Ông tên Hưng, ông là chồng của bà Bình, lẽ ra người ta gọi bà Bình là bà Hưng theo tên chồng, nhưng ngược lại, hàng xóm toàn gọi ông là ông Bình theo tên vợ. Ông lành hiền nên ông chẳng coi đó làm điều. Ông bằng lòng, người ta gọi ông là Bình miết nên ông cũng quen, khi có ai gọi là ông Hưng thì ông lại giật mình sửng sốt. Nghĩa là người đó không mấy biết về gia đình ông, không mấy biết về "tập quán" theo tên vợ của ông rồi.
Ông lành hiền từ bé, ngày chào đời, cậu bé Hưng là ông thuở sơ sinh bị thiếu tháng nên mãi vẫn không lớn được như những đứa trẻ khác, và sau này cũng không phổng phao như những cậu thanh niên cùng lứa tuổi. Ông yếu ớt nên thường bị chúng bạn bắt nạt, sau này đi làm, ông vẫn quen thói bị lép vế, chấp nhận nép mình tránh những cuộc chơi ầm ĩ loạn đả của bạn bè.
Chính vì hiền lành chịu thương chịu khó, ông đã được bà Bình thương rồi lấy làm chồng. Ở nhà, ông làm chồng nhưng cũng như làm vợ, bà Bình vốn biết ông tính tình yếu đuối nên thường chủ động trong tất cả mọi việc. Hàng xóm thường xì xào với nhau, cái nhà đấy phải đổi vai cho nhau, chồng làm vợ, còn vợ làm chồng mới phải.
Bà Bình là người mạnh mẽ nhưng rất biết điều. Thấy hàng xóm nhỏ to như thế, bà cũng không khỏi chạnh lòng. Bà cũng ý tứ hơn trong việc cư xử, hết sức kiềm chế để không lớn tiếng. Chẳng phải tự dưng mà bà chấp nhận lấy ông Hưng. Bà Bình vốn có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Đã từng là gái vũ trường, ăn chơi phải biết ở Sài Gòn, nhưng bà phải dạt ra ngoài Bắc để trốn hậu quả của một vụ hiềm thù trong giới anh chị. Ra ngoài này, bà thay tên đổi họ, và sống một đời sống hiền lành trong vai người phụ nữ bán chè và nước hoa quả.
Chính bà Bình cũng không nghĩ được rằng mình lại có thể thay đổi chóng mặt như thế. Từ một vũ nữ chốn xa hoa, được cung phụng, được tiêu tiền như nước, được bao bọc bởi những đại gia thời đó, thế mà bà trở thành một phụ nữ lặng lẽ đứng sau quầy bán chè bán nước đắp đổi qua ngày.
Dần dần tích trữ, cộng với chút vốn liếng giữ được từ việc bán buôn sắc vóc, bà mua được một căn nhà hai tầng xinh xắn, gần với căn nhà nhỏ của mẹ con ông Hưng. Bố ông Hưng mất sớm nên nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa lẫn nhau. Ngày bà Bình về đó ở, ông Hưng đã ngoài 30 nhưng vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. Đúng ra thì ông cũng có thầm mơ mộng một vài bóng hồng, nhưng mặc cảm mình yếu đuối nên ông chưa bao giờ dám bày tỏ, kết cục là ông chấp nhận chứng kiến họ lần lượt yên bề gia thất. Mà ông thì vẫn một thân một mình với mẹ già.
Mẹ ông cũng thương ông lắm. Cậu con trai duy nhất không được bằng ai từ tấm bé, lớn cũng vẫn không được bằng ai. Cũng may, có lẽ vì yếu ớt nên ông Hưng không vướng phải những trò nghịch ngợm hay chơi bời chết người mà không ít người trong đám bạn bè của ông vướng phải. Hơn nữa, bù lại sự yếu đuối của thể xác, ông Hưng là người sống rất chân tình, nhân ái và kết quả học hành, làm việc đều được đánh giá cao. Ông sống cuộc sống chỉ có hai mẹ con đến năm 36 tuổi thì mẹ ông mất. Không còn chỗ dựa tinh thần lớn nhất và duy nhất của mình, ông đâm ra lao đao một thời gian dài.
Thời kỳ đó, ông thường xuyên đến thăm và đỡ đần một trại trẻ mồ côi cách nhà dăm chục cây số. Ông chưa có gia đình nên tiền kiếm được, ông dành một nửa để cho các cháu mồ côi, nửa còn lại, ông chi tiêu tằn tiện để nuôi thân mình. Lúc đó, bà Bình cùng xóm hay để ý thấy ông Hưng vắng nhà vào mỗi cuối tuần, nhưng cũng không biết ông đi đâu mà trở về với gương mặt lúc ưu tư hơn, lúc phơi phới hơn. Cho tới khi một nhóm trẻ ở trại trẻ mồ côi được tổ chức đến thăm ông Hưng khi ông ốm thì bà mới biết chuyện và vô cùng xúc động.
Thì ra bà Bình cũng xuất thân từ trẻ mồ côi và lưu lạc vào trong miền nam tự tìm cách tồn tại. Bà đã trải qua những đắng cay của cuộc đời ngay từ khi còn nhỏ, và cuộc đời đã dạy cho bà cách tồn tại sao cho vững chãi ở chốn phồn hoa. Bà đã học được đủ mánh khóe để sắc vóc trời cho của bà có thể moi tiền thiên hạ. Nhưng cũng chính trong môi trường ấy, bà đã gây ra những cừu hận khiến bà phải cao chạy xa bay ra tận thị xã Hà Đông bé nhỏ kề bên Hà Nội này.
Quê hương không, người thân không. Bà Bình sống một mình và dùng bản lĩnh mạnh mẽ giã biệt quá khứ thác loạn. Chính vì thế, bà đã cảm thương người đàn ông nhỏ bé cùng xóm với mình. Người đàn ông có tấm lòng nhân hậu với những đứa trẻ mồ côi. Giá như xưa kia bà gặp được người như ông ấy, có lẽ cuộc đời bà đã không trôi dạt như thế này. Nhưng bà thấy đúng là trong cái rủi cũng có cái may. Chính vì trôi dạt mà giờ đây bà được sống trong thị xã bình yên này, trong xóm nhỏ có người đàn ông bình yên ấy.
Thế rồi bà lân la làm quen với người đàn ông độc thân cùng xóm. Đầu tiên chỉ là những lần đi ngang qua nhà rồi hơi vương vấn, người nhìn vào kẻ nhìn ra, rồi tiếp theo là những câu chào hỏi xã giao. Câu chuyện đầu tiên mà họ nói chính là về những đứa trẻ mồ côi. Bà Bình chẳng bao giờ nói với ai về thân phận của mình, nhưng khi gặp ông Hưng, bà đã dốc bầu tâm sự.
Những lần trò chuyện cứ thế dài hơn. Hai người dần hiểu nhau và đến với nhau bằng những rung động lúc nào không hay. Họ thương cảm lẫn nhau và yêu nhau bằng sự cảm thông ấy. Một đám cưới giản dị, chỉ có bà con láng giềng và vài người bạn cùng cơ quan ông Hưng đã diễn ra, đánh dấu ngày hai người về góp gạo thổi cơm chung.
Ban đầu, ông Hưng bảo bà Bình bán căn nhà rồi về ở với ông. Nhưng bà lại thỏ thẻ rằng muốn ông về bên bà để khỏi phải sửa chữa căn nhà ông đang ở, vốn mới chỉ có một tầng. Là người hiền lành chịu thương chịu khó, chỉ cần vợ vui là ông Hưng bằng lòng. Ông dọn sang ở với bà, căn nhà nhỏ mà ông với mẹ từng sống được bán đi và cả ông lẫn bà đồng tình gửi hết số tiền bán được cho trại trẻ xây thêm khu vui chơi cho các cháu.
Thời điểm đó, số tiền ông bà gửi cho trại trẻ là rất lớn. Mọi người trong xóm không hề biết điều đó, họ cứ ngỡ ông bà sẽ gửi tiết kiệm để rút ăn dần như kiểu nghĩ thông thường. Ông bà cũng chẳng nghĩ phải phân trần với ai chuyện đó. Cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua, ông đi làm việc của ông, bà chăm sóc quán chè của bà. Nhưng cuộc sống lại thử thách ông bà khi đột ngột có ngày nọ, một nhóm côn đồ lảng vảng đến nhà ông bà Bình - Hưng, rồi bắn tin cho bà phải trả mối hận năm xưa đã bòn rút, cướp chồng một người đàn bà khác. Thời điểm ấy là đã 7 năm bà rời xa Sài Gòn và tưởng đã bình yên mãi mãi bên người chồng lành hiền.
Biết chuyện vợ mình như thế, ông Hưng rất sốc, vì trong câu chuyện với nhau, bà chưa bao giờ kể về quá khứ bất hảo ấy, bà chỉ nói về những vất vả khi là đứa trẻ mồ côi phải đi mưu sinh bằng cách bán báo, rửa bát thuê rồi đi làm diễn viên múa và rồi vì một tai nạn mà phải bỏ nghề. Ông Hưng chưa bao giờ tưởng tượng được người đàn bà mình từng yêu thương lại giấu giếm, lừa dối mình.
Thêm vào đó, những kẻ đâm thuê chém mướn ngày càng táo tợn hơn, chúng hung hăng đến rêu rao quá khứ của bà Bình, nói toàn những lời bẩn thỉu rát tai. Ông Hưng như bị dồn vào đường cùng. Xấu hổ với xóm giềng, xấu hổ với bản thân, giận vợ, lần đầu tiên trong đời, ông Hưng biết thế nào là uất ức. Ông tìm cách hạ độc cả vợ lẫn mình, kết thúc cuộc đời. Người đàn ông suốt đời lành hiền ấy quẫn trí đến mức làm thật, ông lẳng lặng mua một liều thuốc chuột về trộn với cơm với ruốc cho hai vợ chồng ăn. Không biết phải nói là may hay rủi, trước khi bữa cơm giết người ấy diễn ra, bà Bình vì mệt mỏi chóng mặt mà ngã cầu thang ngất lịm. Lúc ấy, ông Hưng mới như choàng tỉnh khỏi cơn mê. Ông vội vã gọi cấp cứu để đưa vợ đi viện, vội vã gọi cảnh sát để báo cáo tình hình về bọn trả thù thuê…
Cuối cùng thì ông ngồi đây, trong bệnh viện, bên cạnh bà. Bát cơm độc có lẽ đã lên mốc bên mâm cơm của nhà ông. Ông tự nhủ mình sao mà ngốc dại, suýt nữa thì đánh mất tất cả chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ. Đúng lúc ấy, bà Bình hé mắt, ông vội vã cầm tay bà thì thầm: "Bà ơi, mình tha thứ cho nhau nhé!"
Theo 24h.com.vn