Dân gian thường nói Hổ dữ chẳng ăn thịt con. Còn Kinh Báo ân có viết: “Trong mười tháng mang thai, mẹ hiền thật cùng cực khổ sở… Nên sinh được thân này là phước đức lắm”. Thiêng liêng trên tất cả tình yêu là tình mẫu tử, song mới đây tại xã Khánh Thánh, huyện Yên Thành, Nghệ An chỉ vì ghen tuông vô cớ, chỉ vì những khó khăn nhất thời, một người mẹ đã lấy thuốc chuột pha với sữa để mình cùng 4 đứa con thơ uống tự tử. Được phát hiện kịp thời, nên 5 mẹ con họ đã may mắn thoát chết. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho bất cứ ai lúc hành động một việc gì đó chỉ nghĩ cho bản thân mình”.
Hạnh phúc mong manh
Dưới cái nắng cháy da của miền Trung, tôi tìm về thôn Tiên Khánh, xã Khánh Thành, Yên Thành, Nghệ An với cảm giác bồn chồn, buồn vui lẫn lộn. Buồn bởi lẽ, người mình sắp gặp là bà mẹ trong lúc dại dột đến mông muội đã có ý định giết chết cả những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Hành động đó không thể có bất kỳ một lý do gì để biện minh. Có chăng, chị ta cho rằng mình dốt nát đến mức điên rồ mới làm như vậy thì có lẽ còn một chút nào đó để thông cảm. Gần đến thôn Tiên Khánh, tôi gặp một người làng để hỏi đường về nhà chị Phan THị Phương – người mẹ đã suýt gây nên tội ác tày trời. “Mấy mẹ con họ đã khỏe lại và được bệnh viện cho về nhà rồi, ngôi nhà họ đang xây dở dang phía đằng kia”. Nhìn theo tay chỉ của người làng, niềm vui trong tôi vỡ òa bởi 4 cháu bé đã qua cơn hiểm nghèo. Tấp vào một quán nước bên đường, mua mấy bịch sữa vào nhà chị Phương cho các cháu, tôi bắt đầu nghe câu chuyện bi phẫn và hy vọng chẳng có bất kỳ bà mẹ nào thêm một lần dại dột như chị.
Bồng đứa con út trên tay, anh Trần Đức Tình (chồng chị Phương) vẻ mặt còn phảng phất nỗi bàng hoàng, khuôn mặt chữ điền khắc dấu nhiều trắc ẩn. 12 năm học phổ thông, Tình thuộc tốp học sinh giỏi nhất trường. Năm 1997, thi đại học luật Hà Nội được 21 điểm, thiếu mất nửa điểm. Tình gác chuyện học hành lên đường nhập ngũ vào tiểu đoàn 17 công binh ở Kon Tum. Hai năm quân ngũ, luôn được cấp trên khen thưởng nhưng Tình vẫn ra quân vì còn phải chăm sóc mẹ già ở quê. Năm 1999, Tình kết duyên với chị Phan Thị Phương làng bên. Hai vợ chồng trẻ lần lượt có 4 mặt con; cháu đầu Trần Đức Anh đang học lớp 6, cháu Trần Đức Hà học lớp 4, cháu Trần Thị Giang học lớp 2 và cháu út đang học mẫu giáo. Cả gia đình có 6 khẩu nhưng chỉ trông chờ vào 14 thước ruộng lúa của anh Tình được cấp từ năm 1993. Vì vậy cái đói, cái nghèo bủa vây lấy Tình, Phương như một sự mặc định. Việc đồng áng chỉ làm trong ít ngày, rồi vợ chồng họ lại tất tả làm phụ hồ để nuôi con. Nhiều đêm làm đến 7, 8 giờ tối mới về đến nhà, Tình và Phương nước mắt chảy dài.
Ông Nguyễn Văn Bá – Trưởng thôn Tiên Khánh, xã Khánh Thành: “Cả xóm tôi có 212 hộ, trong đó có 24 hộ nghèo, nhà Tình nằm trong số đó. Ruộng đất chia cách đây gần 20 năm nên gây khó khăn cho nhiều gia đình. Như anh Tình nhà 2 vợ chồng, 4 đứa con nhưng chỉ có anh Tình được chia đất ruộng từ năm 1993. Không ruộng đất, không việc làm, hoàn cảnh khó khăn, cực khổ cũng góp phần làm cho chị Phương nghĩ quẩn. Ở đây, làng xóm cũng đùm bọc, nâng đỡ nhau nhưng hầu hết nhà nào cũng còn vất vả. Khi vợ chồng Phương, Tình xảy ra chuyện trên, chúng tôi cũng động viên vợ chồng cố gắng vượt qua để nuôi các con ăn học”.
Nghèo không có tội, nhưng trong một khoảnh khắc nào đó, đôi lúc cái nghèo cũng góp phần gây nên tội. Song cái nghèo còn có thể vượt qua, còn những cơn ghen bất thường của Phương thì nói như đám trai làng Tiên Khánh đã “hết thuốc chữa”. Làm thợ nề, nên sau mỗi ngày làm việc, thỉnh thoảng anh Tình lại cùng tốp thợ ngồi chén chú chén anh. Và mỗi lần như vậy, cơn ghen trong người Phương lại bốc lên dữ dội. Tình về nhà muộn chỉ có một lý do là theo gái, Phương luôn nghĩ vậy. Thời phổ thông học giỏi, lại hiền lành nên mỗi dịp hè về Tình lại luôn được đám bạn học về quê mời mọc quán xá để ôn nghèo, kể khổ trong quá khứ. Và Tình càng đi thì cơn ghen trong Phương càng âm ỷ. Đã không ít lần vì ghen chồng, Phương đã bồng con về nhà mình. Và đỉnh điểm của sự ghen tuông là Phương đã nảy ý định giết chết cả 4 đứa con của mình vào sáng 8/7/2012.
Ghen tuông ích kỷ suýt gây tội ác tày trời
Sáng 8/7, anh Tình đi phường ở làng bên (một kiểu góp tiền, hoặc lúa giữa một số hộ gia đình với nhau sau vụ mùa). Đi ra đi vào một lúc không thấy chồng về, Phan Thị Phương lại nghĩ chồng đang đi với cô nào đó. Cơn ghen mỗi lúc một tăng lên, nhìn 4 đứa con chơi đùa với nhau, Phương nghĩ quẩn. Nếu mình chết thì 4 đứa con ở với ai? Nếu Tình bỏ mình lấy người khác, các con mình sẽ bị vợ Tình đối xử ra sao? Gần vào năm học mới, tiền đâu cho 4 đứa con tiếp tục đến trường?... Nghe Phương kể lại những suy nghĩ mông lung của chị khi quyết định thực hiện việc ngu dốt, ích kỷ nhất của một người mẹ tôi thấy lạnh cả người. Nhìn Phương, người đàn bà xanh như tàu lá chuối, học hết lớp 7 đã nghỉ học, chưa một lần rời khỏi lũy tre làng… Tôi vẫn cố vin vào đó để đỡ cho tâm hồn mình phần nào sự phẫn nộ. Song nhìn 4 đứa trẻ ngoan ngoãn, chụm đầu vào nhau quanh một cuốn truyện tranh, chỉ có may mắn mới cứu được các em thoát chết từ ly sữa của chính mẹ chúng, tôi lại bàng hoàng.Bà Phan Thị Linh (mẹ anh Tình): “Khi người làng đưa các cháu đến bệnh viện, tôi rụng rời chân tay, nghĩ quẩn, chẳng lẽ trong phút chốc mất cả 4 đứa cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Cả mẹ con đều là hộ nghèo của làng nên cũng chẳng đỡ đần được gì cho nhau. Thương con, thương cháu nhưng không biết mần răng. Sắp vô năm học mới, con Phương nói tìm mô cho ra 4 triệu để nộp học đầu năm cho các cháu, tôi lại khóc thầm”.
Đợi gần trưa không thấy Tình về, Phương đến quán nước trong làng mua 3 hộp sữa về chia thành 5 ly, rồi âm thầm bỏ thuốc chuột vào các ly sữa để mình và các con uống. Ở quê, họa hoằn lắm chúng mới được cái kẹo mút chứ làm gì có sữa. Vì vậy, thấy ly sữa từ tay mẹ, các con của Phương giơ tay tranh nhau lấy ly sữa. Uống được một lát Phương và con bò lăn ra nền nhà vì ngộ độc. Phương giơ tay níu các con về phía mình, nhưng mỗi đứa nôn thốc, nôn tháo lăn lộn từng góc nhà. Đứa út thiêm thiếp đè lên người đứa anh mới học lớp 3, mấy đứa con của Phượng nhợt nhạt dần vì ngấm thuốc. Lúc này sự ân hận của Phương không cứu được các con mình vì chính chị ta cũng dần rơi vào trạng thái ngất xỉu. May mắn thay, trong lúc 5 mẹ con đang đối mặt với tử thần thì có cháu Sửa (5 tuổi) ở nhà kế bên xuất hiện, thấy mấy đứa con của Phương lăn lộn dưới nền nhà, Sửa khóc toáng lên. Nghe tiếng khóc của Sửa, người làng tìm đến và cả 5 con Phương được chuyển lên trạm y tế xã rồi tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Nghệ An. Tại bệnh viện, Phương và các cháu được điều trị tích cực nên đến ngày 11/7, Phương và cả 4 người con của chị đã dần hồi phục trở lại.
Ngồi bên cạnh tôi, các con của Phương đưa ra một chồng giấy khen để khoe. Nhà nghèo nhưng con của Tình và Phương học lúc nào cũng đạt loại giỏi. Nhìn những đứa con ngoan ngoãn, ngây thơ của họ, tôi đề cập đến hành động của Phương, chị ta chỉ lý nhí “do em ngu dốt mới làm rứa”. Còn chồng Phương từ ngày xảy ra việc tày trời trên anh vẫn nhỏ nhẹ với mọi người “hằng ngày vợ em cũng hiền lành, chất phác. Do khổ cực quá, lại hay ghen nên mới hành động dại dột như vậy. May mà nhà em to phúc gia đình mới lại được đoàn tụ đầy đủ”.
Rời căn nhà nhỏ và câu chuyện điên rồ của người đàn bà suýt giết hết các con mình, tôi không thể xóa đi được cảm giác nặng lòng. Có thể hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra nhưng hành động của người mẹ ngu muội này chính là một hành động tội ác, hủy hoại và tước đi mạng sống của các con. Những đứa trẻ ngây thơ, vô tội, bây giờ còn quá bé để hiểu mức độ nghiêm trọng về hành vi của mẹ. Nhưng mai này lớn lên, hiểu chuyện, liệu chị Phương, người mẹ đáng lên án kia có thoát khỏi những day dứt của tòa án lương tâm? Qua câu chuyện trên, chúng tôi một lần nữa bày tỏ quan điểm của mình là hành động của chị Phương đáng lên án gay gắt, thậm chí có thể bị pháp luật trừng trị và vĩnh viễn tước quyền làm mẹ.Thượng tá Lê Xuân Băn – Phó Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình:
Với trường hợp chị Phan Thị Phương chỉ vì ghen chồng mà pha thuốc chuột vào sữa cho 4 đứa con cùng uống là hành động không thể chấp nhận được. Xét về mặt đạo đức đây là hành động xã hội không thể cảm thông. Xét về mặt luật pháp đó là hành vi giết người không thành. Nhưng về góc độ pháp lý còn phải tính đến các yếu tố chủ quan, khách quan khi chị Phương hành động. Nếu nói chị Phương làm vậy để dọa chồng cũng không đủ cơ sở, để xác định đúng tính chất, hành vi của đối tượng, với trường hợp trên cơ quan chức năng thường lấy mẫu từ ly sữa mà chị Phương cho các con uống để xét nghiệm, giám định xem độc tố thế nào. Ở một số nước, trường hợp trên luật pháp còn cách ly tước quyền nuôi con của người mẹ.Theo PV báo (Cảnh Sát Toàn Cầu)