Ngày 4/5, Viện KSND Tối cao cho biết, đã ra cáo trạng, truy tố bị can Lương Mạnh Hùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hùng là nhân viên của doanh nghiệp vàng bạc Kim Ngọc ở phố Hàn Thuyên, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Được ông bà chủ tin tưởng giao cho nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp nhưng lợi dụng điều này, anh ta đã tự ý "nghéo" vàng với các doanh nghiệp khác dẫn đến thua lỗ và chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của Doanh nghiệp Kim Ngọc. Đây cũng là một hệ quả của việc kinh doanh liều lĩnh trong thời kỳ giá vàng ở Việt Nam "nhảy múa" trên sàn giao dịch…
Những phi vụ "nghéo" vàng thua lỗ tiền tỷ
Vốn có tay nghề làm vàng bạc cao nên ngày 25/2/2009, Lương Mạnh Hùng (30 tuổi, trú tại phố Bảo Linh, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được Doanh nghiệp vàng bạc Kim Ngọc ký hợp đồng lao động làm nhân viên bán vàng.
Do tin tưởng, ông Trần Anh Quyết, chủ doanh nghiệp, giao cho Hùng điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh mua bán vàng của doanh nghiệp. Lợi dụng lòng tin và sự quản lý lỏng lẻo của vợ chồng ông Quyết, trong quá trình điều hành cửa hàng vàng bạc Kim Ngọc, ngoài việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng cho cửa hàng, Hùng còn bí mật tiến hành nhiều giao dịch vàng với tư cách cá nhân, không vào sổ, không báo với ông Quyết nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
"Nghéo" vàng là thuật ngữ trong kinh doanh vàng, hai bên thỏa thuận với nhau về giá cả (gọi là "chốt giá"), cũng như khối lượng vàng mua bán và thời điểm thanh toán… Theo quy định, khi đã "nghéo" bán thì dù sau đó, giá vàng lên hay xuống, các bên vẫn phải thực hiện theo giá đã chốt. Nếu giá vàng lên, người bán phải thanh toán số tiền chênh lệch cho người mua, nếu giá vàng xuống thì người mua phải thanh toán số tiền chênh lệch cho người bán.
Trong thời điểm này, giá vàng lên xuống liên tục, có khi một ngày, Hùng thắng đến vài giá nên anh ta rất ham. Nhưng sau đó, lại đen đủi, thua liên tiếp và thua rất đậm. Chẳng hạn, khoảng tháng 6/2010, Hùng "nghéo" bán vàng với bà Nguyễn Huỳnh Phương Dung - Doanh nghiệp vàng Anh Tùng (Dung Thăng) 3.000 cây vàng với giá 29 triệu đồng/cây, hẹn 15 ngày thanh toán. Sau đó, giá vàng đột ngột tăng lên 34 triệu đồng/cây nên Hùng phải bù lỗ 5 triệu đồng/cây. Vì thế, tổng cộng Hùng đã thua lỗ trong phi vụ "nghéo" vàng này là 16 tỷ đồng.
Tương tự, Hùng "nghéo" vàng với bà Đỗ Thị Điệp ở Giảng Võ (Hà Nội) từ tháng 7/2010, mỗi lần từ 100 đến 600 cây vàng và thua 2,05 tỷ đồng. Anh ta "nghéo" với bà Nguyễn Thị San, trú tại Cát Linh (Hà Nội) từ tháng 8/2010, mỗi lần từ 100 - 200 cây vàng, tổng cộng thua 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hùng còn "nghéo" vàng với trên 10 cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh (không nhớ tên, địa chỉ) khoảng trên 3.000 cây vàng và bị thua lỗ 7 tỷ dồng. Khoảng trung tuần tháng 6/2010, Hùng "nghéo" bán cho Giám đốc kinh doanh tập đoàn Doji tổng cộng 3 lần 3.200 cây vàng với giá 30 triệu đồng/cây. Sau đó, giá vàng lên cao, Hùng khất nợ nhằm kéo dài thời gian để đợi giá vàng xuống. Nhưng vận đen cứ bám riết lấy anh ta, giá vàng tiếp tục tăng lên.
Tính đến 9/12/2010, số tiền Hùng phải trả cho Tập đoàn Doji do chênh lệch giá lên đến 20 tỷ đồng. Không có tiền trả, lại thấy số tiền làm thất thoát của Doanh nghiệp Kim Ngọc quá lớn, sợ bị lộ, nên Hùng đã viện lý do đi ăn cưới rồi đón xe taxi từ Hà Nội về thẳng nhà bác ruột ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) để trốn. Tại đây, Hùng viện lý do việc làm ăn không thuận lợi nên xin ở lại nhà bác một thời gian. Để tránh bị phát hiện, anh ta thay cả sim điện thoại để không ai liên lạc được. Hàng ngày, anh ta ở rịt trên tầng 2 của nhà bác, chỉ lúc ăn cơm hoặc đi vệ sinh thì mới chịu xuống. Đến đầu năm 2011, được sự vận động của cơ quan Công an và gia đình, Lương Mạnh Hùng đã ra đầu thú tại Cục Cảnh sát hình sự.
Theo lời khai của Hùng, trong các phi vụ "nghéo" vàng, nếu thắng thì Hùng hưởng lợi. Nhưng khi thua, anh ta đã lấy tiền của doanh nghiệp vàng bạc Kim Ngọc trả cho đối tác. Để che mắt mọi người trong cùng doanh nghiệp, Hùng ghi khống số tiền đã chiếm đoạt này vào mục "khách nợ cửa hàng" (coi như khách đang nợ cửa hàng) để bà Thúy, vợ ông Quyết, người có nhiệm vụ giám sát hoạt động mua bán, tính toán lỗ, lãi và quản lý toàn bộ tiền, vàng có được đến thời điểm cuối ngày, không phát hiện ra.
Ông Trần Anh Quyết trình báo bị Lương Mạnh Hùng chiếm đoạt số tiền hơn 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, chỉ có đủ tài liệu, căn cứ chứng minh, tính đến 8/12/2010, Hùng đã chiếm đoạt hơn 35 tỷ đồng của Doanh nghiệp Kim Ngọc.
Quá nhiều sơ hở trong quản lý doanh nghiệp vàng
Sở dĩ Lương Mạnh Hùng chiếm đoạt được một số lượng tiền lớn đến thế trong một thời gian dài của Doanh nghiệp vàng bạc Kim Ngọc là do có quá nhiều sơ hở của ông bà chủ doanh nghiệp. Khi tìm hiểu về vụ việc này, chúng tôi rất ngạc nhiên, vì sao chủ doanh nghiệp bỏ ra một khối lượng tiền đầu tư lớn đến thế mà chỉ quản lý bằng "niềm tin" là chính, hoạt động kinh doanh không có sổ sách đầy đủ theo quy định của kế toán; doanh nghiệp không có kế toán và không có cả thủ quỹ…
Theo lời khai của bị can Lương Mạnh Hùng, cửa hàng vàng Kim Ngọc có 3 loại sổ: Sổ giao dịch gồm 2 liên do bà Thúy và một nhân viên ghi các giao dịch mua bán vàng vật chất (tức mua bán thật, giao tiền - nhận vàng ngay); sổ tính vốn bà Thúy quản lý để ghi số tiền vàng còn lại đến cuối ngày và số tiền cân đối "khách nợ" và "nợ khách" trong sổ của Hùng để tính vốn và lỗ, lãi trong ngày; sổ thứ 3 là sổ quyết toán do bị can Hùng trực tiếp ghi theo dõi "khách nợ cửa hàng" và "cửa hàng nợ khách". Đến cuối tháng, theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp thì các sổ bị hủy đi. Toàn bộ các mã "nghéo" vàng cho cá nhân mình, Hùng không ghi trong sổ mà ghi vào một tờ giấy để theo dõi, đến cuối ngày tiêu hủy để không bị phát hiện.
Bên cạnh đó, với các khoản "nghéo" của Doanh nghiệp Kim Ngọc thì Hùng ghi vào giữa quyển sổ quyết toán, cuối ngày giao cho bà Thúy để quyết toán chung. Vì biết bà Thúy không kiểm tra nên toàn bộ số tiền chiếm đoạt của doanh nghiệp, Hùng ghi khống vào phần "khách nợ cửa hàng" trong sổ quyết toán.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiền vàng của doanh nghiệp này để trong két sắt có đến 4 người mở được két (vợ chồng ông Quyết, Hùng và một nhân viên nữa). Vì thế, có những lúc Hùng tự xuất nhiều tỷ đồng của doanh nghiệp để chuyển tài khoản cho các doanh nghiệp anh ta nợ tiền mà không ai biết. Hơn nữa, các giao dịch vàng của Doanh nghiệp Kim Ngọc cũng như một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác với số lượng hàng trăm cây, trị giá nhiều tỷ đồng đều hầu như không có giấy biên nhận, chỉ là giao dịch "mồm"…
Quá nhiều sơ hở trong quản lý, kinh doanh như thế nên khi nhân viên kinh doanh "biến mất", ông bà chủ doanh nghiệp mới té ngửa vì đã bị nhân viên chiếm đoạt số tiền quá lớn trong một thời gian dài...