Mỗi đứa là một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, điều duy nhất mà chúng có điểm chung là hơi ấm gia đình đã từ lâu nguội lạnh.
Đường đến giang hồ
Tuổi cháu thì thấm gì. Cùng vụ với cháu, có thằng còn sinh năm 97 cơ - nó cứ lừ đừ, trả lời nhát gừng, thi thoảng vặc lạc tôi bằng những câu lý sự kiểu chống đối như thế. Bao giờ cũng vậy, cứ hễ có ai hỏi mà không thích trả lời là y như rằng nó thể hiện sự bất cần - Trung tá Nguyễn Văn Chại, tổ trưởng tổ trinh sát phân trại K1 nói sơ qua về cái thói ngỗ ngược của An Bá Nghĩa cho tôi hay. Có thể do tính cách thuộc loại “cầm tinh con cua” nên bị bắt khi mới 16 tuổi thì Nghĩa đã có “thâm niên” 2 năm đi bụi. Với tính cách “con cua” ấy nên Nghĩa coi gia đình không là cái đinh gì. Trường lớp cũng chỉ là kỷ niệm mơ hồ. Lúc còn ở nhà, nó thích làm gì thì làm, chẳng ai bảo được. 12 tuổi tự ý bỏ học, mẹ Nghĩa vác roi ra dọa, nó vênh mặt lên thách thức rồi tót ra đường. Dọa chán, bảo chán chẳng được cuối cùng bà Tuyết - mẹ nó đành lắc đầu chịu thua ông giời con. Từ ngày ấy, nó bắt đầu trượt dài.
Bỏ học, lêu lổng suốt ngày, nứt mắt ra đã học đòi bỏ nhà đi bụi nên việc Nghĩa “nhập kho” Trại 5 với người dân phường Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội chẳng có gì là lạ. Người ta bảo, cái ngữ ấy không vào tù để pháp luật “dạy” cho “trắng mắt” ra thì ở ngoài, sớm muộn nó cũng là tai vạ của xã hội. Nghĩa là tai vạ thật. Nó cứ đi biền biệt rồi làm gì chỉ có nó biết, trời biết và công an biết. Đám bạn của nó, dĩ nhiên, chẳng có đứa nào ra hồn. Lúc chưa bị bắt, nếu làm “vụ” nào có tiền thì Nghĩa rủng rỉnh cùng bạn kéo nhau lên sàn ăn chơi đập phá. Vụ nào mạt vận thì cả lũ thuê nhà bó gối chờ “thời”. Nghĩa bảo, lúc đầu bọn cháu cứ khi ở chỗ này, mai tìm chỗ khác chẳng có nơi nào cố định cả. Sau này, khi tìm được “công việc ổn định” hơn thì căn nhà nhỏ thuê trong ngõ Văn Hương trở thành “tổ ấm” của mấy thằng trong hội. Tôi hỏi việc ổn định là việc gì? Nghĩa cứ ấp úng mãi rồi mới lấp lửng: “Việc của cháu là hàng ngày đi… thu tiền”. Té ra nó làm “ong ve” cho mấy đại ca chuyên làm bóng (cá cược bóng đá) và số (lô đề).
Dù rằng gia cảnh cũng không đến nỗi khó khăn, nhưng “đi làm” như thế Nghĩa thấy thích hơn việc trông cửa hàng quần áo cho gia đình. Mỗi ngày đại ca cứ lệnh cho nó qua điện thoại và cuối ngày Nghĩa có trách nhiệm làm “thu ngân” mang tiền về nộp. Ngày ít thì 30-40 triệu đồng, nhiều thì 200-300 triệu đồng. Làm cái nghề ấy, nó được làm quen, biết mặt với nhiều anh chị trong giới cờ bạc, giang hồ. Nó thấy mình thành người lớn. Gặp con nợ nào túng quẫn chưa có tiền trả, Nghĩa lại được dịp lên mặt, ra oai. Thậm chí, thằng nào “dưới cơ” mà chầy bửa nó còn có thể tiện tay cho vài cái vả. Cứ thế, Nghĩa lún sâu vào bùn. Rồi đến một ngày, mức lương 5 triệu đồng/ tháng của đại ca kèm nuôi ăn Nghĩa cảm thấy không đủ. Nó cùng lũ bạn xoay thêm “nghề tay trái”. Cái nghề mà bản thân nó, dù ít tuổi cũng hiểu rất rõ sẽ dẫn tới cánh cửa nhà tù.
Điểm dừng
Hiểu đấy, nhưng ăn tiêu quen rồi, không có tiền là không chịu được, Nghĩa nhắm mắt làm liều. Chẳng biết nó đã liều bao nhiêu lần, nhưng khi ra tòa nó nhất định chỉ nhận có 2 vụ. Ngồi với tôi, nó cũng khăng khăng, cháu chỉ gây ra có chừng ấy thôi là bị bắt rồi. Một vụ lừa, một vụ cướp. Tưởng nó lừa ai, hóa ra Nghĩa thông đồng với người bạn tên Hiếu lừa chính bà chị của Hiếu bằng cách giả vờ tốt bụng để chiếm đoạt chiếc xe Honda SH trị giá hơn 100 triệu đồng. Những tháng ngày lang thang đã dạy cho “lũ ong ve” này rằng, tạo dựng lòng tin của người khác đối với mình để rồi đưa họ vào bẫy là cách khiến nạn nhân ít nghi ngờ nhất.
Lẽ ra, vụ lừa ấy sẽ chẳng bị lộ, nạn nhân vẫn cứ nghĩ tốt cho mấy cậu em vì thấy chúng rất nhiệt tình nên chưa tới công an trình báo. Chỉ đến khi vụ thứ 2 “nổ”, cơ quan công an mở rộng điều tra, chúng mới cúi đầu nhận tội. Lúc ấy nạn nhân kia mới té ngửa. Hóa ra “giặc ở ngay sau lưng mình”. Ai mà ngờ được, chúng nó tí tuổi đầu mà ranh ma như một phường lục lâm lão luyện. Thế mới biết, cái tốt học thì khó, cái xấu thì chẳng cần ai dạy nó cũng tự ngấm vào người. Chưa hết, đỉnh điểm của sự lưu manh là khi Nghĩa tham gia thực hiện một vụ cướp khác khá trắng trợn và manh động. Hết tiền, cả lũ bàn nhau, cứ ra đường xem ai sơ hở là ra tay.
Con mồi chúng chọn lần này là một phụ nữ đi chiếc xe SH mang BKS: 30N1-4737. Nghĩa kể lại rành rọt từng chi tiết từ việc chúng lặng lẽ bám theo nạn nhân thế nào, đến quãng vắng thì xuống tay ra sao. Cứ dửng dưng như không. Bốn thằng với hung khí là tuýp sắt trong tay vụt những nhát chí tử vào đầu, vào mặt một cô gái, Nghĩa chưa bao giờ có một mảy may suy nghĩ là rất có thể nạn nhân sẽ chết vì cú ra đòn tàn độc ấy. Chúng cũng chẳng hề lo sợ mà còn tỏ ra khá lành nghề trong việc xóa dấu vết bằng cách tháo biển số và thay đổi màu sơn xe cho an toàn. Số tiền cướp được trị giá gần 30 triệu đồng được cả lũ tiêu loáng một cái vào bar, rượu, gái và ma túy. Với Nghĩa tội ác này nó cũng sẽ quên đi dễ dàng như một làn khói đá nếu 4 ngày sau công an không ập tới hang ổ của cả bọn.
Bây giờ thì tên cướp ấy đang cặm cụi ngồi khâu bóng trong khu lao động của phân trại K1. Tôi hỏi: Nếu được tự do trở lại, cháu ước điều gì? Nghĩa không trả lời, nó chỉ thừ mặt ra một lát rồi hý hoáy cạy móng tay. Có lẽ với nó, tìm một câu trả lời lúc này là quá khó.