Cái giá mà Trọng phải trả là 20 năm tù giam. Hiện tại trong trại giam điều duy nhất trong suy nghĩ của Trọng là hai chữ: “Tự do”…
Tiếng đàn trong trại giam
Tôi đến trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) vào một chiều hè nắng nóng. Giữa cái nóng như nung người, bỗng nhiên tôi nghe tiếng đàn ghi ta phát ra từ nhà hạnh phúc (nơi dành cho phạm nhân có vợ, chồng tới thăm – PV). Tiếng đàn nhộn nhịp, vui vẻ làm tôi dịu đi cái nóng và tan biến mệt mỏi sau khi đã đi cả một quãng đường dài. Quay sang hỏi một cán bộ quản giáo, tôi được biết: “Đó là phạm nhân mới lấy vợ được 8 tháng thì phạm tội, hiện người vợ trẻ đang mang thai, phạm nhân này có khả năng đàn hát rất giỏi. Hôm nay vợ lên thăm, chắc anh ta đánh đàn tặng cho vợ thay cho lời muốn nói...”
Tôi thấy xót xa cho số phận người vợ trẻ đang phải gánh chịu cú sốc về tinh thần và hài nhi bé bỏng sắp chào đời, sẽ thiếu hơi ấm, sự bồng bế của người cha. Nếu phạm nhân này suy nghĩ, ý thức được hành vi, việc mình làm thì đâu đến nông nỗi gia đình ly tán, bản thân phải ngồi tù? Đời người chắc không ai tránh khỏi phạm lỗi, nhưng có những lỗi lầm nghiêm trọng khiến con người ta sẽ phải ân hận suốt quãng đời còn lại. Nghiêm trọng hơn nữa họ phải trả giá bằng tuổi thanh xuân trong chốn lao tù. Đỗ Văn Trọng là một trong những trường hợp đó.
“Mẹ là điểm tựa lúc em sợ hãi nhất”
Đỗ Văn Trọng (SN 1988) ở Chương Mỹ Hà Nội. Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, cha mẹ đều làm ruộng, nên mọi yêu thương cha mẹ đều dành hết cho 2 chị em, đặc biệt là Trọng. Nhà rất nghèo, nhưng cha mẹ Trọng đều hướng cho hai chị em ăn học. Khi còn nhỏ Trọng luôn cho mình là kém cỏi nên luôn thu mình ở nhà không chơi bời, đua đòi. Đến năm học lớp 12 mọi chuyện đều thay đổi trong con người Trọng. Trọng nhớ lại: “Em học xong lớp 12 thì nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ. Mỗi ngày kết thúc việc làm cùng cha mẹ, em lại ra quán nước chè đầu thôn uống nước. Tại đây em gặp đủ loại người, tốt, xấu, giàu, nghèo. Khi đó quê em có đền bù đất đai nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, khi có tiền họ sống rất “sang” và phong cách. Nhìn họ ăn tiêu, em chỉ muốn mình có được một phần như họ. Biết em hay ngồi quán trà, giao du với một số thành phần không tốt, mẹ khuyên em không nên chơi với những người xấu. Mặc cho mẹ góp ý thế nào em cũng chẳng để vào tai, dù em chưa cãi mẹ bao giờ. Chỉ đến khi vào đây rồi em mới thấy tất cả những lời mẹ khuyên là đúng...
Khát khao tự do
Tôi hỏi Trọng tại sao không thi đại học, Trọng đáp: “Em học tốt môn xã hội, nhưng môn tự nhiên thì không tốt, nhưng em xét thấy mình không thể đỗ đại học, nên em đi làm chứ không học tiếp”. Ngập ngừng một lúc, Trọng kể tiếp: “Càng ngày càng thấm những lời nói của mẹ. Tất cả lỗi lầm đều do mình gây ra. Em nghiệm thấy một điều là cha mẹ không tốt chắc chắn con cái sẽ hư, nhưng cha mẹ tốt chưa chắc con cái đã ngoan. Mình làm mình chịu không nên đổ cho người khác, em không muốn nói đến tên người khác nhất là khi không có mặt họ ở đây. Cách đây 2 năm (năm 2010) em chơi cùng với 3 người khác trong đó có một người nghiện ma túy. Người này rất hay cho em tiền và rủ em đi ăn, đi chơi, mọi thứ đều do anh ấy chi trả. Nhà em nghèo lại được một người cứ rủ đi ăn chơi, lúc đầu thấy ngài ngại về sau em trở thành “nô lệ” của những thứ vật chất tầm thường. Một hôm khi em đang ngồi ở quán nước cùng với một nhóm bạn thì xảy ra cãi vã với một nhóm thanh niên khác. Một trận khẩu chiến diễn ra, sau đó ai về nhà ấy, em tưởng như vậy thế là chấm dứt. Nào ngờ nhóm kia họ vẫn âm thầm thù hận. Hôm sau anh nghiện ma túy mời 3 người, trong đó có em, đến uống rượu và bàn nhau đến “nói chuyện” với phía bên kia. Uống rượu xong cả 4 người cùng đi đến nơi hẹn với nhóm kia. Ở đây, họ không tiếp chuyện với bọn em mà cầm gậy đánh lại chúng em. Họ lấy đá đập vào đầu em làm em chảy máu. Đau vì bị đánh bất ngờ, em cùng 3 người đi cùng xông vào đánh lại. Nhóm này bỏ chạy, chỉ có anh T (SN 1986) người Đan Phượng, Hà Nội, do không chạy được nên bị nhóm em chém nhiều nhát vào người. Khi anh T gục xuống, em bỏ chạy, mọi người đưa anh ấy đi viện thì anh ấy mất. Biết anh T chết, em sợ quá trốn đi vài ngày. Sau đó em về nhà kể cho mẹ nghe đầu đuôi câu chuyện. Mẹ em chết lặng người. Khi bình tĩnh lại mẹ nói em nên ra đầu thú chứ chạy trốn rất mệt mỏi mà tội còn nặng hơn. Nghe mẹ phân tích phải trái ngày 6/4/2010 em ra đầu thú”.
Vậy chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ mà anh T mất đi mạng sống còn Trọng bị TAND TP. Hà Nội kết án 20 năm tù. Đỗ Văn Trọng thụ án năm 2010. Trong buổi trò chuyện với tôi, Trọng nói: “Từ khi em “nhập trại” bố, mẹ em già đi rất nhiều, tóc mẹ bạc đi nhiều mặc dù mới hơn 40 tuổi. Lần nào đến thăm em, mẹ đều khóc vì tủi nhục, vì có con là kẻ giết người. Vào đây rồi em mới nghĩ được rằng trước khi mình làm điều gì phải suy nghĩ cho thật kỹ và tránh xa tệ nạn xã hội. Sự ân hận của em có ý nghĩa gì khi mà em còn phải ở đây (trại giam) 18 năm nữa... Em không nghĩ được gì cho tương lai ngoài sự khát khao tự do…”
Mới 24 tuổi, Đỗ Văn Trọng đã phải chôn mình trong chốn lao tù. Có lẽ bây giờ Trọng mới thấu hiểu ý nghĩa của hai chữ “tự do”!