Phải đến hơn chục năm nay tôi không mua báo Hoa Học Trò nữa bởi biết khác xưa nhiều lắm. Tôi mới thấu: “À, bình cũ rượu mới”, không còn hợp khẩu vị cũng không thể tìm thấy những điều giản dị, thuần khiết như xưa nữa.
Đôi lúc muốn tìm lại kí ức, tôi lục trong đống báo Hoa Học Trò cũ mà nghiền ngẫm đến cái độ thuộc làu từng mẩu truyện.
Đã có thời báo Hoa làm mưa làm gió thế hệ 7x, 8x, 9x đời đầu vào mỗi sáng thứ 5 hàng tuần. Tôi vẫn còn nhớ những bút danh như Mèo Trố, Cincin hay Rệp điện tử làm điên đảo lứa trẻ vì cách viết dí dỏm, mới mẻ. Hay những Chu Thu Hằng, Châu Giang làm mê đắm bạn đọc. Rồi đến anh Chánh Văn câu nào câu nấy cũng trả lời mát lòng độc giả.
Tôi từng nằm đọc và tưởng tượng mặt mũi mỗi người trông sẽ ra sao, tính tình như thế nào. Nhưng điều khiến tôi tò mò nhất mà mỗi khi đọc báo cũng sẽ có một câu như này: “Anh Chánh Văn ơi, năn nỉ anh lộ mặt đấy!”
Biết Hoàng Anh Tú – tên thật của Chánh Văn đời thứ 2 đã lâu khi anh rời khỏi công việc hàng ngày tại toà soạn nhưng cũng khá ngạc nhiên khi anh Chánh càng lúc càng béo tốt.
Anh bảo sụp đổ hình tượng là chuyện bình thường vì “bị” nghe nhiều rồi, thế nên đến khi rời khỏi vị trí anh mới dám công khai dung nhan. Nhưng chính ra hồi còn làm anh Chánh, anh cũng gầy và sợ vợ chẳng kém khuôn mẫu là mấy.
Đến giờ tuy béo tốt lên nhưng cái sự “đội vợ lên đầu trường sinh bất tử” thì vẫn vậy.
Huyền thoại Chánh Văn thì đúng là “vận” vào anh. Nào là vợ anh Chánh Văn bán cá thì đúng là vợ anh sau khi rời vị trí Giám đốc điều hành sàn bất động sản thì về nhà mở nhà hàng bán Hải Sản thật.
Không bán cá ngoài chợ nhưng chị mở liên tiếp đến 5 cái nhà hàng. 3 cái chuyên về Hải Sản và 2 cái là chuyên đồ Thái mà cũng lại có Hải Sản kiểu Thái.
Anh âu yếm gọi vợ bằng nàng và đôi lúc tôi cảm thấy có chút ganh tỵ và ngưỡng mộ chị bởi mỗi câu trả lời của anh đều nhắc đến vợ của mình.
“Tôi nghĩ vợ tôi khiến tôi sợ nàng. Phụ nữ là phải khiến chồng mình biết sợ như thế. Là sợ mất nàng. Là sợ làm nàng buồn. Là sợ mình yêu nàng chưa đủ. Hôn nhân vốn mong manh nên nỗi sợ ấy sẽ khiến chúng ta nhẹ tay với nó vậy!” – anh Hoàng Anh Tú luôn tỏ ra ngưỡng mộ người bạn đời.
Có một bí mật ít người biết đó là trong quãng thời gian từ năm 1996-1998, anh Tú còn đóng vai anh Xương Rồng của tạp chí Tuổi Xanh. Công việc cũng chính là tư vấn cho bạn đọc về tâm sinh lý nhưng không ai hay, và anh nhận làm chẳng tốt nên ít kể.
Xa xôi hơn là những năm còn đi học, anh được làm quân sư tình yêu cho các bạn dù mang biệt danh “Tú cô đơn”.
Anh bảo bởi những lý do như thế, hay bởi mình là cung Thiên Bình mà lại thích được giải đáp thắc mắc đến như vậy chăng?
Làm anh Chánh từ những năm 22 tuổi khi vẫn được coi là lính mới toe của báo Hoa. Trước khi giao cho mục Công ty Divu, anh “Chánh Văn đời đầu” đã thử giao cho vài người nhưng đều chỉ được một khoảng thời gian ngắn.
Bởi việc mỗi ngày ngồi đọc hàng trăm lá thư rồi tỉ mẩn trả lời là công việc rất dễ gây ức chế cho người trẻ tuổi.
“Khi anh Chánh Văn đời đầu hỏi tôi: ‘Tú có dám gánh vác không?’Thì quả thực câu trả lời khi đó của tôi là: ‘Không!’. Là ‘Không’ song lại có thêm một từ ‘Nhưng’ nữa.
Từ ‘Nhưng’ trong tim tôi. Là ‘Nhưng làm anh Chánh Văn là một cơ hội tuyệt vời đấy’. Là ‘Nhưng đó là một thử thách khá thú vị đấy’. Và rồi, những từ ‘Nhưng’ đã chiến thắng. Tôi được thử sức.
Những ngày đầu tiên ôm cả đống thư về nhà đọc ngày đọc đêm, chọn câu hỏi để trả lời trên mặt báo quả thật là một khó khăn
Có những số báo tôi phải trả lời đến hơn 100 câu hỏi để rồi chọn đăng lên chỉ có 15- 17 câu. Có những câu trả lời ‘anh Chánh Văn đời đầu’ đã phải viết lại thay. Ròng rã 3 năm trời với hơn 150 số báo bạn đọc có cùng lúc 2 anh Chánh Văn trên báo đấy. Nếu không có anh Đoàn Công Lê Huy giúp ở bên thì có lẽ tôi đã trở thành ‘anh Chánh Văn dở tệ nhất’ rồi!
Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình làm anh Chánh Văn đôi ba năm thôi rồi chuyển giao cho người khác. Nhưng lại làm hết 12 năm lúc nào không hay. Đến mức tôi nghĩ mình tên là Chánh Văn chứ không còn là Hoàng Anh Tú nữa”.
“Hồi nhỏ mỗi khi gặp chuyện, tôi vẫn thường đi hỏi khắp nơi. Khi là bố, lúc là mẹ, có khi là anh chị họ hoặc bạn bè. Tính tôi là vậy, ít khi giữ ở trong lòng quá lâu một câu hỏi. Tôi thích chia sẻ với nhiều người.
Mãi đến năm 1991 khi báo Hoa ra đời mới có anh Chánh thì tôi cũng viết thư hỏi nhưng toàn những câu ngớ ngẩn thôi.
Tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác đều có những vật vã trong quá trình trưởng thành của mình.
Là cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi khi mà mình đi chơi qua đêm mà bố mẹ cũng chả ý kiến gì (và nếu ý kiến thì lại vật vã vì mất tự do, bố mẹ khó tính).
Là cảm giác bạn bè đối xử với mình không tốt như mình đối xử với chúng.
Là cảm giác thích cô bạn cùng bàn mà chẳng biết phải làm sao. Là cảm giác muốn uống rượu hút thuốc khi cô bạn mình thích thổ lộ nàng ta yêu thằng bạn thân mình.
Là cảm giác thầy cô thiếu tôn trọng mình.
Là rất nhiều những trăn trở kiểu lớn lên mình sẽ làm gì?
Được cái tôi phát triển tâm lý bình thường nên hầu hết các vấn đề tôi đã trải qua thì đều gặp lại sau này khi làm Chánh Văn.
Khi đi theo anh Đoàn Công Lê Huy, tôi học được nhiều điều. Bất cứ khi nào gặp chuyện rắc rối, người tôi tâm sự đầu tiên cũng là anh. Và lần nào cũng được anh tận tình tư vấn, cho những lời khuyên. Tôi may mắn hơn nhiều bạn trẻ 17- 22 tuổi khi có một Chánh Văn riêng của mình.
Về sau, khi lấy vợ, có con thì vợ tôi, con tôi đều là những Chánh Văn cho tôi trong cuộc sống. Có khi buồn bã về thế thái nhân tình, tôi vẫn cùng vợ đi vòng vèo phố xá hoặc ngồi cùng nhau trong những quán cà phê tâm sự. Hay kể cả khi tôi bị bạn bè nhiều năm bội ước, tôi hay đi cùng cậu cả để hai bố con trò chuyện. Tụi trẻ con luôn có cái nhìn rất trực diện, rõ ràng và cho tôi những kiến giải không ngờ được ấy”.
Anh bảo rằng nhiều cô bé, cậu bé sinh những năm 1981, 1982… 1987 vào năm 2000 thường gửi đến anh bức thư chỉ để tâm sự.
Bố mẹ dạo đó ai cũng bận bịu công việc và chưa có nhiều sách vở dạy con như sau này, thế nên đôi khi ngoài tình yêu ra đều không có kỹ năng dạy con. Những đứa trẻ lớn lên không tìm thấy chỗ vịn.
“Có những câu chuyện khiến tôi nghĩ mãi nhiều ngày rồi mới trả lời được. Có những câu chuyện tôi xếp lại mà không trả lời được. Có những câu chuyện tôi tìm cách liên lạc trả lời trực tiếp.
Những thắc mắc về quan hệ cha mẹ - con cái thực sự là những câu hỏi khiến tôi nhức lòng nhất”, anh Hoàng Anh Tú nhắc về những câu hỏi với những nỗi khắc khoải.
“Từ chuyện ‘vô tình nửa đêm em tỉnh giấc thấy bố mẹ mình đang làm ‘chuyện ấy’. Từ đó, lúc nào những hình ảnh này cũng ám ảnh mãi trong em’ đến chuyện ‘em trai em đang tuổi mới lớn nên có nhiều hành vi rất đáng lo như nhìn trộm chị em gái tắm, giấu đồ lót của em trong cặp nó…’.
Có nhiều câu hỏi khiến tôi phải thư riêng để tránh cho người hỏi. Rồi cả những lần phải cầu cứu chính quyền nơi các em sinh sống để ngăn chặn người cha bạo hành mẹ các em. Mỗi lần như thế tôi gọi đó là ‘chiến công’ mà tôi đã làm được trong suốt quá trình 12 năm chinh chiến với vai trò anh Chánh Văn.
Chuyện tình yêu tuổi mới lớn cũng đầy cười mếu. Học trò yêu cô giáo, vật vã với mối tình câm. Học trò yêu thầy giáo và hỏi cách để ‘loại bỏ’ vợ thầy. Hay học trò yêu nhau muốn vượt quá giới hạn để chứng minh tình yêu…
Những câu chuyện đó cũng khiến tôi nhiều khi mất ăn mất ngủ. Cái cảm giác nếu con mình sau này cũng vậy thì mình làm cách nào???
Tôi có 12 năm làm anh Chánh Văn với hơn 700 số báo, hàng vạn câu hỏi đã được trả lời và gấp 50 lần nữa những câu hỏi chưa thể trả lời khiến tôi mắc nợ chính anh Chánh Văn mà mình đóng vai.
Hòm email anh Chánh Văn cho đến khi tôi ngưng làm có đến 10,000 mail chưa được trả lời. Tôi nợ bạn đọc của mình nhiều gấp trăm lần những gì tôi đã làm được.
Nếu ai đó nói Chánh Văn chỉ là một công việc thì tôi hẳn sẽ rất buồn. Quả thực ban đầu nó là một công việc nhưng về sau nó như một cái nghiệp mà tôi đã gánh.
Cho đến bây giờ, cả anh Đoàn Công Lê Huy và tôi đều đang được hàng triệu bạn đọc gọi tên Anh Chánh Văn là vì vậy. Là vì chúng tôi đều đã gắn bó với danh xưng này bằng tất thảy trái tim mình.
Tôi có thể là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch với hàng trăm tác phẩm nhưng nó vẫn không thể thiêng liêng bằng là Anh Chánh Văn. Bởi học trò có ai không biết anh Chánh Văn, bởi mỗi đứa trẻ khi lớn lên ai mà không cần một anh Chánh Văn bên mình!?”.
Anh nhắc đi nhắc lại cả tôi, sau khi rời vị trí, anh có một khoảng trống thực sự ở trong mình. Đến vợ anh cũng bị cảm giác ấy.
Thói quen của mỗi ngày sau khi xong công việc toà soạn lại ngồi đọc email độc giả, thư tay… rồi lấy bút khoanh khoanh, viết vài từ khoá cho câu trả lời rồi ngồi vào máy gõ lại, chăm chút từng câu trả lời.
Chiều thứ Tư, dù ở bất cứ đâu cũng sẽ ngồi vào máy viết bài để gửi về toà soạn. Đều đặn thế suốt 12 năm ròng rã. Vợ anh những ngày đầu còn nhắc: “Anh làm Divu chưa?” Rồi nhận ra chồng mình không còn làm nữa mà buồn buồn.
Thế nhưng anh vẫn đang hết sức hài lòng với cuộc sống, dù là trước đây hay sau này. Với anh, những cảm xúc về anh Chánh Văn vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.
Anh bảo rằng dự định của anh là ra mắt sách về hôn nhân, viết những bài về dạy con, chơi cùng con… Và biết đâu anh lại làm một anh Chánh Văn, trên một mục của một tờ báo khác.
“Tôi nghĩ mình hợp với công việc đó nhất!”