Phiên tái thẩm có đại diện VKSND Tối cao tham gia, đã chấp thuận toàn bộ kháng nghị của chánh án, tuyên hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ngày 22-4-2010 của TAND Hải Phòng và bản án hành chính sơ thẩm ngày 27-1-2010 của TAND huyện Tiên Lãng.
TAND huyện Tiên Lãng có trách nhiệm xử lại từ đầu vụ kiện hành chính của ông Vươn theo thủ tục chung.
Với phán quyết tái thẩm này, nếu UBND Tiên Lãng kịp hủy quyết định thu hồi đất của ông Vươn trước khi tòa xử lại thì vụ án sẽ được đình chỉ. Nếu không kịp hủy quyết định, tòa sẽ xét xử vụ kiện và khả năng tòa chấp thuận đơn kiện của anh Vươn, tuyên hủy quyết định trái luật của Tiên Lãng rất lớn.
Với kết quả của phiên tái thẩm vụ ông Vươn như trên, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị huyện thu hồi đất chưa rõ là mình nên tiến hành các thủ tục gì tiếp theo để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình: Tiếp tục chờ chính quyền hủy quyết định thu hồi sai như chỉ đạo của Thủ tướng hay kiện ra tòa theo “tiền lệ” của ông Vươn?
Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương giải đáp các băn khoăn trên của người dân.
Con trai ông Thảo bên khu đầm 70 ha của gia đình đã bị huyện cưỡng chế ba năm trước. Ảnh: HUY HOÀNG
Chờ hủy quyết định sẽ nhanh hơn
Theo thống kê của Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng, Liên chi hội có 38 hội viên thì đã nhận được hơn 20 quyết định thu hồi đất của UBND Tiên Lãng. Trong đó đã có hai trường hợp nhận quyết định cưỡng chế thu hồi đất, gồm trường hợp của ông Vươn - đã tiến hành cưỡng chế và hộ ông Vũ Văn Luân - định cưỡng chế liền ngay sau hộ ông Vươn nhưng chưa kịp làm.
Theo Phó Chánh án Đặng Quang Phương, cả hai phương án: người dân chờ chính quyền hủy quyết định hay kiện ra tòa hành chính đều thuận lợi. Thủ tướng đã kết luận rõ ràng, giờ chính quyền Hải Phòng, Tiên Lãng phải rà soát các trường hợp đã giao đất, ra quyết định thu hồi. Ngoài ra, người dân cần chủ động gửi đơn khiếu nại các quyết định thu hồi mà họ thấy sai trái lên chính quyền. Tôi tin khi Thủ tướng đã kết luận như vậy, chính quyền sẽ nhanh chóng trả lời đơn của dân.
“Còn phương án kiện ra tòa hành chính như anh Vươn đã làm cũng hoàn toàn thuận lợi. Trước đây, nhận thức, hiểu biết về Luật Đất đai có thể còn chưa thống nhất. Còn giờ tất cả đã rõ rồi. Tòa địa phương hoàn toàn có thể dựa vào “tiền lệ” Đoàn Văn Vươn mà TAND Tối cao đã xử tái thẩm để vận dụng các trường hợp tương tự. Nếu theo con đường tố tụng cũng sẽ dẫn tới phán quyết hủy quyết định thu hồi đất trái luật nhưng sẽ mất thời gian theo thủ tục luật định” - ông Phương giải thích.
Riêng trường hợp ông Vũ Văn Luân, theo ông Phương, quá trình giải quyết vụ kiện của TAND huyện Tiên Lãng và sau đó là phúc thẩm ở TAND Hải Phòng đều có những sai sót tương tự như vụ kiện Đoàn Văn Vươn. “Sai như thế thì rồi TAND Tối cao cũng phải giám đốc xét xử. Nhưng vụ này hậu quả thu hồi đất chưa xảy ra nên Tiên Lãng vẫn còn cơ hội sửa sai, thu hồi các quyết định trái luật của mình”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Luân bảo không còn tin tưởng vào UBND Tiên Lãng nữa. Ông nói: “Trước phiên phúc thẩm, họ thỏa thuận với tôi là rút đơn thì sẽ cho tiếp tục thuê đất. Tôi lường trước, trong đơn rút kháng cáo đã thòng chặt là nếu Tiên Lãng không thi hành thỏa thuận này thì đơn rút kháng cáo sẽ không có hiệu lực. Vậy mà khi TAND Hải Phòng đình chỉ vụ án là UBND Tiên Lãng ra quyết định cưỡng chế thu hồi ngay. Họ lật lọng thế thì giờ tin sao được”.
Ông Luân cho biết ngày 15-2 đã gửi đơn kiến nghị tái thẩm lên TAND Tối cao, đề nghị lật lại vụ kiện hành chính của mình vì giống vụ của ông Vươn.
Án hành chính “đụng trần” vẫn sửa được
Trong các trường hợp mà Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng thống kê, gia đình ông Lê Đình Thảo thuộc trường hợp đặc biệt vì vụ kiện hành chính của ông đã “đụng trần”.
Năm 1989, xã giao cho ông 70 ha bãi sình lầy ven sông Văn Úc để nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa một vụ. Năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng hợp thức bằng quyết định giao đất thời hạn 12 năm. Gia đình ông Thảo bỏ công sức, tiền bạc, đắp đường, bờ kè... nuội trồng thủy sản. Đến 2004, huyện Tiên Lãng quyết định thu hồi với lý do hết hạn giao đất. Bị bác khiếu nại, ông kiện ra tòa hành chính. Cũng giống như trường hợp Vươn-Luân, cả hai cấp sơ thẩm ở TAND Tiên Lãng và phúc thẩm ở TAND Hải Phòng, đơn kiện của ông bị bác. Ông Thảo khiếu nại giám đốc thẩm lên VKSND Tối cao.
Ông Phạm Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát án hành chính - kinh tế - lao động thuộc VKSND Tối cao (Vụ 12), giờ đã nghỉ hưu, nhớ lại: Chúng tôi nhận được đơn, cử anh em nghiên cứu hồ sơ thì thấy hai cấp tòa đều sai, y hệt vụ anh Vươn bây giờ nên ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, Tòa Hành chính TAND Tối cao đã bác kháng nghị. Tiếp đến, VKSND Tối cao lần nữa kháng nghị giám đốc lên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhưng vẫn bị bác.
Với vụ án gia đình ông Thảo, ông Nguyễn Hợp Phố, Vụ phó Vụ 12, người từng nghiên cứu hồ sơ ông Thảo trước đây, khẳng định hoàn toàn có thể lật án được.
Theo ông Phố, Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ giữa năm 2011 đã mở ra cơ chế đặc biệt sửa sai những quyết định có sai sót nghiêm trọng của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. “Rất nhiều kênh xử lý: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao. Nếu thấy vụ việc nào đó có sai sót nghiêm trọng và cần phải sửa sai, các cơ quan này đều có quyền yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử lại. Tôi tin là VKSND Tối cao sẽ sớm xem xét lại vụ kiện Lê Đình Thảo” - ông Phố nói.
Theo NGHĨA NHÂN
Phapluattp