Bạo lực học đường, trong đó có hành vi bắt nạt, là vấn đề không còn mới ở các quốc gia và nền văn hoá. Tuy nhiên, Hàn Quốc là đất nước hiếm hoi nơi công chúng chứng kiến một ngôi sao đánh mất danh tiếng và sự nghiệp vì quá khứ bắt nạt bạn bè bị phanh phui. Cũng tại Kbiz, bạo lực học đường bị đặt ở mức độ nghiêm trọng tương đương các vụ việc nghệ sĩ vi phạm đạo đức như thái độ, quấy rối hay vi phạm pháp luật như trốn thuế, gây tai nạn...
Ngành giải trí xứ củ sâm không thiếu những câu chuyện nghệ sĩ vướng phải lùm xùm bạo lực học đường. Không thiếu thần tượng đã bị đẩy đến bờ vực tiêu tán sự nghiệp khi các cáo buộc được xác minh là đúng sự thật.
Điều này phản ánh rõ ràng rằng, bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại showbiz Hàn nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Không ít lần công chúng chứng kiến những kẻ gây tổn thương đôi khi lại được trao cho cơ hội để tỏa sáng trong khi người bị hại âm thầm gặm nhấm nỗi đau.
Sự sụp đổ của những nghệ sĩ bị gắn mác "bạo lực học đường"
Ngày 2/5/2022, nhóm nhạc nữ 6 thành viên Le Sserafirm chính thức ra mắt và được đón nhận nồng nhiệt dưới trướng HYPE - tập đoàn phát triển từ Big Hit Entertainment và cũng là công ty chủ quản của nhóm nhạc đắt giá nhất toàn cầu BTS . Tuy nhiên, từ trước thời điểm nhóm ra mắt, thành viên Kim Garam đã phải đối mặt với cáo buộc bắt nạt bạn cùng lớp, có những hành vi không phù hợp khi còn ngồi ghế nhà trường. Tới ngày 20/5 năm nay, tức chưa tròn 1 tháng kể từ thời điểm ra mắt, Kim Garam lại buộc phải dừng hoạt động cùng nhóm.
Kim Garam phải dừng hoạt động nhóm ngay khi vừa ra mắt. Đây là trường hợp chưa từng có trong lịch sử Kpop
Con đường trở lại showbiz của nữ thần tượng 17 tuổi càng gập ghềnh và xa vời khi các bằng chứng về quá khứ bạo lực học đường của cô đã bị ghi thành án phạt, bị lan truyền trên mọi ngóc ngách của mạng xã hội. 2 tháng kể từ thời điểm scandal bạo lực học đường nổ ra, Kim Garam không có bất kỳ hoạt động nghệ thuật hay tin tức gì mới được cập nhật.
Đây được coi là vụ lùm xùm mở đầu cho hàng loạt cáo buộc bạo lực học đường trong showbiz Hàn năm 2022 nên đặc biệt bị công chúng chú ý. Kim Garam cũng là idol đầu tiên trong lịch sử Kpop phải dừng hoạt động ngay khi vừa ra mắt vì scandal.
Soojin , cựu thành viên nhóm (G)I-DLE cũng là một ngôi sao đánh mất sự nghiệp vì quá khứ bắt nạt bạn bè. Nữ thần tượng bị Cube Entertainment chấm dứt hợp đồng độc quyền hồi tháng 3 sau gần 1 năm vướng bê bối. Trong 4 tháng qua, Soojin không có hoạt động nghệ thuật mới. Hồi tháng 5, từng có tin đồn cô đầu quân cho công ty giải trí BPM, nhưng đại diện công ty đã phủ nhận thông tin này.
Không chỉ làng nhạc Kpop, cả mảng điện ảnh xứ Hàn cũng phải chao đảo vì bạo lực học đường. Sau nhiều năm chuyên trị các vai phụ trên màn ảnh Hàn, sự nghiệp diễn xuất của Ji Soo đã có bước khởi sắc vào năm 2021 khi ngôi sao sinh năm 1993 được giao vai chính trong series River Where the Moon Rises. Tuy nhiên, khi Ji Soo đã quay được 18/20 tập và phim lên sóng được hơn 1/4 chặng đường, nam diễn viên bị tố cáo quá khứ bắt nạt bạn bè, quấy rối tình dục.
Dù sau đó cảnh sát đã chứng minh cáo buộc Kim Ji Soo quấy rối tình dục là vô căn cứ, nam diễn viên vẫn không thể rũ bỏ cáo buộc từng là kẻ bắt nạt. Vụ bê bối khiến Kim Ji Soo mất vai trong River Where the Moon Rises. Nhà sản xuất đã thay thế anh bằng nam diễn viên Na In Woo từ tập 7. Họ thậm chí khởi kiện Ji Soo vì gây ảnh hưởng đến tiến độ và làm phát sinh kinh phí quay phim. Sự nghiệp diễn xuất kéo dài chưa tròn thập kỷ của ngôi sao cũng vì bê bối này mà lâm vào ngõ cụt.
Quá khứ bê bối gắn với bạo lực học đường đẩy sự nghiệp của Kim Ji Soo và nhiều ngôi sao truyền hình vào ngõ cụt
Làn sóng tố cáo nghệ sĩ là kẻ bạo lực học đường bùng nổ mạnh mẽ hồi tháng 3/2021 tại Hàn Quốc, trong đó còn liên quan đến nhiều cái tên đình đám, từ những thần tượng mới nổi tới các ngôi sao có nhiều năm trong nghề như Hwang Hyujin (Stray Kids), Yoo Kihyun (MonstaX), Mingyu (Seventeen), NaEun (April), nam diễn viên Jo Byung Gyu, diễn viên Shim Eun Woom, Park Hye Soo… Trong danh sách này, có những nghệ sĩ đã lên tiếng xin lỗi, gặp mặt người tố cáo để giảng hòa. Ngược lại, cũng có một số gương mặt kiên quyết phủ nhận hoặc né tránh. Tựu trung, họ đều đã tự đặt mình vào thế đối đầu khán giả.
Nghệ sĩ không chỉ kiếm sống bằng tài năng, họ còn được coi là những biểu tượng đem lại cho công chúng những mộng tưởng và hi vọng. Ai sẽ muốn tin tưởng, yêu mến một nghệ sĩ thần tượng đi lan truyền thông điệp về tình yêu thương trong khi bản thân lại từng lấy việc làm tổn thương người khác làm trò vui? Những tràng pháo tay từ khán giả dành cho một khôi sao sẽ chẳng còn giòn giã khi xen giữa đám đông ấy là những nạn nhân từng bị anh/cô ta bắt nạt.
Làng giải trí nói không với những kẻ bắt nạt
Vấn đề bạo lực, bắt nạt ở trong nội bộ các nhóm nhạc tại showbiz Hàn có tính chất nghiêm trọng tương đương với vấn nạn nghệ sĩ bạo lực học đường. Đối với nghệ sĩ, làng giải trí chẳng khác nào như ngôi trường mới, ở đó họ có thể rèn giũa tay nghề, từ chuyên môn đến kỹ năng mềm... Đặc biệt trong các nhóm nhạc đòi hỏi sự hòa hợp và cạnh tranh song song, vấn đề phân biệt đối xử hay bắt nạt nội bộ cũng diễn ra âm ỉ trong suốt nhiều thập kỷ qua.
S#arp là nhóm nhạc hỗn hợp nam nữ ra đời năm 1998, hoạt động trong 4 năm trước khi tan ra vào 2002. Vì không hài lòng với việc nhóm kết nạp thêm gương mặt mới, thành viên cũ Seo Jiyoung đã bắt nạt "ma mới" Lee Jihye trong suốt thời gian tham gia quảng bá cùng nhau. Xô xát đã xảy ra giữa 2 nữ nghệ sĩ, dẫn đến việc việc họ lôi nhau ra tòa và S#arp tan đàn xẻ nghé
Seo Jiyoung từng hối lội quản lý để người này làm nhân chứng có lợi cho mình trong vụ kiện Lee Jihye. Nhưng quản lý sau cùng vẫn tung hê sự thật về vụ bắt nạt cũng như chân tướng kẻ bắt nạt Seo Jiyoung. Nhờ gia thế, Seo Jiyoung vẫn tiếp tục hoạt động năng nổ ở giới giải trí cho tới năm 2007 trong khi Lee Jihye gần như mất trắng. Năm 2015, chia sẻ với truyền thông, Seo Jiyoung cho biết mình hối hận vì những điều sai quấy đã làm trong quá khứ. Tuy nhiên mọi chuyện giờ đây đã quá muộn.
Thói ỷ mạnh hiếp yếu cũng âm thầm len lỏi vào ngành giải trí Hàn Quốc từ thuở bình minh của Kpop. Khác với việc là kẻ bắt nạt thời còn đi học, đôi khi được biện minh bằng câu "trẻ người non dạ", việc 1 nghệ sĩ bị tố cáo bắt nạt đồng nghiệp cùng nhóm phản ánh nhân cách và con người thật của họ.
Hành vi bắt nạt lẫn nhau giữa các nghệ sĩ đi ngược lại giá trị đoàn kết, sát vai vượt qua khó khăn vốn gắn với các nhóm nhạc thần tượng kể từ khi mỗi thành viên còn là thực tập sinh. Nó cũng khiến khán giả cảm thấy mình bị lừa gạt, khi những thần tượng kia hóa ra chỉ đang giả vờ thân thiết, vui vẻ với nhau trước ống kính máy quay. Cảm giác hụt hẫng, bị phản bội dễ đẩy công chúng đến những phản ứng tiêu cực.
T-Ara là một trong những nhóm nhạc nữ hàng đầu của Kpop giai đoạn đầu thập niên 2010. Tuy nhiên, vào năm 2012, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, T-Ara trở thành "con ghẻ quốc dân" sau tin đồn nhóm bắt nạt hội đồng thành viên Hwayoung. Người hâm mộ chỉ trích, mạt sát các thành viên T-Ara trên không gian mạng, xé ảnh, đốt CD, ném trứng vào trụ sở công ty...
T-Ara là minh chứng sống cho làn sóng bài xích, lên án mạnh mẽ của công chúng đối với tình trạng bắt nạt, bạo lực nội bộ
Dù T-Ara đã cố gắng hết mình trong các sản phẩm âm nhạc ra mắt sau đó, họ vẫn không thể lấy lại thiện cảm của khán giả khi đã mang danh "kẻ bắt nạt". Phải tới năm 2017, T-Ara mới được minh oan khi thái độ bất hợp tác trong quá khứ của Hwayoung bị phanh phui.
Sau nửa thập kỷ, nhóm chính thức bước sang một chương mới trong sự nghiệp dù muộn màng. Vụ "oan án" của T-Ara dù đáng tiếc cũng cho thấy khán giả Hàn Quốc kiên quyết tẩy chay hành vi bắt nạt trong nội bộ các nhóm nhạc thần tượng.
BLACKPINK cũng trở thành cái tên bị réo gọi suốt thời gian dài vì nghi vấn bất hòa, Jennie vô tình trở thành tâm điểm chỉ trích từ đó. Năm 2018, một đoạn phim được tung lên mạng, ghi lại cảnh Jennie (BLACKPINK) đang ngồi trên ghế còn Lisa quỳ dưới đất, lấy tay cởi tất cho cô đã được tung lên mạng.
Video đã mở màn cho một làn sóng chỉ trích nhắm vào Jennie trên các diễn đàn và mạng xã hội. Công chúng Hàn Quốc đặt nghi vấn Lisa bị Jennie bắt nạt và buông nhiều lời chê trách nhắm vào "bệnh ngôi sao" của Jennie.
Bối cảnh của hành động cởi tất trong đoạn video sau đó đã được tiết lộ, cụ thể BLACKPINK đang quay một chương trình thực tế, Lisa thua trò chơi nên hình phạt là phải mát-xa chân cho 1 thành viên trong ê-kíp sản xuất. Các thành viên còn lại trong nhóm cũng muốn được Lisa mát-xa chân giúp, dẫn đến hành động gây hiểu lầm. Dù Jennie đã được minh oan, vẫn có những nhận xét tiêu cực về cô xuất hiện trên không gian mạng sau đó.
Dù thân thiết, Jennie và Lisa của BLACKPINK vẫn không tránh khỏi việc bị nghi ngờ có thái độ "bằng mặt nhưng không bằng lòng"
Hồi tháng 6/2021, Lee Naeun (April) cũng trở thành tâm điểm làn sóng chỉ trích nặng nề của cư dân mạng sau khi bị tố cáo hành vi bắt nạt, khiến thành viên Hyunjoo phải rời nhóm. Phía nữ ca sĩ cũng tìm cách xoa dịu tình hình nhưng lại thành đổ thêm dầu vào lửa. Trên các diễn đàn, công chúng khẳng định họ không tin lời Naeun và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với Hyunjoo.
Làn sóng tẩy chay khiến nữ nghệ sĩ phải lui về ở ẩn để tránh tai tiếng. Lee Naeun mất vai trong dự án phim mới, mất hợp đồng quảng cáo và buộc phải rời khỏi sân khấu. Sau thời gian im ắng hậu April tan rã, mới đây, cô đã ký hợp đồng hợp tác với hãng Namoo Actors với tham vọng tiếp tục sự nghiệp trong vai trò diễn viên.
Vấn nạn trong xã hội Hàn Quốc
The Korea Herald dẫn số liệu thống kê của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc công bố năm 2013, cứ 10 học sinh thuộc bậc tiểu học và trung học cơ sở tại Hàn Quốc thì có 1 học sinh bị bắt nạt dưới nhiều hình thức bạo lực khác nhau. Khảo sát này được thực hiện với 5,5 triệu học sinh ở cả 3 cấp học, với 10% người tham gia trả lời mình từng bị bắt nạt hoặc bạo hành thể chất ít nhất 1 lần trong giai đoạn năm 2012 - 2013.
Năm 2020, The Korea Herald tiếp tục đăng tải kết quả một điều tra xã hội học về nạn bạo lực học đường do Bộ Giáo dục Hàn Quốc thực hiện. Trong đó, khoảng 0,6% của 130.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của Hàn Quốc tham gia khảo sát thừa nhận họ từng bắt nạt bạn học. Con số này tương đương với khoảng 780 người. Khảo sát này cũng thống kê được 1,2% số học sinh các cấp học tại Hàn Quốc từng bị bắt nạt ngay trong lớp học.
Bất lực trong việc tìm kiếm sự trợ giúp, nhiều nạn nhân của bắt nạt học đường đã tìm đến giải pháp tiêu cực là tự làm tổn thương mình. Với nạn nhân có thể vượt qua những năm tháng phổ thông, ký ức về việc từng bị bắt nạt vẫn ám ảnh tâm lý họ, làm giảm chất lượng cuộc sống về lâu về dài.
Các con số thống kê trên cho thấy rõ ràng rằng, tình trạng bắt nạt học đường đã trở thành một vấn nạn trong xã hội Hàn Quốc. Dung túng cho những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu khi còn ngồi trên ghế nhà trường chính là tiếp tay cho những bất công, bất bình đẳng khác trong xã hội. Chính vì vậy, vấn đề này cũng đang được công chúng Hàn Quốc xem xét kỹ càng, lên án mạnh mẽ song vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Quay lại với nền giải trí Hàn Quốc, nếu công chúng còn tiếp tục ủng hộ những nghệ sĩ đã bị phanh phui quá khứ là kẻ bắt nạt, chẳng khác nào họ làm tổn thương những nạn nhân thêm lần thứ hai. Sự khắt khe của dư luận không chỉ nên thể hiện ở lòng thương cảm với các nạn nhân, mà còn là thông điệp rõ ràng gửi tới các nghệ sĩ: Không phải vì họ xuất chúng và có tài mà mọi điều sai quấy đều sẽ dễ dàng được tha thứ.
Đứng trước cáo buộc bắt nạt, dù nghệ sĩ Hàn Quốc có tìm cách phủ nhận hay thừa nhận và công khai xin lỗi, cái danh ấy vẫn là một vết nhơ với hình ảnh của họ, thậm chí khép lại nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. Nói cách khác, đó là một "hồi chuông báo tử" cho sự nghiệp của họ dù đã ở đỉnh cao hay mới nhen nhóm đơm hoa kết trái.
Nguồn ảnh: Naver