Nga và Israel trong thời gian gần đây đã phát triển mối quan hệ hợp tác tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, thương mại, hải quan và giáo dục.
Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm chính sách đối ngoại, thì chuyến thăm của nhà lãnh đạo Israel tới Nga "giống như đã thất bại", nhà chính trị học người Nga Said Gafurov bày tỏ quan điểm cá nhân trong một bài viết cho báo Nga Pravda.
Lý giải cho nhận định của mình, ông này chỉ ra, trong một tuyên bố chính thức trước báo giới, Tổng thống Putin mô tả cuộc hội đàm giữa 2 bên bằng các từ "sự cởi mở" và "có tính xây dựng".
Tuy nhiên, trong thế giới ngoại giao, giới chính trị gia sẽ dùng những cụm từ giống như "bầu không khí thân thiện" để nói về các cuộc hội đàm diễn ra tốt đẹp, trung lập. Song đó lại không phải là những gì người ta nghe được từ Kremlin ở thời điểm đó.
"Nói cách khác, giữa các nhà lãnh đạo Nga và Israel đã không có sự thấu hiểu lẫn nhau".
Mục tiêu chính khi ông Netanyahu tới thăm Nga rõ ràng là tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại, ví dụ như tiến trình của cuộc khủng hoảng ở Syria và một giải pháp có thể chấp nhận được cho cuộc xung đột ở Palestine.
Nội chiến ở Syria đã tạo ra một liên minh giữa Nga, Iran, Syria và các nhóm chiến binh tới từ Lebanon - không chỉ có Hezbollah mà còn có rất nhiều chiến binh tình nguyện từ các đảng thế tục muốn chống IS.
Thủ tướng Netanyahu dường như lo lắng về triển vọng của một nhà nước Syria mới, hợp nhất ở gần biên giới Israel, cũng như tầm ảnh hưởng lớn của Iran đối với Syria thời hậu chiến.
Nhưng Putin đã nói gì về điều này?
Trong bài phát biểu rất dài của mình, ông Putin đã nhắc tới văn hóa, kinh tế, các mối quan hệ kinh tế - thương mại, du lịch và mọi thứ khác. Còn về vấn đề Syria, ông chỉ nói duy nhất 1 câu: "Chúng tôi dành sự quan tâm lớn cho các vấn đề quốc tế, tất nhiên rồi, chúng tôi nói về tình hình phức tạp ở khu vực Trung Đông, trong đó bao gồm Syria".
Theo ông Gufarov, Nga đã lờ đi các yêu cầu của ông Netanyahu, ví dụ như hạn chế cung cấp vũ khí cho Lebanon để các chiến binh Hezbollah không có cơ hội có được chúng.
Lý do là bởi Nga vẫn coi Hezbollah là một trong những đảng chính trị quan trọng nhất ở Lebanon và là một yếu tố quan trọng trong chính phủ hợp pháp của Lebanon. "Moscow coi Hezbollah là một nhân tố thiết yếu trong cấu trúc Trung Đông".
Thêm vào đó, Putin tái khẳng định lập trường của Nga về một biện pháp toàn diện, công bằng nhằm giải quyết cuộc xung đột Palesine - Israel, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải.
Học giả người Nga bình luận: "Điều này giống như một cái tát vào mặt Israel, bởi chính người Palestine nêu yêu cầu rằng, các vấn đề của họ cần phải được cộng đồng quốc tế giải quyết. còn Israel luôn khăng khăng rằng, cần đàm phán song phương giữa Palestine và Israel".