Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Phích, phó chánh án TAND thành phố Hải Phòng nói thoả thuận được lập giữa ông Đoàn Văn Vươn và ông Phạm Xuân Hoa, trưởng phòng tài nguyên và môi trường, đại diện theo uỷ quyền của UBND huyện Tiên Lãng lập tại toà hành chính – TAND thành phố Hải Phòng, là có sai sót và nội bộ TAND thành phố Hải Phòng sẽ nghiêm túc xem xét xử lý. Ông Phích cho biết, thẩm phán Ngô Văn Anh – người không được giao phụ trách vụ kiện này – đã lập biên bản thoả thuận giữa các đương sự trong tư cách người được chánh án uỷ quyền.
Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về thời hạn giao đất cho các hộ dân ngoài đê biển thuộc khu vực Vinh Quang không thống nhất, thời hạn chỉ từ 5 – 14 năm, ông Bùi Quang Sản, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường nói: UBND huyện Tiên Lãng đã căn cứ điều 29 luật Đất đai năm 1987 để giao đất chưa sử dụng cho gia đình ông Vươn là phù hợp. Lý do vì thời điểm ra quyết định giao đất cho ông Vươn (4.10.1993) là trước ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành (15.10.1993). Mặt khác, theo luật Đất đai 1987 thì“Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp có thời hạn là phù hợp, và luật này cũng chưa quy định chế độ cho thuê đất”, ông Sản nói.
Ngôi nhà 2 tầng này đã bị lực lượng cưỡng chế san phẳng, dù nằm ngoài diện tích bị cưỡng chế!
Phần nóng nhất của cuộc họp báo tập trung vào trả lời của ông Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Ông Hiền khẳng định quy trình, phương án, thủ tục thực hiện cưỡng chế do UBND huyện triển khai là đảm bảo pháp luật đúng, đủ. Đại diện các cơ quan báo chí đặt câu hỏi về việc có hay không việc thực hiện cưỡng chế nhầm, khi khu nhà bị đập phá nằm ngoài khu vực bị cưỡng chế? Ông Hiền nói: Do đường vào khu vực bị cưỡng chế phải đi qua khu vực này, và vừa đến đây thì các đối tượng chống đối đã cho nổ mìn, bắn súng vào lực lượng cưỡng chế nên phải tổ chức vây bắt trong khu vực đó.
Tuy nhiên, khi các phóng viên nhắc lại câu hỏi,tại sao khu nhà bị đập phá nằm trên phần đất khác, không liên quan tới quyết định cưỡng chế lại vẫn bị đập bỏ và giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý, ông Hiền lúng túng:“Vì đây là vị trí các đối tượng gây án ẩn nấp để gây án...”.
“Như vậy có phải là phá tài sản công dân hay không, và nếu trong đó có người mà vẫn đập bỏ thì là giết người hay sao?”, đại diện báo Lao Động đặt câu hỏi tiếp, đồng thời đại diện báo Nông Thôn Ngày Nay hỏi:“Nếu như anh nói tức là người dân ở trong khu vực vẫn được sử dụng khu vực này?”. Cả hai câu hỏi trên ông Hiền đều không trả lời, mà chỉ nói:“Đến giờ chúng tôi còn chưa rõ khu vực này còn mìn hay không”.
Theo Người Lao Động