3 giờ sáng ngày 16/3, khi tất cả mọi người trong nhà đã ngủ say, người đàn bà lén bế đứa con xuống bếp, đặt con vào 1 cái mẹt sàng lúa, và sát hại cháu bé bằng nhiều nhát dao, rồi cũng tự sát bằng chính con dao ấy.
Nghe nhiều tiếng động lạ, người chồng vội chạy ra ngăn cản nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Đứa bé đã tử vong tại chỗ, còn người vợ được đưa đi cấp cứu và đối diện với tội ác mình gây ra.
Đêm kinh hoàng
Nỗi bất hạnh ấy rơi vào gia đình của anh Chu Văn Hiền (1978) và chị Nguyễn Thị Huệ (1982) ở Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội. Đứa bé bị sát hại là cháu Chu Minh Hoàng, con đẻ của 2 người. Đôi vợ chồng khi cưới nhau được hàng xóm khen nức nở đẹp đôi với tình yêu “từ dậu mồng tơi xanh rờn” của đôi trẻ cạnh nhà nhau.
Hiền là thợ cả của một tốp thợ xây dựng, chuyên làm việc ở những công trình nhỏ trong làng, trong huyện, không bao giờ phải đi xa nhà. Anh là người đàn ông hiền lành, chăm chỉ, cần cù, hòa nhã nên cả làng ai cũng yêu quý. Khi yêu nhau, Huệ cũng tỏ ra là 1 cô gái ngoan ngoãn, dễ gần, lại rất khéo tay, may vá rất giỏi.
Tưởng rằng cuộc sống của họ hoàn hảo khi cuối năm 2011, họ có với nhau đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Nhưng không ngờ Huệ bắt đầu có triệu chứng bệnh trầm cảm nặng và dần biến thành hoang tưởng khi mang thai cháu bé.
Ngay từ khi mới về nhà chồng, Huệ cũng không có biểu hiện gì về bệnh tật. Nhưng sau khi cái thai đầu tiên của chị bị sẩy do sức khỏe người mẹ kém, Huệ cũng bắt đầu thay đổi tâm tính. Mẹ chồng cô kể lại, cô ít nói hẳn đi, cũng không còn hoạt bát.
Ai hỏi gì nói nấy, thậm chí có những khi cả ngày không bước chân khỏi căn buồng của 2 vợ chồng. Đến bữa cơm chỉ lí nhí mời mà người ngồi bên cạnh cũng chỉ nghe rõ được mỗi chữ cơm, còn không rõ mời ai, hay nói gì. Nhưng lúc đó mọi người trong nhà chỉ nghĩ cô còn đau buồn vì đứa con bị sảy và sức khỏe cũng kém, nên cũng không ai chú ý. Sau hơn 1 năm, họ có đứa con thứ hai, đặt tên là Chu Văn Hoàng.
Đứa bé kháu khỉnh lắm, nhưng lại bị bệnh viêm phổi bẩm sinh nên hay ốm đau, đi viện liên miên. Cả nhà ai cũng vất vả hơn vì chăm cháu. Lúc này, Huệ lại càng có nhiều biểu hiện lạ. Cả ngày cô như người mất hồn, tắm gội, giặt giũ cũng không thường xuyên.
Chị gái Huệ là Nguyễn Thị Xoan kể lại, có lần thuốc cho con uống thì Huệ giằng ra rồi nói là thuộc độc và ném đi. Huệ thường lẩm bẩm nói chuyện một mình, lúc nào cũng tỏ ra hục hặc, khó chịu với những người trong nhà nhưng chỉ biểu hiện qua ánh mắt mà không nói lời nào.
Di ảnh cháu Chu Minh Hoàng
Đã 2 lần, người bố chồng phát hiện ra Huệ dùng dây điện của máy sấy tóc quấn cổ đứa con nhỏ và quấn cả vào cổ mình để hòng cùng chết. Thêm một lần nữa, cả bố mẹ chồng phát hiện ra cô dùng dây điện của nồi cơm điện để siết cổ con.
Trước sự việc ấy, cả nhà đã đưa Huệ đi chữa trị ở khắp nơi, từ các bệnh viện ở địa phương đến bệnh viện tâm thần Hà Nội. Nhưng Huệ thường xuyên không uống thuốc, và những biểu hiện và suy nghĩ ngày càng khác thường.
Quá lo sợ đứa con dâu này, bà nội lúc nào cũng phải để mắt đến đứa cháu, đi ngủ bà cũng phải để cháu ngủ cùng mình. Đỉnh điểm là ngày 20 tháng Giêng âm lịch, ngày cưới Tuyết (em gái Huệ), Huệ lại lên cơn, tự nhiên nổi khùng lên nói với mọi người là sẽ giết con rồi tự tử. Nghe thấy Huệ nói thế, mọi người trong nhà ai cũng sợ hãi.
Có bệnh thì vái tứ phương, gia đình 2 bên đã làm đủ mọi cách để chữa chạy cho Huệ. Nghe mách phải mời thầy cúng về cúng bái, trấn yểm, cả nhà cũng nghe theo. Được mấy ngày sau đó thì thấy Huệ lại cười nói trở lại, bớt lầm lỳ hơn, còn chủ động xin đi làm cùng với chồng cho thoải mái đầu óc.
Lần đầu tiên suốt mấy tháng trời, cả nhà cũng thấy nhen nhóm lên 1 tia hi vọng bệnh của đứa con dâu sẽ nhẹ đi phần nào. Nhưng ai ngờ, dường như Huệ đã vẽ ra trong đầu một kế hoạch để đánh lừa mọi người.
Đến khoảng 11 giờ ngày 15/3, Huệ xin phép mẹ chồng cho được ngủ cùng con một hôm vì nhớ cháu quá. Thương con và tin con cũng đã đỡ bệnh, bà cũng trao đứa cháu nhỏ cho mẹ nó. Và tai họa khủng khiếp đã ập đến vào rạng sáng ngày 16/3, khi mà Huệ đã thực hiện thành công ý định của mình đó là giết chết đứa con do mình đẻ ra.
“Cứ nhìn thấy ảnh là bố nó, bà nó khóc ngất”
Huệ đang bị tam giam, những nghi vấn cô có phải là người tâm thần hay không còn đang chờ phán xét cuối cùng của cơ quan điều tra. Thế nhưng, Huệ đã vô tình giăng đám mây bất hạnh lên ngôi nhà của những người đã rất yêu thương cô. Khi tôi đến nhà thì ngày hôm trước vừa là 100 ngày của cháu Hoàng. Chiếc bàn thờ nhỏ bé, đơn giản ấy lại chính là hiện thân của nỗi bất hạnh lớn lao trong lòng những người ở lại.
Bố của anh Hiền, năm nay đã 73 tuổi, đi còn không vững do chứng bệnh viêm khớp đau đớn kể với tôi: “Khó khăn lắm mới có được đứa cháu, thế mà nó nỡ lòng nào… Đến hôm 100 ngày, cháu nó mới có cái ảnh thờ. Chứ những ngày đầu, chúng tôi còn phải che bàn thờ đi, vì cứ nhìn thấy là bố nó, bà nó khóc ngất. Cả nhà tôi lo bố nó cũng đến phát điên như con mẹ nó mà thôi”.
Mẹ chồng Huệ, mới ngoài 60 nhưng nhìn bà thấy hằn rõ sự khắc khổ của tuổi tác và những nỗi buồn ám ảnh. Cái lưng hơi còng, đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe vì thương cháu. Tôi trò chuyện với cụ ở dưới bếp.
Nghe tôi hỏi về cái đêm kinh hoàng ấy, bà chỉ biết khóc. Qua 2 hàng nước mắt, bà tâm sự: “Đến hôm nay tôi tưởng đã hết nước mắt rồi. Tôi không trách nó vì nó điên, nó bệnh, nó có còn là nó nữa đâu.”
Bỏ thêm vài nhánh củi vào bếp cho lửa cháy to lên, cụ sẽ chỉ ra phía sau tôi: “Đấy, chỗ nó giết con nó đấy. Sau cái ngày ấy, hôm nào tôi cũng phải xuống đây nấu cơm. Cứ vào đến cái bếp này là tôi không chịu được, giá như nó điên mà nó giết tôi thay cho đứa con nó thì có phải tốt không?”. Rồi bà lại ngửa mặt lên trời mà khóc.
Ngọn lửa trong cái bếp kinh hoàng ấy vẫn được nhóm lên, vẫn cháy hàng ngày, nhưng không biết đến bao giờ, niềm vui và hi vọng mới được thắp lên trong ngôi nhà ấy?
“Tôi không trách vợ”
Có lẽ, người đau đớn nhất là anh Chu Văn Hiền. Mẹ anh Hiền kể lại, phải mất nhiều ngày anh mới đi làm được như trước. Dường như, cái chết của đứa con nhỏ cũng là sự chấm hết của niềm vui, của hạnh phúc với người đàn ông này.
Anh Hiền đã ngoài 30 tuổi, cái tuổi mà người đàn ông đã dạn dày sương gió, nhưng dường như cơn cuồng phong vừa xảy ra đã đánh gục anh.
Anh Hiền cũng sút đi nhiều cân, gò má anh nhô cao càng làm gương mặt thêm hốc hác và ảm đạm. Đôi mắt của anh gần như vô hồn, anh không cười, cũng chẳng nói, cái gì là của công việc thì anh mới nói chuyện. Nước mắt của người đàn ông là nước mắt chảy ngược, những giọt nước mắt đau đớn ấy cứ âm thầm chảy vào tim anh, làm anh kiệt quệ.
Hỏi chuyện anh về công việc hàng ngày của anh thế nào? Anh trả lời tôi với một giọng vô hồn, đứt quãng. Dường như sau cái đêm hôm đó, anh không còn nhớ gì về cuộc sống bình thường nữa.
Tôi hỏi anh có trách chị Huệ không, Hiền chỉ cười nhạt, mà cũng không chắc đó có phải nụ cười hay không khi cái cơ miệng của anh lâu lắm đã quên mất cười phải như thế nào. “Tôi không trách nó, đến pháp luật còn không xử được người điên, chỉ trách sao số tôi khổ thế, tôi mất hết rồi…”
Nói đến đấy thì anh vò đầu và gục mặt xuống đất. Tôi cũng như thấy được cái bi kịch ấy đang đè quá nặng lên đôi vai của anh. Rồi anh kể cho tôi nghe về những ngày mang thai, Huệ thai yếu lắm nên mỗi ngày phải đi mười mấy cây số để tiêm truyền cho Huệ.
Nỗi đau của bà cháu Chu Minh Hoàng
Khi biết Huệ bệnh, anh chạy Đông chạy Tây, làm việc cật lực mới đủ được tiền mua sữa cho con (do Huệ yếu nên không có sữa mẹ), vừa tiền bệnh của vợ, tiền thuốc của con. Nhưng chưa bao giờ anh mất đi niềm tin.
Anh luôn tin rằng gia đình anh sẽ lại bình thường như bao gia đình khác, nhưng chình niềm tin ấy lại làm cho nỗi đau của anh như nhân lên gấp nhiều lần.Anh nói, đã nhiều lần bác sĩ phân tích rằng, khi bị bệnh trầm cảm sau khi sinh, người phụ nữ thường có suy nghĩ lúc nào cũng sợ mất con, sợ những người xung quanh lấy đi đứa con của mình.
Đặc biệt, bệnh càng nặng càng có tư tưởng xấu, thay vì thù ghét những người xung quanh, người bệnh sẽ có suy nghĩ giết con và cùng chết để 2 mẹ con được ở bên nhau, không ai lấy được đứa con của mình nữa. Đã biết người vợ có bệnh, có tâm lý như thế, và còn có biểu hiện qua mấy lần giết hụt đứa trẻ, nhưng anh vẫn để vợ ở rất gần với con mình.
Điều này làm cho anh càng tự trách mình phải chịu trách nhiệm trước cái chết của con. Anh lại đưa 2 tay lên vò vào mái tóc, rồi luôn miệng lẩm bẩm “giá như đưa nó vào viện, giá như không cho nó ở gần con…”.
Đến lúc này, Hiền không còn trách vợ vì cái chết của đứa con mà anh lại đang tự để bản thân mình phải chịu trách nhiệm cho cái chết ấy. Trong cái từ “giá như” của anh, tôi biết đang tuyệt vọng, bế tắc, cuộc sống của anh ngập tràn đau thương và nỗi ân hận.
Trở về sau khi gặp anh Hiền, nhìn cái dáng khắc khổ của người đàn ông tuyệt vọng này, và ngoái nhìn lại căn nhà ảm đạm tăm tối ấy, tôi tự hỏi không biết đến bao giờ, ngọn lửa hi vọng mới được thắp lại trong anh.