Hòa đàm Libya vẫn nan giải

Đình Nam |

Hôm 23/11, các bên đối địch Libya đã nối lại đàm phán theo hình thức trực tuyến, để thảo luận việc xây dựng chính phủ đoàn kết chuyển tiếp, trước khi có thể tiến hành một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm sau, chấm dứt gần 10 năm xung đột.

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán trước đó, song thế giới cho rằng, các bên Libya vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết, các phe phái chính trị quốc gia Trung Đông Bắc Phi này hôm qua đã tiến hành cuộc họp trực tuyến đầu tiên trong khuôn khổ vòng đám phán thứ 2 của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya, nhằm thảo luận về cuộc bầu cử sắp tới và việc xây dựng một chính phủ đoàn kết chuyển tiếp.

Theo Quyền Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Libya, kiêm nhiệm đứng đầu Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Libya, Stephanie Williams, tại cuộc họp, các bên đã thảo luận tiêu chí lựa chọn chính phủ đoàn kết chuyển tiếp.

Theo kế hoạch, lần họp này sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay (24/11).

Trước đó, vòng đàm phán thứ nhất của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya diễn ra hồi đầu tháng tại Tunisia với sự tham gia của 75 đại biểu của Libya do Liên Hợp Quốc lựa chọn, những người diện cho các lợi ích vùng miền, quan điểm chính trị và các nhóm xã hội khác nhau.

Tại vòng đàm phán đó, các bên Libya đã đạt được sự nhất trí về lộ trình cho giai đoạn chuẩn bị và việc ấn định ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 24/12/2021.

Đây được coi là bước tiến lớn cho đất nước Libya, sau gần 1 thập kỷ xung đột. Tuy nhiên, các bên Libya vẫn chưa thể thành lập được 1 chính phủ chuyển tiếp – một tiền đề để các bên có thể tổ chức được tổng tuyển cử.

Bà Stephanie Williams cho biết, hiện các bên Libya vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước: “Chắc chắn vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng người Libya đã đứng lên và làm phần việc của họ.

Các bên Libya cần thực thi các thỏa thuận đạt được và thế giới cần tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào tình hình nội bộ của Libya, thực hiện đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya”.

Cũng theo bà Williams, hiện các bên Libya vẫn chưa chịu rút quân khỏi các chiến tuyến theo như thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 10.

Cũng trong ngày 23/11, trước khi các bên bước vào vòng đàm phán mới, các nước châu Âu cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ bên nào cản trở tiến trình hòa bình còn mong manh tại quốc gia này.

Trong thông báo chung mới đưa ra, Anh, Pháp, Đức và Italy đã kêu gọi tất cả các bên, dù là nội bộ Libya hay quốc tế, hạn chế triển khai những kế hoạch có nguy cơ làm suy yếu những nỗ lực thiết lập hòa bình ở Libya do Liên Hợp Quốc làm trung gian.

Thông báo nêu rõ các quốc gia này sẵn sàng các biện pháp trừng phạt với bất kỳ bên nào cản trở tiến trình này, gây thiệt hại ngân sách hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, thông báo này không nêu rõ các bên vi phạm.

Dẫu vậy, hãng tin Reuters dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Đức cho biết, tối qua, các binh sĩ Đức thuộc Phái bộ quân sự của EU đã khám xét một con tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ bị tình nghi chở vũ khí đến Libya.

Tuy nhiên việc khám xét đã phải dừng lại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối và không cấp phép khám xét. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo cuộc thanh tra là “trái phép và cưỡng bức”.

Trong khi Bộ Quốc phòng Đức cũng thừa nhận, trong một khoảng thời gian khám xét một phần con tàu, lực lượng binh sĩ nước này không phát hiện thấy điều gì bất thường cũng như vũ khí trên tàu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại