Rất nhiều cái bắt tay, những nụ cười và cái ôm thật chặt của hai ông Kim - Moon. Đáp lại phát biểu đậm chất “ngôn tình” của lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc cũng có những lời mật ngọt “Chúng ta có hẳn 1 ngày để hội đàm, những điều chưa thể nói trong 11 năm qua, hôm nay sẽ cùng nhau chia sẻ hết”.
Khi sự kiện này diễn ra, Hàn Quốc và Triều Tiên trong thực tế vẫn đang ở trong trạng thái chiến tranh. Dù chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt từ năm 1953, nhưng hai bên vẫn chưa kí kết hiệp định hòa bình mà mới chỉ có thỏa thuận đình chiến. Bởi vậy nên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi quyết định dũng cảm và táo bạo của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Sự kiện này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá là Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu (Trải qua cơn sóng gió, tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù).
Nội dung các cuộc hội đàm của hai ông Kim-Moon chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề chính: Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ giữa hai miền và tìm cách xác lập hòa bình chính thức. Các vấn đề này đã được chốt lại trong văn kiện lịch sử mang tên Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên Bản đảo Triều Tiên, trong đó nêu rõ: Hai lãnh đạo chính thức tuyên bố rằng sẽ không còn chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và một thời đại hòa bình mới đã bắt đầu.
Trước khi hai ông Kim-Moon ngồi vào bàn đàm phán, mối quan hệ giữa hai nước Mỹ-Triều đã trải qua nhiều thăng trầm liên quan đến vấn đề thử nghiệm hạt nhân. Do đó, sự kiện này cũng được cho là thông điệp trực tiếp gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, thể hiện quyết tâm của ông Kim Jong-un về 3 vấn đề được thảo luận trong hội đàm
Ông Mintaro Oba, chuyên gia về Triều Tiên nhận định: Thượng đỉnh liên Triều tháng 4/2018 giống như nước cờ đầu tiên. Cách bạn chơi sẽ xác lập những nước cờ sau đó. Vì thế ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh liên Triều cơ bản nằm ở không khí mà nó tạo ra và kỳ vọng nào mà nó mang lại trước bước đi kế tiếp - cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim.
Và đúng như nhận định của ông Oba, gần 2 tháng sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử, hai lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên gặp mặt nhau.
Cả thế giới đã chứng kiến cái bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây giữa lãnh đạo Mỹ-Triều ở Singapore. Với mục tiêu chung "hướng tới phi hạt nhân hóa", cả ông Trump và Kim đều thể hiện phong thái ngoại giao tự tin, cởi mở trước truyền thông. Cái bắt tay kéo dài 12 giây giữa hai nhà lãnh đạo là kết tinh của nỗ lực hàn gắn dài hơi không chỉ từ phía Mỹ - Triều Tiên, mà còn của cả Hàn Quốc, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Khoảng thời gian sát kì thượng đỉnh là những ngày nhiều sóng gió nhất. Ngày 24/5/2018, trong bức thư gửi ông Kim, ông Trump bất ngờ tuyên bố "đây là thời điểm không thích hợp để tổ chức cuộc gặp vốn đã được dự định từ lâu". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sau đó vẫn nói: "Nếu ông Kim Jong-un thay đổi ý định về những điều quan trọng nhất trong thượng đỉnh, đừng ngần ngại gọi hoặc gửi thư cho tôi".
Lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã gấp rút gặp nhau. Ngay trước cuộc gặp đó 1 ngày, ông Trump tuyên bố kì thượng đỉnh sẽ tiếp tục tổ chức bởi ông đã nhận được "một thông điệp rất tuyệt vời" từ Triều Tiên và các cuộc đàm phán sẽ tiếp diễn như dự định.
Đặc phái viên Triều Tiên Kim Yong Chol gặp ông Pompeo vào ngày 30/5 và gặp ông Trump vào ngày 1/6. Trong cuộc gặp, ông Kim Yong Chol đã gửi một lá thư đặc biệt từ ông Kim Jong-un cho ông Trump. Tổng thống Mỹ sau đó nói với các phóng viên rằng bức thư "rất tuyệt vời và thú vị".
Trên đoạn đường dạo bộ riêng ở Singapore, hai nhà lãnh đạo đều không nhờ tới phiên dịch viên mà trực tiếp đối thoại với nhau. Không ai nắm được nội dung cuộc đối thoại, tuy nhiên có thể thấy ông Trump và ông Kim đều khá thoải mái.
Kết thúc cuộc dạo bộ, ông Trump cũng thể hiện sự thân thiện khi mời ông Kim Jong-un tham quan nội thất chiếc xe "Quái Thú" của tổng thống Mỹ.
Bản Tuyên bố 4 điểm sau hội đàm chủ yếu xoay quanh việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều, tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm và cam kết giải quyết các vấn đề về hài cốt lính Mỹ và tù binh chiến tranh. Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thành công khi tránh được việc đưa khái niệm Phi hạt nhân hóa Hoàn toàn, Có thể kiểm chứng và Không thể đảo ngược (CVID) vào văn bản này.