Người dân thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) xôn xao bàn tán về chuyện em L.T.T., học sinh lớp 10 của một trường học trên địa bàn vừa trở về sau vụ “mất tích” bí ẩn. Nhiều người còn cho rằng nữ sinh này bị bắt cóc. Bà G, mẹ cháu T. cho biết: “Nó vừa về tới nhà cách đây ít hôm. Lúc mới về nó lầm lì, ít nói. Bây giờ thì có đỡ hơn. Sắp đến ngày tựu trường rồi, tui nói nó chuẩn bị đi học nhưng nó cứ lầm lì không nói năng gì. Không biết có chuyện gì không”.
Vừa nói bà G. vừa chỉ vào góc nhà, nơi em T. đang cúi gằm mặt vào tường. Năm nay 15 tuổi nhưng trông T. rất phổng phao, trắng trẻo dù sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó. Bà G. trình bày sự việc: “Trước mấy hôm cháu nó bỏ nhà ra đi thì nó có xin tui 20.000 đồng đi ăn chè, kem gì đó. Sau đó nó đi học buổi sáng rồi đến chiều rồi sáng mai nữa cũng không thấy về, đó là ngày 26/8. Tui tìm cháu khắp nơi, liên lạc hết bạn bè nó mà chẳng biết nó đi đâu. Lo quá nên gia đình tui báo với công an xã vào ngày 28/8”.
Bản thông báo nhận dạng để tìm em T.
Sau khi báo với công an xã, cung cấp thông tin để thông báo nhận dạng để thông báo tìm cháu, bà G. mặt khác báo cho chồng đang đi làm thợ mộc thuê và các con trai đang làm ăn xa về. Bà G. cho biết, con gái mình rất hiền lành, một buổi đi học, buổi còn lại giữ hai đứa cháu và cùng bà chăm lo gà lợn, ruộng vườn. Theo bà G. thì từ nhỏ đến khi bỏ đi, T. không có dấu hiệu đua đòi, ăn chơi. T. tỏ ra lầm lì, ít nói nhưng rất tỉnh táo. Em cũng không tỏ ra mệt mỏi hay đau ốm gì.
Em T. luôn cúi mặt khi tiếp xúc với mọi người sau vụ "mất tích"
Qua trao đổi với anh của T. là L.V.P. (hiện đang học ở Huế). được biết: Lý do mà em tìm được em gái ở Phú Thọ là do trước đó em nhận được tin nhắn của em gái em với nội dung “Anh ơi em không có tiền ăn. Anh gửi cho em nhanh với”. Lập tức P. gọi điện cho em gái rồi dần biết được sự việc. P. tiếp tục báo cho người anh khác ở Bình Dương rồi hai anh em cùng đi tìm T.
P. kể: Những lần liên lạc sau thì có một giọng nam nghe máy bảo P. gửi tiền cho T. và cho P. địa chỉ gửi tiền nhưng địa chỉ không rõ ràng. Qua ba lần kiểm tra, địa chỉ đều không đúng với thực tế, mãi đến lần thứ 4 thì P. mới biết địa chỉ cụ thể mà người con trai liên lạc là ở Bưu điện Nông Trang, thuộc tỉnh Phú Phọ.
P. cho biết: “Khi ra tới Phú Thọ, em gọi điện cho em gái đến Bưu điện Nông Trang để nhận tiền, đồng thời vờ bảo em đang ở Huế để đề phòng tình huống xấu xảy ra. Khoảng 30 phút sau đó, em gái em đi cùng với một người con trai đến bưu điện. Do mừng quá, em và anh của em đã đến dẫn em gái về mà không hỏi han gì. Người con trai đi cùng em gái em thấy thế thì bỏ chạy”.
Bà G. cho biết: theo lời kể lại của T. sau khi trở về thì trước khi cháu “lưu lạc” ra tận Phú Thọ cháu được một người đàn bà lạ mặt cho uống thứ nước gì đó rồi đưa lên xe và không biết gì nữa. Thế nhưng, qua sự việc anh trai của T. tìm được T. một cách dễ dàng như vậy, khó có thể khẳng định là cháu bị bắt cóc.
Theo ông Trần Viết Hậu, Trưởng Công an xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng: “Chúng tôi tiếp nhận tin báo được khoảng tuần thì cháu T. trở về. Nhiều người cho rằng cháu T. bị bắt cóc hoặc tự nhiên mất tích. Tuy nhiên, qua xâu chuỗi các sự việc lại thì vẫn không có cơ sở chắc chắn để khẳng định điều đó. Qua sự việc này chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên quản lý chuyện sinh hoạt, học tập của con cái mình chặt chẽ hơn để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra”.
Theo Thiên Thư
ANTD