kết dữ liệu hiệu quả đã được lắp đặt trên các máy bay cũ hơn.
Radar Irbis-E của máy bay chiến đấu Su-35 có kích thước lớn gấp đôi radar được trang bị trên các máy bay F-16, F-18 và F-35 của Mỹ và sẽ là loại radar duy nhất trong biên chế Iran sử dụng mảng quét điện tử.
Chiến đấu cơ Su-35
Su-35 hiện là loại máy bay chiến đấu có khả năng nhất trong biên chế của Nga, chiến đấu cơ này thiết kế dựa trên máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Su-27 Flanker. Su-35 được đánh giá là chiến đấu cơ giàu thành tích nhất trong số các loại máy bay chiến đấu sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu là do vai trò trung tâm trong cuộc xung đột ở Ukraine. Su-35 đã tham gia vào các trận không chiến lớn với các đơn vị máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Ukraine, nơi họ đã giành được những chiến thắng áp đảo trong những tuần đầu của cuộc chiến.
Các tính năng đáng chú ý của Su-35 bao gồm việc tích hợp động cơ đẩy vectơ ba chiều giúp nâng cao khả năng cơ động và độ bền, cho phép Su-35 vượt xa bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của phương Tây. Bên cạnh đó, Su-35 còn được trang bị ba radar bổ sung, bao gồm hai radar băng tần L ở gốc cánh được tối ưu hóa để phát hiện máy bay tàng hình và phát động các cuộc tấn công điện tử.
Máy bay chiến đấu này cũng tương thích với tên lửa không đối không R-37M, có tầm bắn lên tới 400 km khi bắn từ tốc độ và độ cao lớn, tên lửa có thể đạt vận tốc Mach 6 và đầu đạn nặng 61 kg rất uy lực. Loại tên lửa này cho phép Su-35 tạo ra mối đe dọa lớn đối với các máy bay hỗ trợ như máy bay tiếp dầu, máy bay tác chiến điện tử (AEW&C) và máy bay ném bom hạng nặng của đối phương.
Việc triển khai R-37M có thể cho phép Su-35 của Iran đóng góp đáng kể vào khả năng phòng thủ của đất nước, ngay cả khi máy bay chỉ được triển khai với số lượng hạn chế, khi không có đối thủ nào của đất nước này vận hành lớp tên lửa tầm xa tương tự.
Quang Hưng