Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia, được đưa ra hôm thứ Hai tuần này.
Theo AFP, trong một báo cáo chung, được thực hiện dưới sự phối hợp cùng Viện nghiên cứu hòa bình Mỹ (USIP), 20 chuyên gia về Trung Đông và các tổ chức cực đoan cho biết kể từ năm 2014, liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo đã đều đặn tấn công nhiều mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, đẩy nhóm này khỏi các vùng đất rộng lớn và nay gần như chỉ còn bám lại ở Mosul, Iraq cùng Raqqa, Syria.
Các hoạt động quân sự đã gây tiêu tốn hơn 10 tỷ USD và máy bay liên quân đã ném tổng cộng hơn 16.500 quả bom.
Tuy nhiên việc quá tập trung vào các mục tiêu quân sự khiến liên quân bỏ qua nhiều vấn đề lớn hơn, đã giúp các nhóm như IS trỗi dậy.
"Hủy diệt một nhóm cực đoan không xóa tan ý thức hệ của nhóm này, hoặc thay đổi các hoàn cảnh đã giúp chúng trỗi dậy," báo cáo viết.
"Tái thiết, tái hòa nhập và đặc biệt là hòa giải cũng đóng vai trò quan trọng như bất kỳ chiến dịch quân sự chống khủng bố nào trong việc xây dựng thái độ chống lại hấp lực từ chủ nghĩa cực đoan của một xã hội. Không thực hiện những điều trên có thể khiến vấn đề tái xuất hiện."
Báo cáo cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực Trung Đông hiện rất cao. Đơn cử như ở Dải Gaza và khu Bờ Tây, 43% thanh niên đang thất nghiệp. Tại Iraq, tỷ lệ này là 35% và tại Ai Cập, tỷ lệ là 42%.
Khi liên quân đang khiến IS ngày càng thu nhỏ lại, nhóm vẫn duy trì tốt hấp lực với những kẻ muốn trở thành các tay súng cực đoan. Báo cáo đánh giá IS sẽ có khả năng "tồn tại suốt nhiều năm tới, trong vai trò một lực lượng phiến loạn, chuyên sử dụng các chiến thuật khủng bố."
"Nhóm này đã cách mạng hóa việc huy động những lực lượng ủng hộ và cảm thông với chúng tại phương Tây, qua đó tạo ra một di sản bền vững cũng như mối đe dọa trong tương lai," báo cáo viết.
Cũng cần phải lưu ý rằng các nhóm cực đoan khác ngoài IS đang lớn mạnh rất nhanh ở Syria. Fateh al-Sham, một nhóm có liên quan tới tổ chức khủng bố Al-Qaeda với tên cũ Mặt trận Al-Nusra, nay đã có khoảng 10.000 thành viên. Theo báo cáo, gần 1/3 các tay súng của nhóm này tới từ Nga, châu Âu và những vùng đất khác ở Trung Đông.
Ngoài ra, chính Al-Qaeda vẫn tồn tại một cách dai dẳng bất chấp việc thủ lĩnh Osama bin Laden đã chết từ năm 2011. Báo cáo cho biết Al-Qaeda đang ngày càng trở thành một tổ chức có sức ảnh hưởng chính trị lớn, trong khi IS dựa vào các hoạt động tàn bạo của chúng để củng cố quyền lực.
"Al -Qaeda đã thể hiện khả năng biến đổi và thích nghi với những sự thay đổi của xu hướng chính trị," báo cáo đánh giá. "Trong tương lai, Al-Qaeda có tiềm năng trở thành mối đe dọa cực đoan còn lớn hơn cả IS."
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố ông sẽ ném bom tan tành nhóm IS. Tuy nhiên báo cáo đánh giá các phát ngôn như thế sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
"Kế hoạch hoạt động của những kẻ cực đoan sẽ được định hình dựa trên tác động từ các lực lượng bên ngoài. Sự can thiệp càng lớn, đặc biệt là từ phương Tây, sẽ khiến phản ứng càng mạnh," báo cáo nhận xét.