Mức sinh ở nước ta tiếp tục sụt giảm dẫn đến những hệ lụy lâu dài đến giống nòi, áp lực cho thế hệ "con một" trong tương lai và gánh nặng an sinh xã hội.
Mức sinh giảm từng năm
Tháng 11-2013, Bộ Y tế công bố dân số Việt Nam đạt 90 triệu người. Đến đầu năm 2023, dân số nước ta tiệm cận mức 100 triệu. Như vậy, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người. Tuy nhiên, trong bản công bố mới nhất ngày 29-12-2023 của Tổng cục Thống kê thì một năm qua, dân số nước ta tăng thêm 834.800 người, so với năm 2022.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), mức sinh đang có xu hướng giảm nhẹ, tốc độ tăng dân số giảm dần trong những năm gần đây. Dự báo mức sinh tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo (tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%). Tổng tỉ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ), ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con năm 2019. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra là 2,1 con/phụ nữ (tương đương mức sinh thay thế).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện Việt Nam có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp và rất thấp. Trung bình mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam Bộ chỉ còn sinh 1,56 con, đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số gần 38 triệu người (chiếm gần 40% dân số cả nước). Báo động nhất là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Một số địa phương có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương và TP HCM.
Theo ước tính, năm 2023 mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất so với cả nước; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con. Hiện chỉ còn 4 địa phương trong nhóm 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế (năm 2020) giữ vững kết quả, gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Gánh nặng cho thế hệ "con một"
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam nhanh hơn thế giới và ngày càng rõ nét. Nếu mức sinh tiếp tục giảm, Liên Hiệp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ.
Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế. Điều này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững. Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Điều này cũng sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai.
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân), cho rằng mức sinh không phải là câu chuyện "đẻ ít đẻ nhiều" mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Với các gia đình mức sinh thấp sẽ tạo nên "hội chứng" 4-2-1. Tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và chỉ có 1 đứa con. Khi con còn nhỏ được 6 người chăm sóc (4 ông bà và 2 bố mẹ) có thể sẽ gây nên tính ích kỷ, dựa dẫm và không có khả năng làm việc. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên thì ngược lại, đứa trẻ đó lại phải chăm sóc 4 ông bà già và 2 bố mẹ già - đây là một gánh nặng rất lớn. "Đó là chưa kể, trong cuộc sống còn có rất nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, tai nạn gia đình, con cái sa vào tệ nạn xã hội..., lúc đó sẽ như thế nào. Thực tế trên thế giới hiện nay có hàng triệu gia đình mất con mà không kịp sinh nở do không còn khả năng sinh nở và bố mẹ già không có nơi nương tựa lúc tuổi già" - GS Cử phân tích.
Các chuyên gia dân số cũng khuyến cáo mức sinh thấp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình già hóa dân số. Đây là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam. Hiện nay, đời sống người cao tuổi trong nước còn khó khăn, 70% không có tích lũy vật chất; 62,3% gặp khó khăn, thiếu thốn. Sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi, tăng nhẹ so với năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. Dù tuổi thọ tăng nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt chỉ đạt 65 tuổi. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 3 bệnh, chi phí y tế cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần người trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn già hóa dân số của đất nước.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho vùng mức sinh thấp là tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ hai con. Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt. Bên cạnh đó, thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp cần triển khai. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Đồng thời, cần xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con… Với các vùng có mức sinh thấp cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con.
Bài học khuyến sinh
Theo các chuyên gia dân số, nhiều quốc gia có mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Như Hàn Quốc, kỷ lục về tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, Chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
Mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước. Thế nhưng, để thay đổi tỉ lệ sinh thì trước hết cần tháo gỡ được nút thắt quan trọng trong tâm lý của người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ hiện nay.