Đang có tương lai tươi sáng với công việc của một cảnh sát, Páo đánh mất tất cả chỉ vì ma túy và án tử hình treo lơ lửng trên đầu.
Trong bộ đồ phạm nhân, Vàng A Páo (36 tuổi, người dân tộc H’mông, quê ở Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) trông hiền lành. Páo vào trại giam Tân Lập (Phú Thọ) vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy và là mắt xích quan trọng của đường dây buôn bán cái chết trắng từ Sơn La về Hà Nội. Không e dè khi nhắc lại quãng thời gian trước khi đánh mất mình, Páo bảo đó là bài học lớn mà mình chưa thuộc trên đường đời.
Sinh ra trong gia đình đông anh em ở huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, mới 16 tuổi Páo đã cưới vợ. Đám cưới của Páo và cô sơn nữ cùng huyện được tổ chức sau thời gian ngắn tìm hiểu. Năm sau, vợ chồng Páo sinh được cậu con trai càng làm nhân thêm hạnh phúc. Khi con 3 tuổi, anh ta được tuyển vào ngành công an, trở thành cán bộ an ninh của công an huyện Mộc Châu.
Do mới học hết cấp 2 nên Páo được đi học tiếp cấp 3. Tốt nghiệp phổ thông, Páo lại miệt mài học để thi vào trường an ninh ở Hà Nội. Mọi ngả đường của Páo khi đó đều rộng mở và diễn ra suôn sẻ. Páo bảo rằng, không ngờ trong thời gian đi học nghiệp vụ, anh đánh mất mình trước sự cám dỗ của đồng tiền.
“Năm 2004, đang học năm thứ ba, tôi bị bắt giữ vì tham gia đường dây ma túy liên tỉnh từ Mộc Châu (Sơn La) về Hà Nội”, nam phạm nhân cho biết. Sau khi cơ quan chức năng bắt giữ và triệt phá đường dây ma túy của người phụ nữ tên Vương Thị Chung ở khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), hành vi phạm tội của Páo cũng bị lật tẩy.
Vàng A Páo đang nỗ lực cải tạo tại trại giam Tân Lập. Ảnh:Việt Dũng.
Chung bị bắt và đã khai ra Páo cùng em họ Vàng A Vàng (28 tuổi) công tác trong ngành công an và đang học cùng trường ở Hà Nội. Đợt nghỉ hè, Vàng nói có người tên Cáu nhờ chuyển hàng về Hà Nội và được trả công hậu hĩnh. Đang trong thời kỳ học, không đủ tiền giúp vợ nuôi con, nghe Vàng nói vậy, Páo hỏi và biết là heroin. “Tôi cũng đã nghĩ đến việc bị phát hiện, hình dung ra việc bị đi tù, vợ con sẽ khổ, nhưng chỉ vì hám lợi mà…”, Páo bỏ lửng câu nói, hai tay đan vào nhau.
Theo thỏa thuận, một bánh heroin trao trót lọt cho Vương Thị Chung, Páo được Cáu trả một triệu đồng. Tổng số bánh heroin Páo vận chuyển cho Cáu tính đến thời điểm bị bắt là 22, trong đó 14 bánh anh ta thực hiện một mình, số còn lại là đi cùng với Vàng. Sau khi đường dây ma túy lớn trên bị triệt phá, 9 người liên quan bị bắt. Vàng, Páo cùng đồng bọn bị đưa ra trước vành móng ngựa. Cả hai anh em Páo đều bị tước quân tịch.
Páo tâm sự vẫn còn nhớ như in hình ảnh người vợ chân chất không biết chữ, chết lặng khi hay tin chồng phạm tội. Người đàn bà chỉ biết khóc ròng. Páo cũng khóc nhiều đêm trong thời gian bị tạm giữ để điều tra. Năm 2006, Páo và Vàng bị xét xử. Cùng với một số kẻ đứng đầu trong đường dây ma túy này, Páo và Vàng bị tuyên án tử hình.
Cũng trong năm 2006, anh em Páo cùng một số người khác tiếp tục bị đưa ra xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử cho rằng, bản án mà cấp sơ thẩm tuyên là có cơ sở, đúng người, đúng tội nên đã bác toàn bộ kháng cáo của anh em Páo. Tòa phúc thẩm tuyên tử hình cho Páo, Vàng và cả hai bị đưa vào phòng biệt giam.
Trong khi chờ "ngày của mình đến", đã có lúc, Páo phó thác cho số phận. Tuy nhiên, hàng ngày nhìn và chiêm nghiệm cuộc sống qua lỗ nhỏ của nhà biệt giam, ý thức muốn sống thôi thúc Páo. Anh em Páo đã làm đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước. “Tôi đã viết hai trang A4 dày đặc chữ với nội dung xin được hưởng lượng khoan hồng”, Páo nhớ lại.
Trong khi chờ hồi âm, Páo bảo ở khu biệt giam, như nhiều tử tù, anh ta thường lấy đêm làm ngày, ngày làm đêm. Mỗi khi nghe tiếng đi nhẹ lúc rạng sáng hay tiếng cửa sắt mở, tim Páo đập thình thịch. Thỉnh thoảng Páo giật thót mình khi thấy tiếng tử tù ở buồng bên gào thét, hoặc nức nở lúc bị dẫn giải ra pháp trường.
Một buổi sáng tinh mơ, cửa phòng Páo xịch mở. Bóng dáng những cảnh sát rất rõ mà Páo thấy mờ ảo. Anh ngừng thở để nghe quyết định.“Mừng cực kỳ, thoải mái tư tưởng, như được sống lại”, Páo nói ngắn gọn. Cả Páo và Vàng được giảm xuống tù chung thân.
Đến đầu năm 2007, Páo được chuyển về trại giam Tân Lập để thụ án. 4 năm trôi qua, niềm tin vào cuộc sống phía trước ngày càng thôi thúc Páo gắng cải tạo thật tốt. Người ta luôn có những cơ hội để làm lại từ đầu khi trót mắc sai lầm. Với Páo, còn có động lực khác thúc đẩy là việc bây giờ đã lên chức ông nội, dù mới 36 tuổi. Cậu con trai lớn đã lập gia đình và có bé trai đầu lòng.
Khi nhắc đến vợ, Páo bảo rất thương cô ấy vì phải một mình chăm lo hai con trong thời gian chồng cải tạo. Từ ngày vào trại, cô ấy cũng thỉnh thoảng lên thăm chồng mỗi năm khoảng 1-2 lần, lúc gặp nhau cả hai chỉ biết khóc.
Theo Việt Dũng
VNE