Theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành, ở tất cả các huyện đều xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó chủ yếu là vàng gốc, vàng sa khoáng, thiết, cát, sỏi lòng sông, đất sét làm gạch… Cá biệt có nơi gần trung tâm hành chính huyện vẫn xảy ra hiện tượng này. Thậm chí, có chính quyền địa phương còn cho phép khai thác khoáng sản không đúng quy định, buông lõng quản lý.
Nghiêm trọng nhất là huyện Nam Giang, tình trạng khai thác trái phép diễn ra ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng, sói lở bờ sông, mất đất sản xuất, mất an toàn lao động làm 6 người chết tại bãi Voi, xã Tà Bhing vào 12/6 vừa qua. Theo phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam Phạm Khắc Chưởng khẳng định, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này là do có sự tiếp tay, bao che của cán bộ Nhà nước. “Nói chúng ta không dẹp được đối tượng khai thác vàng trái phép là không đúng, bởi vì có một số cán bộ từ tỉnh đến huyện và xã tham gia bao che, bảo kê cho đối tượng khai thác khoáng sản trái phép nên mới để xảy ra tình trạng nhức nhối thời gian vừa qua”, ông Chưởng nói.
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành, tình trạng khai thác trái phép vấn còn diễn ra như khai thác vàng ở các xã Đắc Pre, Đắc Pring, Tà Phing, Chà Vàl, Ca Dy và 7 tàu cuốc đang neo đậu tại sông Cái, xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Phát hiện 7 đơn vị có quy mô xả nước thải vào nguồn nước trên 10m3 ngày đêm nhưng không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Ông Nguyễn Viễn, phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trườngtỉnh kiêm Trưởng đoàn kiểm tra truy quét, cho biết: “Sau khi kiểm tra phát hiện, rất nhiều “vàng tặc” đã tổ chức nuôi heo, nuôi chó trên bãi vàng trái phép giữa rừng sâu ở các xã Đắc Pre, Đắc Pring, Tà Bhing của huyện Nam Giang rất lâu nay ở mà không ai biết. Điều này chứng tỏ “vàng tặc” rất ngang nhiên, lộng hành ”.
Theo Đất Việt