Từ 1 sinh viên giỏi
Nói về Hữu, các quản giáo ở cơ sở giáo dục Thanh Hà đều bảo, ngày đầu khi mới tiếp nhận trại viên này, đọc hồ sơ về anh ta, ai cũng thấy tiếc.
Hữu là người rất thông minh, nắm bắt nhanh nhưng lại có tính gia trưởng, độc đoán tới ích kỷ. Trong cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” do Bộ Công an tổ chức, Hữu cũng tham gia, viết rất thật về sự sa ngã của mình.
Bài viết của Hữu tuy chưa đoạt giải nhưng nó là 1 bằng chứng để các quản giáo ở cơ sở giáo dục Thanh Hà sử dụng để giáo dục các trại viên khác, lấy đó làm tấm gương để mọi người cùng học tập.
Hữu sinh ra trong 1 gia đình công chức, khá giả và gia giáo nên tuổi thơ của em chưa bao giờ biết đến sự thiếu thốn. Bố làm cán bộ ngân hàng, mẹ là kế toán, ngày đi học, Hữu học rất giỏi các môn tự nhiên.
12 năm học đạt học sinh giỏi xuất sắc, là lớp trưởng suốt thời gian tuổi học trò, lại sống trong môi trường đầy đủ, chưa bao giờ bị bố mẹ từ chối bất cứ nhu cầu nào đã khiến Hữu trở nên ích kỷ.
Lần đầu tiên thi đại học, nghe các bạn rủ rê, Hữu thi vào trường ĐH công nghiệp Thái Nguyên trong khi bố mẹ cậu ta lại muốn con trai thi vào trường ĐH Ngoại thương giống chị gái.
Bỏ ngoài tai mọi sự can gián của gia đình, Hữu quyết tâm về Thái Nguyên học, nhưng được 1 năm thì Hữu bắt đầu cảm thấy chán.
Dịp nghỉ hè năm đó, Hữu lên trường ĐH mỏ địa chất Hà Nội chơi với bạn và vẻ nhộn nhịp, đông vui nơi phố phường đã làm cậu sinh viên miền núi cảm thấy choáng ngợp. Hữu cũng muốn được về Thủ đô học.
Niềm ao ước ấy mỗi lúc một thôi thúc chàng trai trẻ khi đọc sách của bạn về dầu khí, về địa chất thì Hữu lại càng khao khát được trở thành 1 người kỹ sư, hàng ngày đứng trên giàn khoan giữa biển hay khoác ba lô leo trèo các mỏm núi, rừng cây để tìm khoáng sản, đá quý.
Vừa học, Hữu vừa âm thầm ôn lại kiến thức, âm thầm nhờ bạn nộp hộ hồ sơ để dự thi, đến khi có giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Mỏ địa chất, mới cho bố mẹ biết.
Biết tính con trai cả thèm chóng chán, bố mẹ khuyên Hữu nên học xong ở Thái Nguyên rồi tính tiếp vì đã đi được nửa chặng đường nhưng anh ta không nghe, một mực đòi về Hà Nội học.
Bản tính của 1 kẻ từ nhỏ đã được đáp ứng mọi yêu cầu nên lần này thấy bố mẹ cương quyết không đồng ý, Hữu liền giở bài “cùn”, nhịn ăn dọa tự tử.
Không đành lòng, bố mẹ Hữu lại một lần nữa nhân nhượng và Hữu lại một lần nữa đạt được nguyện vọng, hào hứng khoác ba lô về Hà Nội, trong đầu đầy ắp những hoài bão, dự định.
Bài viết của Hữu tham gia cuộc thi " Sự hối hận và niền tin hướng thiện".
Cuộc sống nơi đô hội vốn đã phức tạp, với 1 sinh viên từ nhỏ chỉ biết có học hành và đòi hỏi thì đầy rẫy sự bất ngờ. Năm học đầu tiên Hữu còn chăm chỉ, nhưng rồi theo chúng bạn, anh ta bắt đầu sa ngã.
Ban đầu là chơi điện tử, rồi lô đề và cuối cùng là cá độ bóng đá. So với những sinh viên khác, tiền gia đình chu cấp hàng tháng cho Hữu quá xông xênh, nhưng thêm nghề cá độ thì số tiền đó chẳng thấm vào đâu.
Hữu bắt đầu vay nợ, cắm quán. Thời gian tiền nợ chỉ vài chục triệu đồng nhưng đến năm học thứ 4 thì số tiền nợ nhiều đến nỗi gia đình phải bán cả nhà đi, mới trả đủ.
Hy vọng duy nhất của bố mẹ Hữu là mong sao con mình không bị đuổi học, nhưng họ đâu biết rằng, vì trốn học, nợ môn nhiều mà Hữu đã bị đuổi. Vậy là lần thứ hai, sự học hành của Hữu lại dang dở.
Không dám về quê vì sĩ diện, trong lúc bế tắc, Hữu tặc lưỡi theo bạn gái đi dự sinh nhật rồi lên vũ trường và lần đầu tiên, anh ta biết thế nào là nhảy như điên vì có sự hỗ trợ của thuốc lắc.
Kể từ hôm đó, Hữu có thứ để giết thời gian và trốn chạy cảm giác thua kém, không còn thời gian để nghĩ tới tương lai hay gia đình. Ngày ngủ, đêm lên vũ trường, hôm nào không có tiền thì nằm nhà xem bóng đá để cá độ,… Hữu trở thành kẻ nghiện ngập lúc nào không biết.
Cho tới một ngày được người yêu rủ đi bán thuốc lắc, lấy tiền đi vũ trường và cá độ bóng đá, Hữu chợt bừng tỉnh và ý thức về cuộc sống của mình nên quyết tâm làm lại. Lần này Hữu nộp hồ sơ thi vào sự phạm…
Những cú trượt dài vì ma túy
Đam mê nào cũng có sức quyến rũ và lôi kéo. Tuy nhiên, với những kẻ không có nghị lực và quyết tâm thì mọi sự cố gắng đều trở thành uổng phí. Với Hữu cũng thế.
Khi thấy mình luôn có cảm giác thèm, nhớ những ảo ảnh từ thuốc lắc, Hữu biết mình đã dính nghiện, nhưng vì cái tính sĩ, vì bạn gái nên anh ta không chịu thừa nhận, luôn tìm cớ để bao biện.
Cũng có lúc Hữu thấy lo sợ cho tương lai của mình, muốn rũ bỏ tất cả, quên đi những người bạn đang vây quanh mình để tìm một chốn yên bình, tiếp tục sự nghiệp học hành nhưng không thể.
Phải khó khăn lắm, Hữu mới rời Hà Nội lên Lai Châu sống và sự cách ly ấy đã giúp chàng thanh niên vốn thông minh tìm lại được chính mình.
Do có kiến thức vững từ ngày còn học phổ thông nên sau 6 năm tốt nghiệp cấp ba, lại một lần nữa, Hữu cầm hồ sơ dự thi đại học đi nộp. Lần này Hữu đã nghe theo sự động viên của bố mẹ, dự thi vào sư phạm.
Ngày Hữu có giấy báo trúng tuyển ĐH sư phạm, không chỉ Hữu khóc vì sung sướng mà bố mẹ anh cũng không giấu nổi sự tự hào.
Từ ngày bán nhà dồn tất cả vào để trả nợ cho con, đến lúc về già phải lang bạt lên Lai Châu tìm cuộc sống mới, bố mẹ Hữu vẫn không ngừng hy vọng ở đứa con trai duy nhất nên việc Hữu dứt được ma túy, thi đỗ đại học là cả một sự kỳ vọng lớn.
Điều mà mọi người cho tới lúc này vẫn không thể hiểu nổi là tại sao Hữu có thể khao khát mãnh liệt, thực hiện được điều mình mong muốn nhưng rồi lại nhanh chóng đạp bỏ, xây một ao ước mới để rồi lại tan vỡ như tòa lâu đài đắp bằng cát trên bãi biển.
Lần thứ ba cũng vậy, cứ tưởng, sau rất nhiều biến cố, vấp ngã và sai lầm, Hữu đã đứng dậy được thì phải quyết tâm làm lại, nhưng rồi anh ta vẫn thế. Một lần nữa làm lại được để rồi lại nhanh chóng phá bỏ.
Cai nghiện được gần hết 4 năm làm sinh viên sư phạm, tới kỳ cuối cùng cuộc đời sinh viên, do học hành căng thẳng, Hữu lại tìm đến ma túy và nhanh chóng nghiện lại.
Bị phát hiện, Hữu bị đuổi học và sau rất nhiều cố gắng rồi vấp ngã, lần này thì anh ta không còn sức lực để chống cự lại những thèm muốn của bản thân.
Hữu buông xuôi tất cả, trong đầu lúc nào cũng chỉ có một ước muốn là có tiền để thỏa mãn cơn nghiện. Tiền trong nhà đội nón ra đi, hết thì anh ta bắt đầu nhòm ngó tới hàng xóm, nhiều khi chỉ là con gà, con chó hay cái máy bơm…, tất cả những gì có thể bán được một cách nhanh nhất.
Chỉ khổ cho bố mẹ Hữu, vì sợ hàng xóm đi báo chính quyền nên chỉ cần ai nói họ vừa mất trộm thứ gì là bố mẹ Hữu lại te tái đi vay mượn để trả nợ đậy cho con.
Tuy nhiên của cải và sức người cũng có hạn. Tới khi không còn sức xoay nổi tiền trả nợ cho con thì bố mẹ Hữu đành gạt nước mắt, nhìn đứa con nối dõi của dòng tộc bị đưa đi cơ sở giáo dục vì trộm cắp vặt quá nhiều.
Đại úy Lê Văn Bộ, quản giáo phân trại 1 nơi Hữu đang cải tạo cho rằng, Hữu hư một phần do sự giáo dục của bố mẹ. Từ bé được nuông chiều, thích gì được nấy đã tạo cho Hữu thói quen ích kỷ, không bao giờ nghĩ tới người khác.
Theo anh Bộ, thời gian đầu vào cơ sở, tính hiếu thắng, sự sĩ diện đã khiến Hữu trở nên mặc cảm, tự ti và sống khép kín. Thấy Hữu ít tiếp xúc với các trại viên cùng buồng, cán bộ quản giáo đã gặp gỡ riêng, động viên, khích lệ để Hữu ổn định tư tưởng, yên tâm cải tạo cho tới ngày trở về.
Chiều dần tắt nắng, Hữu cùng các trại viên, ôm mũ áo xếp hàng chờ điểm danh về phân trại. Một chút do dự thoáng qua khi được quản giáo gọi vào phòng.
Hữu khẽ gật đầu chào chúng tôi rồi ngập ngừng một lúc mới thổ lộ: “Mấy hôm nay em nghĩ nhiều lắm, lại mất ngủ nữa”. Theo lời tâm sự của Hữu, đêm nào anh ta cũng nghe thấy những tiếng hú hét của những trại viên mới vào, vật vã vì lên cơn nghiện.
Rồi khi nghe quản giáo kể về những trường hợp ở ngoài dùng nhiều thuốc lắc, vào đây thần kinh không ổn định, luôn bị ảo giác chi phối, thực hư lẫn lộn tới mức luôn tìm hung khí tự gây sát thương khiến Hữu sợ hãi.
Anh ta đã biết lo lắng, cảm thấy có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình và khát khao được làm một người khỏe mạnh. Hữu bảo, những lúc thấy các trại viên vì nghiện nặng, cả đêm vào nhà tắm dội nước, cai vã, anh lại thấm thía những mất mát mà mình đã trải qua.
Khi được cán bộ cho trợ giảng lớp xóa mù chữ, tham gia biên soạn bài giảng về kiến thức pháp luật, hòa nhập cộng đồng, Hữu cảm nhận được sự tin tưởng mà các thầy cô ở đây dành cho mình nên hăng hái tham gia.
Hữu tâm sự rằng, sau lần đi cơ sở về, sẽ quyết tâm học 1 nghề nào đó để kiếm sống, làm người có ích chứ không sống phí hoài như trước nữa.
Chẳng biết có phải Hữu đã quyết tâm thực hiện lời hứa hay bởi anh ta được tận mắt chứng kiến cảnh một số trại viên vì thuốc lắc mà trở nên điên loạn, lúc nào cũng bị cùm tay, chân mà sợ hãi.
Dù là lý do gì thì với 1 kẻ kiêu căng như Hữu, san sẻ với người khác suy nghĩ của mình cũng là tiến bộ rồi. Mong sao Hữu thực hiện được lời hứa của mình, trở thành người có ích cho xã hội để trí thông minh vốn có của anh ta không bị bỏ phí.