Thời gian gần đây, cư dân mạng đã phải bàng hoàng trước chia sẻ của chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, Mai đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ vào ngày 18/12 khi đang tiến hành nhập cảnh tại sân bay Charles de Gaulle nước này, do nghi ngờ liên quan đến lệnh truy nã buôn bán ma túy từ Bỉ .
Điều đáng nói ở đây là cũng theo như chia sẻ của Mai, vào thời điểm vụ án ở Bỉ xảy ra (từ 10/2010 - 5/2011), cô không hề có mặt tại Bỉ.
Ngoại trừ thời điểm tháng 11/2011 đi công tác 1 tuần lễ tại Barcelona (Tây Ban Nha) thì tuyệt nhiên cô không đặt chân đến châu Âu cho đến lúc bắt tại Pháp. Ngoài ra, Mai cho biết còn có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012, do vậy việc cáo buộc cô gây án là hoàn toàn không hợp lý.
Hình ảnh của chị Mai - Ảnh: FBNV
Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định Tuyết Mai có phạm tội hay không, nhưng luật sư của Mai trong phiên tòa xét xử đầu tiên đã nhận định đây là trường hợp bị ăn cắp thông tin cá nhân để phạm pháp - trong tiếng Anh gọi là "identity theft".
Và nếu như điều này được chứng thực, thì đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy việc để rò rỉ thông tin cá nhân có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến thế nào.
Identity theft - vấn nạn mà thế giới đang phải đối mặt
Công nghệ ngày càng phát triển, con người đang tiếp cận gần hơn đến cái gọi là "thế giới phẳng". Nhưng sự thuận tiện và cởi mở của công nghệ cũng khiến tất cả chúng ta phải gánh chịu một rủi ro bị mất cắp thông tin cá nhân, hay còn có thể gọi là "trộm danh tính".
Thế nào là trộm danh tính? Đó là khi bất kỳ thông tin cá nhân nào của bạn bị một kẻ thứ 3 sử dụng với mục đích trục lợi mà không có sự đồng ý của chính bạn. Thông tin ấy có thể là bất kỳ thứ gì, từ sinh nhật, tên tuổi, địa chỉ nhà, email, cho đến những thông tin nghiêm trọng hơn như hộ chiếu, số an sinh xã hội, thẻ căn cước, bằng lái...
Mà thông tin cá nhân thì thực sự dễ bị lộ hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Hãy tự hỏi, bạn có bao nhiêu tài khoản tại các website trên mạng? Trong số đó, có bao nhiêu tài khoản bạn không còn sử dụng nữa?
Chỉ cần một trong số đó bị rò rỉ là đủ để bạn trở thành mục tiêu của tội phạm ăn cắp danh tính. Vậy mà theo thống kê của LifeLock, trong năm 2016 riêng tại Anh đã có đến 1000 cơ sở dữ liệu đã bị tuồn ra ngoài.
Rồi khi đi du lịch, khách sạn lưu trú buộc phải scan lại toàn bộ hộ chiếu của bạn - nghĩa là thông tin cá nhân của bạn nằm trọn trong tay họ. Đó là chưa tính đến các thông tin được lưu trong bệnh viện, doanh nghiệp, cơ quan... Càng để lại thông tin ở nhiều nơi, rủi ro bạn gặp phải càng tăng cao.
Còn nhớ năm 2018, Facebook đã vướng phải scandal rò rỉ thông tin người dùng cho bên thứ 3 sử dụng. Giờ hãy tưởng tượng, nếu như không chỉ Facebook mà nhiều cá nhân hoặc doanh nghiệp khác cũng bán thông tin, thì điều gì sẽ xảy ra?
Điều này dẫn đến một sự thật không thể chối bỏ, rằng "ăn cắp danh tính" là vấn nạn cực kỳ phổ biến. Theo một khảo sát trên The Harris Poll vào năm 2017, tại Anh Quốc có đến 7 triệu người là nạn nhân của rò rỉ thông tin cá nhân.
Tội phạm lấy thông tin của bạn để làm gì?
Bất kỳ thông tin cá nhân nào của bạn dù là nhỏ nhất cũng có thể bị lợi dụng để trục lợi. Phổ biến nhất là các phi vụ lừa đảo về tài chính, như ăn cắp thẻ tín dụng, trốn thuế, lừa đảo qua điện thoại... mà nạn nhân có thể là bạn hoặc người thân.
Tuy nhiên nếu biết danh tính bị mất cắp có thể làm được những gì, bạn sẽ thấy những phi vụ trên chẳng là gì cả. Một tên tội phạm có thể sử dụng thông tin cá nhân của bạn để nhập cảnh bất hợp pháp, để buôn lậu, buôn bán ma túy, thậm chí là buôn người. Chúng có thể mạo danh bạn để thực hiện những tội ác mà cả đời này bạn cũng chẳng bao giờ nghĩ đến.
Hậu quả nghiêm trọng dành cho những nạn nhân bị trộm danh tính
Cái đáng sợ của identity theft là nạn nhân gần không biết mình đang vướng phải điều gì, bởi đa số trường hợp tài sản của nạn nhân không bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, hậu quả để lại sau đó thì rắc rối và nghiêm trọng vô cùng. Nhẹ thì bạn sẽ rơi vào danh sách tình nghi của cảnh sát. Một số trường hợp còn bị điều tra, và phải trải qua rất nhiều rắc rối để chứng minh bản thân vô tội.
Lấy ví dụ như các phi vụ lừa đảo tài chính. Kẻ xấu mạo danh bạn để thực hiện giao dịch chuyển tiền, thì chính bạn sẽ là người mang nợ. Nếu có thể chứng minh bản thân trong sạch thì bạn sẽ không phải trả tiền, nhưng để làm được thì không dễ và có thể phải tốn rất nhiều thời gian.
Hơn nữa dù chứng minh được thì rắc rối vẫn còn đó. Các công ty tài chính có thể cam kết xóa lịch sử tín dụng xấu cho bạn, nhưng quy trình khá lâu và sẽ khiến bạn mất đi nhiều cơ hội vay vốn hoặc đầu tư sau này. Lúc đó, muốn mua điện thoại trả góp cũng khó đấy.
Một số trường hợp khách du lịch hoặc du học sinh sau khi về nước mới bị mất cắp thông tin (thông tin hộ chiếu, số an sinh xã hội...). Kẻ xấu lợi dụng danh tính của họ để làm những việc phi pháp trong khi nạn nhân không hay biết gì. Để rồi nhiều năm sau này khi quay lại quốc gia đó, họ vướng phải nhiều rắc rối với cảnh sát, thậm chí bị đối xử như tội phạm khi bị tạm giam, phải hầu tòa cho đến khi chứng minh được bản thân trong sạch.
Có cách nào ngăn chặn tội phạm ăn cắp danh tính?
Câu trả lời là rất khó, thậm chí gần như là không thể, bởi lẽ các phương pháp phạm tội thay đổi rất nhanh theo tốc độ phát triển của công nghệ. Nhưng dù không thể ngăn chặn hoàn toàn, chúng ta vẫn có khả năng phòng bị để giảm thiểu tỉ lệ rò rỉ thông tin và đưa mình vào tầm ngắm của tội phạm.
1. Luôn cẩn trọng với mạng xã hội. Tốt nhất, đừng bao giờ đăng hình chứa thông tin lên mạng xã hội, vì đó là nơi ai cũng có thể nhìn vào được và bạn sẽ chẳng bao giờ biết ai là kẻ gian cả.
2. Bảo mật tài khoản thật tốt. Các tài khoản email, Facebook, Instagram giờ đây đều có bảo mật hai lớp, kèm theo số điện thoại tin cậy. Nói chung, hãy bảo mật tài khoản của bạn kỹ càng nhất có thể.
3. Trước khi vứt bất kỳ tài liệu nào chứa thông tin cá nhân, hãy đảm bảo mình đã xé vụn nó. Bất kể thứ gì, từ bằng lái, chứng minh thư quá hạn, hay thậm chí là vé máy bay cũng không ngoại lệ.
4. Cảnh giác với những địa chỉ email đáng ngờ.
5. Đừng bao giờ sử dụng máy tính công cộng để thực hiện giao dịch liên quan đến tài chính.
6. Đặt mật khẩu đủ khó, có cả số, chữ và ký tự đặc biệt.
7. Luôn cẩn trọng trước khi giao thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
Tham khảo: Identity Theft, LifeLock