Sau vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện CSND – Bộ Công an.
- PV:Là chuyên gia về tâm lý tội phạm, ông đón nhận thông tin về vụ cướp tiệm vàng Kiệm Huyền (Hưng Yên) như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Minh Đức:Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình nạn nhân Đỗ Xuân Lượng. Với tư cách là những người nghiên cứu về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm chúng tôi rất trăn trở về những vụ án tương tự kiểu này.
- Sau vụ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng, rất nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự để có sức răn đe. Theo đó, sẽ có hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi. Nay lại xảy ra một vụ cướp tương tự, quan điểm của ông thế nào?
Khoa học Luật hình sự xác định: Người chưa thành niên (NCTN) không chỉ là chủ thể của hành vi phạm tội mà còn là sản phẩm của môi trường xã hội, có những nguyên nhân và điều kiện phát sinh thuộc về trách nhiệm của gia đình và xã hội. Cho nên, khi xử lý NCTN phạm tội, Nhà nước bao giờ cũng đặt vấn đề giải quyết trách nhiệm pháp lý của họ trong mối liên hệ với trách nhiệm giáo dục, quản lý của xã hội, của gia đình và nhà trường.
Có thể khẳng định rằng, hệ thống hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam áp dụng đối với NCTN phạm tội là rất khoa học. Đối với NCTN phạm tội, hình phạt nghiêm khắc không phải là biện phòng ngừa duy nhất và hữu hiệu nhất, cho nên quan điểm tăng nặng hình phạt chưa phải là giải pháp tốt nhất có thể ngăn chặn được những vụ án đặc biệt nguy hiểm do NCTN gây ra. Mà quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng và cả xã hội, gia đình phải làm tốt công tác quản lý, giáo dục, kịp thời phát hiện và loại trừ những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của NCTN.
Hà Văn Tỉnh (hung thủ cướp tiệm vàng Kiệm Huyền) mới chỉ 16 tuổi
- Có nhận xét rằng, tội phạm nguy hiểm ngày càng trẻ hóa. Ông có thể đưa ra thêm phân tích tâm lý của tội phạm vị thành niên? Bài học giáo dục qua những vụ việc này đối với các gia đình có con ở độ tuổi trên?
Về phía NCTN, họ là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý; trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế; thiếu điều kiện bản lĩnh tự lập, khả năng kiềm chế chưa cao, dễ bị kích động,... cho nên khi bị tác động bởi những yếu tố xã hội, họ rất dễ đi vào con đường phạm tội nhằm thỏa mãn tâm lý lứa tuổi. Ngoài ra, do lối sống thực dụng, những quan điểm, cách hành xử, nhất là thói hư tật xấu, xu hướng bạo lực của một số nước trên thế giới tiêm nhiễm vào họ rất nhanh.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số sản phẩm văn hóa dành cho thanh thiếu niên mang tính bạo lực. Trên màn ảnh ti vi, truyện tranh, game show có cảnh đấm đá, đâm chém, giết người dã man; hoặc nhiều chương trình giải trí mang nặng tư tưởng của lối sống vương giả, sống gấp, tạo nên một tâm lý NCTN thích hưởng thụ.
Trong bối cảnh như vậy, gia đình đáng lẽ sẽ là chỗ dựa vững chắc cho lớp trẻ, nhưng nhiều gia đình lại dành hết thời gian, công sức cho việc kiếm tiền, khi đó trách nhiệm gia đình, nuôi dạy con cái bị lãng quên. Hay có nhiều gia đình khá giả lại giúp con bằng cách: cho tiền, quản lý bằng điện thoại, thuê người giúp việc... Từ đó không có thời gian lắng nghe những tâm sự của con cái. Không biết chúng làm gì, chơi gì, học ra sao. Bên cạnh đó, một số ít gia đình vất vả trong cuộc sống, không có điều kiện chăm sóc, quản lý, bỏ mặc con cái tự bươn trải ngoài đời... Sống trong những môi trường như vậy, lớp trẻ rất dễ mất phương hướng và sa ngã.
Sát thủ Lê Văn Luyện gây án khi chưa tròn 18 tuổi
- Thực tế trong nhiều vụ cướp giật, quần chúng truy đuổi kẻ cướp, tài sản bị cướp giật quá nhỏ so với hậu quả xấu nhất là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong tình huống này, người bị hại nên lựa chọn cách phản ứng thế nào?
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn có thể xảy ra những hy sinh, mất mát. Đó là sự hy sinh, mất mát cao cả, vô giá vì sự bình yên của xã hội, luôn được Nhà nước, mọi người trân trọng và ghi nhận. Khi có hành động phạm tội xảy ra, mọi người phải ngăn chặn ngay. Đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ công dân. Tất nhiên, khi đối diện với cái ác hay truy bắt tội phạm, mọi người hãy đoàn kết tạo thành sức mạnh, không nên đứng nhìn người khác chống trả tội phạm. Trước khi tiếp cập đối tượng, mọi người phải nhanh chóng quan sát và cảnh giác đối tượng có hung khí hay không để có cách phòng vệ. Đồng thời vẫn phải gọi điện cho lực lượng chức năng nơi gần nhất hỗ trợ.
"Mô hình hiệp sĩ săn bắt cướp là một mô hình hiệu quả góp phần cùng lực lượng Công an phòng chống tội phạm tại địa phương cần phải được duy trì, tùy từng địa phương có thể thành lập".
PGS.TS Nguyễn Minh Đức
- Quần chúng tham gia tấn công, truy bắt tội phạm thời gian qua đã trở thành một phong trào, đó là các câu lạc bộ hiệp sĩ săn bắt cướp. Theo ông, có nên tiếp tục duy trì loại câu lạc bộ này khi mà trách nhiệm chính là của lực lượng công an với đầy đủ nghiệp vụ…
Trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm là của toàn xã hội và mọi công dân, không riêng gì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.
- Thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp tiệm vàng, ông đưa ra cảnh báo gì về hoạt động kinh doanh, vàng bạc ở các khu vực thị trấn, thị tứ, phố huyện, những nơi hẻo lánh…?
Người dân phải trang bị đầy đủ hệ thống camera hoạt động 24/24h, có hệ thống báo động (lắp chế độ tự động chuyển sang điện ắc quy khi mất điện); lắp đặt điện thoại và cài nút gọi tự động đến cơ quan công an gần nhất; cần thuê bảo vệ chuyên trách từ các công ty dịch vụ bảo vệ.
Vàng bày ở tủ hạn chế, nên để trong tủ, két bảo đảm và khi giao dịch mới lấy ra, không nên bày hết ở tủ.
Cảnh giác quan sát đối tượng nghi vấn, thường đối tượng là thanh niên, bao giờ cũng hóa trang lịch sự, giả vờ hỏi mua bán, giá cả để nghiên cứu quy luật hoạt động của chủ hiệu vàng, nên khi có đối tượng nghi vấn như vậy cần có kế hoạch phòng tránh.
Xin cảm ơn ông!