Các cơ chế đa phương mới (có quy mô nhỏ) sẽ tập trung hợp tác nội khối trước vì dễ dàng đồng thuận nhiều vấn đề lớn, phức tạp. Sau đó, tận dụng quan hệ của từng thành viên hoặc nhóm thành viên với các nước không phải thành viên để lan tỏa sự đồng thuận đó ra bên ngoài. Cuối cùng, mở rộng thành viên và chính thức nhận được sự đồng thuận rộng rãi hơn. Đây chính là một khía cạnh khác của “câu chuyện bó đũa” và “chó sói gửi chân”, dẫn tới gia tăng sức ép chọn phe giữa các cường quốc, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh I2U2 diễn ra ngày 14/7/2022. Ảnh: Getty Images
Bộ tứ Tây Á?
I2U2 là nhóm 4 nước Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Mỹ. Tuyên bố chung đầu tiên của I2U2 (công bố ngày 14/7/2022) nói rằng, 4 nước hướng tới hợp tác về “các khoản đầu tư chung và các sáng kiến mới trong 6 lĩnh vực nước, năng lượng, giao thông vận tải, không gian, y tế và an ninh lương thực”. Tháng 10/2021, Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ tổ chức cuộc họp chung đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của I2U2. Thời điểm đó, I2U2 được so sánh với Bộ Tứ kim cương/Bộ Tứ an ninh/QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc).
Ngày 14/7/2022, I2U2 tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trong đó Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Israel Yair Lapid và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan tham gia. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo của I2U2 thông báo, UAE sẽ đầu tư 2 tỷ USD để phát triển một loạt công viên thực phẩm tích hợp trên khắp Ấn Độ, trong khi nhóm cũng đồng ý tiến hành một dự án năng lượng tái tạo hỗn hợp ở bang Gujarat của Ấn Độ với công suất 300 MW điện gió và năng lượng mặt trời. Theo giới quan sát, do nhu cầu thực tế của tất cả các bên, hợp tác chính của I2U2 tập trung vào tăng trưởng kinh tế và hiệp lực thương mại, không giống như Bộ Tứ dựa trên quốc phòng và an ninh.
I2U2 dự định huy động vốn và chuyên môn của khu vực tư nhân để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thúc đẩy các con đường phát triển các-bon thấp cho các ngành công nghiệp, cải thiện sức khỏe cộng đồng và khả năng tiếp cận vắc xin, thúc đẩy kết nối vật lý giữa các quốc gia trong khu vực Trung Đông, cùng tạo ra các giải pháp mới để xử lý chất thải, khám phá các cơ hội tài trợ chung, kết nối các công ty khởi nghiệp với các khoản đầu tư I2U2, và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ xanh và mới nổi quan trọng, tất cả đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực ngắn hạn và dài hạn. I2U2 cũng tái khẳng định sự ủng hộ của nhóm đối với Hiệp định Abraham và các thỏa thuận hòa bình và bình thường hóa khác với Israel.
Các nhà lãnh đạo I2U2 đã tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng sạch. Cụ thể là về những cách thức đổi mới để đảm bảo sản xuất lương thực lâu dài, đa dạng hơn và hệ thống phân phối thực phẩm có thể quản lý tốt hơn các cú sốc lương thực toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, các nhà lãnh đạo I2U2 đã nêu bật hai sáng kiến về an ninh lương thực và năng lượng sạch.
Động cơ thành lập và phát triển
I2U2 sẽ thúc đẩy một dự án điện mặt trời, điện gió công suất 300 MW ở Ấn Độ. Ảnh: India Forum
Thứ nhất, Mỹ và Tây Á nói riêng, nhiều nước trên thế giới nói chung hiện đang đối mặt nhiều thách thức không thể tự mình giải quyết được, trong đó có 6 vấn đề là khan hiếm nước ngọt, các nguồn nước bị ô nhiễm; khó khăn khi chuyển đổi từ năng lượng truyền thống (nhiên liệu hóa thạch) sang năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, sinh khối…); giao thông vận tải, cụ thể là vận chuyển người và hàng hóa, bị gián đoạn (vì đại dịch COVID-19, vì tập trận, vì phong tỏa liên quan chiến sự Nga-Ukraine…); không gian vũ trụ vừa hữu ích vừa nguy hiểm (vừa cần sử dụng không gian vũ trụ để thúc đẩy ứng dụng thông tin liên lạc, giám sát, quân sự… vừa cần giám sát, răn đe các nước dùng không gian vũ trụ để độc quyền thông tin, đưa vũ khí lên đó); hiểm họa liên quan y tế (dịch bệnh truyền nhiễm, mới nổi kiểu như COVID-19, đậu mùa khỉ…) và khó đảm bảo an ninh lương thực (nhiều nước thiếu lương thực, thực phẩm do chiến sự Ukraine-Nga, do thiên tai, do chủ nghĩa bảo hộ trong nước…). Hai sáng kiến về an ninh lương thực và năng lượng sạch được thực hiện ở Ấn Độ với sự chung tay của Israel, Mỹ và UAE chứng minh động cơ này.
Thứ hai, để các nước thành viên, đặc biệt Mỹ và Israel, phát huy vai trò, giá trị to lớn của Ấn Độ (đông dân thứ 2 thế giới, hùng mạnh ở Nam Á, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là đối thủ của Trung Quốc… trong khi Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, là thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất đối với an ninh, lợi ích sống còn của Mỹ trên toàn cầu, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương). Xét rộng ra, tăng cường quan hệ song phương, đa phương với Ấn Độ đều có lợi ích. Ví dụ, Israel cung cấp các thiết bị, công nghệ quân sự quan trọng cho Ấn Độ (mỗi năm Israel xuất sang Ấn Độ khoảng 1 tỷ USD vũ khí, chiếm 42% tổng xuất khẩu). Ấn Độ quan hệ tốt với cả Iran nên các thành viên I2U2 quan hệ tốt với Ấn Độ có thể thông qua Ấn Độ để xúc tiến xử lý các vấn đề liên quan Iran. Ấn Độ quan hệ tốt với cả Israel và UAE, nên có thể đóng vai trò cầu nối duy trì bình thường hóa, tiến tới cải thiện quan hệ giữa Israel và UAE…
Thứ ba, gia tăng kiềm chế, giảm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, chuyến thăm gần đây của ông tới Tây Á là để Mỹ trở lại Tây Á, để lấy lại ảnh hưởng đã mất trong khu vực, để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Ngày 13/7, khi đang trên đường cùng Tổng thống Biden tới Israel và Ảrập Xêút, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố: “Chúng tôi nghĩ I2U2 có thể trở thành một đặc điểm của khu vực rộng lớn hơn, giống như Bộ Tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) đã trở thành trụ cột trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”. Tuy nhiên, không dễ để I2U2 trở thành Bộ Tứ phiên bản Tây Á, không dễ để tất cả thành viên I2U2 đồng lòng bao vây, cô lập Trung Quốc. UAE tham gia I2U2 để vừa cân bằng quan hệ với hai đối tác chính ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ vừa tìm cách gia tăng sức mạnh công nghệ và kinh tế của mình. UAE đã đặt mục tiêu tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương với Trung Quốc, Ấn Độ và Israel. Trong khi đó, Israel cũng có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tương tự với chiến sự Nga-Ukraine, Mỹ tập trung hỗ trợ Ukraine chống Nga, nhưng Ấn Độ, Israel và UAE duy trì thái độ trung lập. Hay như với vấn đề hạt nhân Iran, Ấn Độ có quan điểm khác biệt với 3 thành viên còn lại - mềm mại so với cứng rắn).
Thứ tư, Mỹ muốn trấn an các đồng minh về duy trì cam kết chiến lược với Trung Đông (sau khi rút khỏi Afghanistan với tư cách là nước đem lại an ninh và thịnh vượng) và thúc đẩy quan hệ đa phương giữa các đối tác của Mỹ. Cụ thể, Mỹ muốn sử dụng liên minh để mở rộng quan hệ đối tác và điều chỉnh các mối quan hệ ở Trung Đông vốn bị ảnh hưởng dưới thời Donald Trump. Có thể nói, với Mỹ, I2U2 có 3 ý nghĩa địa chính trị: giúp Mỹ điều chỉnh quan hệ với Trung Đông, quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ Dương có thể mở rộng ra ngoài các lợi ích châu Á, mang đến cơ hội cho Mỹ và Ấn Độ làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Trung Đông - khu vực có nét nổi bật về khủng bố và chiến tranh.
Thứ năm, thúc đẩy các giá trị tự do, dân chủ, đặc biệt liên quan tôn giáo, thiểu số, nhân quyền vì 4 thành viên I2U2 rất đa dạng về tôn giáo và sắc tộc. Tuy nhiên, phạm vi văn hóa chính trị của các thành viên và các trào lưu khác nhau trong từng nước có thể là một nhân tố cản trở hợp tác. Ví dụ, từ lâu Ấn Độ và UAE ủng hộ Palestine; Ấn Độ quan ngại Taliban, còn UAE thì hợp tác với Taliban để quản lý các sân bay dân dụng ở Afghanistan; Ấn Độ giục Mỹ dỡ bỏ cấm vận Iran để có thể mua dầu mỏ của Iran…
Điểm chung lớn nhất kết nối 4 nước thành viên I2U2 là tất cả đều có ngành công nghệ phát triển trong bối cảnh công nghệ là chìa khóa của gần như mọi vấn đề. Trong khi đó, Mỹ đang khuyến khích đồng minh, đối tác tham gia kiềm chế Trung Quốc về mặt công nghệ.