Vụ tạt axít cả nhà: Bị can có bị tâm thần?

vcmobile |

Việc các cơ quan có thẩm quyền giám định chính xác mức độ bệnh tật của bị can là vấn đề quan trọng

Theo kết luận pháp y của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, bị can Lâm Tiến Dũng (45 tuổi, ngụ phường 7, quận Gò Vấp - TPHCM) bị bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng giai đoạn tiến triển liên tục.

Hoang tưởng bị hàng xóm chửi

Giám định viên - BS Nguyễn Thị Hồng Thương, người trực tiếp làm việc với bị can Dũng, cho biết: “Qua lời khai của gia đình và trình bày của bị can Dũng trước hội đồng giám định, Dũng cho rằng y thường nghe tiếng chửi rủa của hàng xóm cả ngày, có khi chửi từ tối đến sáng khiến con cái học hành sa sút, cha đau ốm triền miên.

Vì vậy, Dũng phải thực thi “công lý”, phải hành động để gia đình mình được yên ổn. Vấn đề nằm ở chỗ chính Dũng hoang tưởng, tự suy luận mọi vấn đề nên trong trường hợp này hành vi của Dũng bị chi phối”.

Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM, nói: “Người bị tâm thần phân liệt hoang tưởng vẫn sống và làm việc bình thường, vẫn suy nghĩ và có những tính toán có lợi cho mình nhưng tư duy bị lệch lạc.

Có người khi mắc bệnh thì biểu lộ ra bên ngoài, người thân có thể dễ dàng nhận biết. Cũng có trường hợp bệnh trạng âm thầm diễn biến trong suy nghĩ của người bệnh, đến một giai đoạn nào đó bộc phát ra bên ngoài, hậu quả là xảy ra những vụ án đau lòng”.

Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, nguyên Viện phó Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương phụ trách Phân viện phía Nam, thông thường những người mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng phải có quá trình bệnh từ trước. Thể hoang tưởng đa số xuất hiện từ lúc bệnh nhân 25 tuổi.

Tâm thần phân liệt thì trí tuệ vẫn tốt, có những mưu mẹo theo suy nghĩ hoang tưởng của họ. “Nếu giám định một cách chân chính về bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng thì ngoài việc hỏi chính người gây án, người thân, họ hàng, còn phải tham khảo ý kiến cơ quan, đồng nghiệp nơi họ công tác, thậm chí phải đưa bị can về nơi cư ngụ để làm rõ hơn vấn đề thông qua các mối quan hệ khác như bạn bè, hàng xóm,…”- PGS-TS Nguyễn Văn Thọ khẳng định.

Không loại trừ khả năng giả bệnh

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), hành động có dự mưu, tính toán kỹ của Dũng (mặc áo mưa, đeo khẩu trang để axít không văng vào người, bỏ trốn sau gây án) thể hiện đây là người hoàn toàn bình thường khi phạm tội.

CQĐT cần thu thập thêm các chứng cứ khác về hoạt động thường ngày của Dũng trước khi phạm tội thông qua nhân chứng... để có thể kết luận một cách chính xác khi phạm tội bị can có bị tâm thần không, ở mức độ nào, đã đến mức phải buộc chữa bệnh?

Người vợ cũng là nạn nhân

“Theo nguyên tắc điều tra, nếu phát hiện vào thời điểm nào bị can có dấu hiệu tâm thần phải tiến hành ngay việc trưng cầu giám định để xác định thời điểm bệnh nhằm áp dụng đúng đắn quy định pháp luật tương ứng. Trường hợp này, phải 4 tháng sau CQĐT mới trưng cầu giám định, chứng tỏ Dũng mới phát bệnh còn thời điểm phạm tội thì hoàn toàn bình thường.

Không loại trừ bị can “giả bệnh” để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Có thể tiếp tục theo dõi chặt chẽ và trưng cầu giám định cơ quan pháp y Trung ương để chắc chắn về kết quả. Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng là loại bệnh tâm thần khá phổ biến trong xã hội.

Cậu con trai đau đớn từng ngày bởi hành vi dã man của Lâm Tiến Dũng

Thời gian sống bình thường và thời gian “lên cơn” có khác biệt giữa các người bệnh. Giám định chính xác mức độ bệnh tật của các cơ quan có thẩm quyền là vấn đề quan trọng và mang tính công lý”- luật sư Công nói.

Còn theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TPHCM: “Đối với các bị can mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng, sau thời gian chữa bệnh, nếu điều trị hết bệnh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian chữa bệnh được tính vào thời gian tạm giam. Về đường lối xét xử, phải có sự xem xét và khoan hồng bởi các bị can này có nhược điểm về tâm thần. Đặc biệt, khi điều tra, xét xử phải có luật sư tham gia để bảo vệ cho bị cáo theo điều 57 Bộ Luật Tố tụng Hình sự”.

Diễn biến vụ việc

- Ngày 18/1, Lâm Tiến Dũng mặc áo mưa, đeo khẩu trang, cầm nguyên ca axít xông thẳng vào nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn (đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp -TPHCM).

Lúc này, anh Tuấn đang ở trần bán tạp hóa cho khách thì bị Dũng tạt axít từ mặt xuống chân khiến nạn nhân đau đớn chạy khắp khu phố kêu cứu. Chưa dừng lại, Dũng tiếp tục tạt axít vào vợ anh Tuấn là chị Phạm Thị Xuân.

Con trai anh Tuấn, cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo, đang ngồi chơi cũng bị Dũng tạt axít vào mặt. Con gái anh Tuấn nghe cha mẹ la hét từ trên lầu chạy xuống cũng té vào vũng axít, bị thương nhẹ.

- Ngày 30/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp - TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lâm Tiến Dũng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Gặp bị can ở bệnh viện tâm thần

Căn cứ hồ sơ bệnh án của Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam (TP Biên Hòa - Đồng Nai), Lâm Tiến Dũng được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa) điều trị vào chiều 27-6. Theo các bác sĩ ở đây, bệnh nhân có triệu chứng “ảo thanh”. Trong sinh hoạt thường ngày, Dũng lầm lì, ít nói, hỏi vẫn trả lời nhưng chậm.

Ngày 3/7, phóng viên đã tiếp xúc với bị can này trong khu điều trị. Dũng ở chung với hàng trăm bệnh nhân khác, phía ngoài có công an canh giữ. Trao đổi với chúng tôi, Dũng nói: “Tôi không chịu được những lời chửi rủa của hàng xóm, nó làm tôi khổ sở hơn tất cả các loại tra tấn khác” và cho biết “không ân hận gì, chỉ tiếc đã gây hại quá nặng nề cho một cháu bé”. Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng Dũng đưa cho chúng tôi xem những vết phỏng vì axít trên cơ thể rồi cười có vẻ ngây ngô.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cầu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, trường hợp những bị can giả vờ bị tâm thần để thoát tội hiện nay rất khó xảy ra. “Vấn đề là xác định dấu hiệu tâm thần xuất hiện trước hay sau khi gây án”- bác sĩ Cầu nói.

X.Hoàng

Theo Phạm Dũng (Người lao động)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại