50 nhân vật, 50 cuộc đời đã được Phạm Hoài Thanh giới thiệu trong bộ sưu tập vừa được trưng bày tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) trong triển lãm "Đối mặt với ma túy" diễn ra từ ngày 20 đến 25/6. “Triển lãm của tôi đưa đến một sự nhìn nhận khách quan và rộng lượng hơn đối với những người trót lầm lỡ trong cuộc đời” - nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh nói.
Những lát cắt của số phậnNhân vật trong ảnh Phạm Hoài Thanh đa dạng trải dài từ Nam ra Bắc. Đó cũng là hành trình của anh trong suốt nhiều năm để cho ra đời bộ ảnh này. Ống kính của anh không đi sâu vào việc khám phá những góc khuất của số phận mà hướng nó đến những nẻo về tươi sáng, những khát khao tiềm ẩn trong mỗi con người nhưng vẫn bị ma túy chế ngự. Đó là Đặng Thị Hồng Nhung, người mẫu một thời ở TP Nha Trang. Từ lợi thế của vóc dáng, Nhung trở thành một người mẫu có nhiều sô diễn với một khoản thu nhập đủ để tìm đến những thú chơi hạng sang. Đó chính là khởi nguồn để Nhung dính vào ma túy. Sau khi được đưa đi cai nghiện, trở về Nhung lại tái nghiện, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ cuốn lấy Nhung không dứt.
Nguyên nhân để những người trẻ bước vào con đường nghiện ngập cũng được đề cập khá rõ nét trong ảnh của Phạm Hoài Thanh. Người xem thấy một Nguyễn Thành Tuấn (TP.HCM) nhà khá giả, lại là con một nên từ năm 1992 Tuấn đã biết đến mùi cần sa, sedusen. Lớn hơn tí nữa, Tuấn biết heroin, rồi nhanh chóng trở thành một con nghiện nặng. Vốn có nghề quay phim nhưng Tuấn cũng đành bỏ dở giữa chừng vì những cơn vật thuốc.
Chị Nguyễn Ngọc Giàu: “Em thường bảo bọn trẻ mới tập tành “chơi” là: “Mày xem chị đây này, trót dính vào bây giờ tàn tạ mất hết tất cả””. (Ảnh chụp tại triển lãm)
Không xuất thân trong một gia đình giàu có, cũng chẳng là người thành phố như Nhung và Tuấn nhưng cô sơn nữ ở xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, Điện Biên đã làm quen với ma túy từ khi 13 tuổi. “Thuốc ở đây rẻ nên một ngày em chỉ cần 50.000-100.000 đồng là đủ, nếu thiếu thì xin ai đó” - em nói.
Chị Hà Thị Nhâm ở Thái Bình lại đem đến cho người xem câu chuyện xót xa về cuộc đời của mình, từng là ca sĩ của một đoàn nghệ thuật được cử đi học ở ĐH Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, Nhâm theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi. “Cứ tối rảnh, các anh trong đoàn, có cả một vài chị mua thuốc về chơi… họ bảo nó chỉ như uống rượu thôi, chất nghệ sĩ cũng cần một tí cho nó phê” - chị Nhâm kể lại. Nhưng một tí đó cũng đã khiến chị phải từ bỏ con đường nghệ thuật và thả trôi sáu năm tuổi trẻ của mình ở các trung tâm lao động và cải tạo xã hội.
Theo Dantri.com.vn