Lầu Năm Góc cho biết, với công nghệ mới này đạn pháo không chứa thuốc nổ mà thay vào đó, nó sẽ phóng ra xung điện từ (EMP) để cắt đứt kết nối máy tính, đường truyền internet, hệ thống liên lạc qua sóng vô tuyến và làm tê liệt hoàn toàn một thành phố.
Thành công của người Mỹ là rất ấn tượng nhưng theo thông tấn Sputnik, thành công này đến muộn gần 2 năm so với Trung Quốc. Theo nguồn tin này, ngay từ đầu năm 2015, Viện Nghiên cứu Quang học Tây An và Viện Cơ khí chính xác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chế tạo được một loại máy phát X-quang xung điện.
Theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga - ông Vasily Kashin, trong trường hợp Trung Quốc triển khai các hệ thống vũ khí EMP, điều đó có thể là một thách thức nghiêm trọng đối với lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Các đối tượng tiềm năng ưu tiên để áp dụng vũ khí EMP là các hệ thống quản lý và phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh trong khu vực. Phá vỡ các hệ thống này sẽ cho phép Trung Quốc tối đa hóa việc sử dụng kho vũ khí tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phi hạt nhân chính xác cao của mình để phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, sân bay và hệ thống phòng không.
Kết quả là Trung Quốc có thể chinh phục không phận ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, cũng như cản trở quân đội Mỹ đưa quân đến phía Tây Thái Bình Dương. Trong trường hợp Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí EMP, khả năng Mỹ kịp thời ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong khu vực Đông Nam Á sẽ gặp vấn đề.
Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia được Tạp chí quốc phòng Kanwa đăng tải cho biết, bước tiến của Trung Quốc không chỉ khiến Mỹ và đồng minh phải lo lắng bởi đây là loại vũ khí có thể mang lại hiểm họa cho nhân loại. Bằng cách tạo ra một trường điện từ cực lớn, vũ khí điện có thể “nướng chín” các thiết bị điện tử trong một khu vực rộng lớn.
EMP - là loại vũ khí năng lượng trực tiếp dựa trên ứng dụng bức xạ điện từ. Loại vũ khí này được thiết kế để phá hủy các cơ sở vật chất có sử dụng điện và điện tử ở một mục tiêu nhất định.
Hầu hết các thiết bị ngày nay đều sử dụng điện. Các thiết bị điện và điện tử như máy vi tính, vô tuyến, tủ lạnh, xe hơi, điện thoại... sẽ bị vô hiệu hóa nếu bị bom EMP tác động.
Cấu tạo của bom điện từ bao gồm một khối hình trụ làm bằng thép chịu lực (còn gọi là phần lõi). Bên trong lõi này chứa đầy chất nổ mạnh. Bao bọc bên ngoài lõi là các cuộn dây kim loại. Một bộ tụ điện được kết nối với các cuộn dây để tạo ra dòng điện chạy qua phần lõi.
Nguyên tắc hoạt động của bom EMP là khi phát nổ, nó sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn làm nghẽn mạch và phá hủy về mặt vật lý các thiết bị điện tử trong phạm vi tác chiến.
Bom xung điện EMP năng lượng thấp được dùng trong việc chống biểu tình, bạo động. Khi hoạt động, các chùm sóng viba năng lượng thấp sẽ gây ngứa ngáy khó chịu buộc đám đông giải tán.
Dù mới được thử nghiệm nhưng vũ khí năng lượng cao này đã cho thấy mức độ hủy diệt ghê gớm. Năng lượng của bom EMP được truyền đi với vận tốc ánh sáng sẽ dễ dàng làm đoản mạch và “nướng chín” các chíp điện tử cũng chư các mạch điện bên trong máy tính hay các thiết bị thông tin liên lạc.
Các hệ thống điện tử vốn là “tai mắt” của các hệ thống vũ khí hiện đại. Khi các hệ thống này bị vô hiệu hóa, sức chiến đấu của vũ khí bị vô hiệu hóa. Các loại vũ khí không dùng điện như súng máy hay pháo phòng không có thể vẫn hoạt động nhưng hiệu quả chiến đấu sẽ bị suy giảm do các hệ thống chỉ thị mục tiêu không hoạt động.
So với vũ khí laser năng lượng cao, vũ khí EMP có tính ứng dụng thực tế cao hơn và chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, vũ khí này gây nhiều quan ngại về mặt đạo đức. Ngoài việc tiêu diệt các hệ thống vũ khí của đối phương bằng trường điện từ, vũ khí này còn gây nhiều nguy hiểm đối với con người.