Theo quan sát của ICTnews, tại thời điểm chiếc iPhone XS Max của Apple đang được bán qua kênh xách tay với giá từ gần 30 triệu đồng thì những chiếc “iPhone XS Max” được quảng cáo xuất xứ Đài Loan, Trung Quốc (với nhái thương hiệu, kiểu dáng y hệt) đang được rao bán rầm rộ với giá chỉ từ 2,7 - 2,9 triệu đồng – thấp hơn hàng chục lần.
Cụ thể trong thực tế, chiếc iPhone XS Max hàng nhái cũng có màn hình 6.5 inch, tích hợp 2 sim 2 sóng online, chạy hệ điều hành Android giả lập iOS. Máy được bảo hành từ 6 - 12 tháng tùy nơi.
Còn đối với chiếc iPhone XR (hàng phân phối chính hãng sẽ bán tại Việt Nam vào ngày 2/11 tới đây) cũng chung số phận bị làm nhái, được bán với giá 2,8 triệu đồng, có đủ 4 màu đen, trắng, đỏ và xanh coban.
iPhone XS Max nhái có giá 2,89 triệu đồng |
Tuy nhiên, hàng loạt địa chỉ website đang kinh doanh các sản phẩm này như dienthoai…com, didong…com, dailoan…com, mobile…com… tại Hà Nội, TP.HCM lại sử dụng đúng thông tin của chiếc iPhone XS Max, iPhone XR “xịn” do Apple sản xuất để quảng cáo.
Thậm chí tại trang web dailoan…com tung thông tin quảng cáo: “Phiên loại điện thoại iPhone XS Max Đài Loan loại 1 sẽ có kiểu dáng và thiết kế giống 100% máy chính hãng. Bạn có thể cầm máy trên tay nhưng bạn sẽ không thể phân biệt được đâu là máy đến từ Đài Loan và đâu là máy chính hãng”.
iPhone XR nhái có đủ màu
"Những chiếc điện thoại nhái nhắm đến đối tượng khách hàng là những người không đủ điều kiện mua những chiếc iPhone XS Max, iPhone XR thời thượng hàng "xịn" nhưng thích dùng hàng của hãng nổi tiếng.
Nhưng cùng đó, với nhiều người không có kinh nghiệm về điện thoại, rất có thể thông tin quảng cáo như vậy sẽ gây hiểu lầm", đại diện một cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội nhận định.
Chưa dừng lại ở chiếc iPhone XS Max, tại các trang web kinh doanh điện thoại nhái còn quảng cáo, công khai rao bán hầu hết những chiếc smartphone model cũ và mới của những thương hiệu lớn hiện nay, chủ yếu của Samsung và Apple.
Có thể kể đến chiếc "Samsung Galaxy Note 9" giá 2,6 triệu đồng, "iPhone X" giá 2,8 triệu đồng hay "iPhone 8 Plus" giá 2,7 triệu đồng…
Theo Bộ Công Thương, trong suốt thời gian qua, lợi dụng sự tiện lợi của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã kinh doanh hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã có các chế tài xử lý như Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật SHTT 2005 (điều 129 Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý); Nghị định 92/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định 124/2014 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng... thế nhưng tình trạng vi phạm vẫn gia tăng.
"Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn hạn chế, tâm lý thích dùng hàng nhái thương hiệu nổi tiếng", Bộ Công Thương nhận định.
Trước thực trạng trên, nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời vấn nạn hàng nhái, hàng giả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm lập lại trật tự, kỉ cương trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.