Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị APEC ở Thái Lan ngày 18-11 - Ảnh: Reuters
Ông Tập trở về Trung Quốc tối 19-11, kết thúc chuyến công du sáu ngày tới Indonesia nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 và Thái Lan cho Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC.
Trung Quốc rõ ràng đang muốn trở thành một cường quốc được tôn trọng, bao gồm cả việc làm thế nào để khác biệt với phương Tây. Tuy nhiên việc Bắc Kinh có đạt được điều này hay không lại là một chuyện khác.
PGS Benjamin Ho
Gửi thông điệp hợp tác
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tham gia hơn 30 sự kiện, cố gắng thể hiện Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm với nhân loại. Ông Tập luôn xuất hiện tại các sự kiện ở G20 và APEC với nụ cười.
Ông rạng rỡ trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của cả hai sau 11 năm và duy trì hình ảnh đó trong suốt các cuộc gặp song phương bên lề tại Indonesia, Thái Lan.
Chỉ tính riêng tại G20, ông Tập đã có chín cuộc gặp song phương chính thức và vô số cuộc tiếp xúc phi chính thức khác. Có cuộc kéo dài khoảng ba tiếng như cuộc gặp ông Biden nhưng cũng có cuộc chỉ kéo dài 15 phút.
"Các nhà lãnh đạo thế giới đang trông chờ được nói chuyện với ông Tập. Các nước ASEAN gần với Trung Quốc đều muốn giữ sợi dây liên lạc với Bắc Kinh song cũng đồng thời cảnh giác với nước này", phó giáo sư Benjamin Ho (Viện Quốc phòng và nghiên cứu chiến lược, Singapore) nhận định với Tuổi Trẻ.
Ông Tập dường như có một sách lược ngoại giao mới - một sách lược nhẹ nhàng hơn chính sách ngoại giao "chiến lang" mà các nhà ngoại giao theo đường lối cứng rắn của Trung Quốc đã tiến hành trước Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Với việc đảm bảo được nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc và tập hợp xung quanh là những người ủng hộ trung thành, ông Tập có toàn quyền vạch ra một chính sách đối ngoại mới mà không phải băn khoăn liệu điều đó có khiến ông trở nên mềm yếu trong nội bộ đảng hay không.
Trong khi phát biểu tại các cuộc họp đa phương và nói chuyện với nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, ông Tập đã trình bày chi tiết về hiện đại hóa Trung Quốc, hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới, đồng thời đưa ra viễn cảnh thế giới sẽ hưởng lợi từ sự phát triển chất lượng cao và hiệu quả cao của Trung Quốc.
Tại G20, ông kêu gọi sự đoàn kết khi đối mặt với thách thức để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Thông điệp rõ ràng và trực diện hơn tại Thái Lan khi ông Tập kêu gọi cùng chia sẻ trách nhiệm và hợp tác, đoàn kết để "xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cùng chia sẻ tương lai".
Nguồn: Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Thúc đẩy ngoại giao láng giềng
Giới phân tích đều đồng ý rằng Trung Quốc đang muốn thiết lập lại quan hệ với các nước sau thời gian bị tổn hại vì dịch COVID-19 và các căng thẳng chính trị khác. Một lý do nữa là vì Bắc Kinh muốn ổn định quan hệ với các nước để tập trung cho mục tiêu trong nước là hiện đại hóa và thịnh vượng chung. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng sẽ không có "bên trọng bên khinh" giữa đối nội và đối ngoại.
Theo tiến sĩ Lucio Blanco Pitlo III (nghiên cứu viên Quỹ Con đường tiến bộ châu Á - Thái Bình Dương, Philippines), khi cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, Trung Quốc sẽ chuyển hướng và chú trọng hơn vào chính sách ngoại giao láng giềng.
"Ông Tập đã phát đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẵn sàng cung cấp nhiều giải pháp và hàng hóa cho thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực an ninh", vị chuyên gia về Trung Quốc nêu dẫn chứng với Tuổi Trẻ.
Đồng quan điểm với ông Pitlo, PGS Yongwook Ryu (Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore) cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với một số vấn đề đối ngoại đòi hỏi ông Tập phải tìm cách giải quyết. "Đầu tiên là đối đầu với Mỹ, về cơ bản, ông Tập sẽ tìm cách câu giờ và "quản lý" cạnh tranh cho đến khi Trung Quốc đuổi kịp và vượt Mỹ".
Thứ hai, theo PGS Yongwook Ryu, là vấn đề Đài Loan. Ông Ryu cho biết Chủ tịch Tập đang hướng đến tái thống nhất Đài Loan. Để đạt được mục tiêu này, ông Tập phải đảm bảo rằng các nước trong khu vực sẽ không đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc, và do đó cần phải can dự vào ngoại giao để ổn định quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng.
"Nhiều nước trong khu vực sẽ hoan nghênh việc Trung Quốc quay trở lại chính sách ngoại giao, thừa nhận thực tế rằng không có vấn đề khu vực nào có thể tiến triển mà không có sự tham gia của Trung Quốc", PGS Yongwook Ryu nêu quan điểm với Tuổi Trẻ, đồng thời lưu ý rằng sẽ có phản ứng kiểu khác từ một số nước đã từng trải qua các căng thẳng với Trung Quốc.