Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Assad
Theo Sowt Al-Asime, một thông điệp bí mật mới bị rò rỉ tiết lộ rằng Tổng thống Syria Assad đã kêu gọi Nga can thiệp quân sự vào các trận chiến ở đông Ghouta hồi năm 2013.
Một bài báo đăng hôm thứ Bảy trên tờ báo Nga Zavtra đã nhắc đến một thông điệp bí mật mà người đứng đầu chính quyền Syria, Bashar al-Assad, gửi tới Nga trong bối cảnh các trận chiến ở đông Ghouta năm 2013.
Tờ báo cho biết, thông điệp mà Nga nhận được lúc 4:56 chiều ngày 24 tháng 11 năm 2013, có nội dung “chúng tôi tin tưởng rằng Nga sẽ đưa ra những lựa chọn cần thiết để đối đầu với sự xâm lược của khủng bố trên quê hương của chúng tôi.
Tuy nhiên, hiện tại, năng lực thực tại cho thấy nếu chiến đấu, chúng tôi có thể sẽ sụp đổ đột ngột trong vòng vài ngày. Chúng ta đã mất năm thị trấn lớn nhất ở Ghouta vào ngày hôm qua, với việc các chiến binh tiến đến ở khoảng cách 3 km từ Sân bay Quốc tế Damascus và cắt đứt Đường Quốc tế Damascus-Homs sau khi chúng chiếm thành phố Deir Atiyah.
Nguồn nhân lực và vũ khí của chúng tôi đang cạn kiệt. Do đó, rất cần sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga, nếu không, Syria và dân thường sẽ rơi vào tay khủng bố”.
Tờ Zavtra nói thêm, Moscow đưa ra quyết định can thiệp vào Syria sau khi nhận được thông điệp của Tổng thống Assad, và cần phải mở một kênh liên lạc quân sự với lực lượng Mỹ trên bộ ở Syria.
Việc tiết lộ thông điệp nói trên được đưa ra trong một bài báo do tờ báo Nga đăng với tiêu đề "Liệu Damascus có tiến tới bình thường hóa với Israel không?".
Điều này xảy ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, tổ chức cuộc họp với Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, trong đó hai bên thảo luận về kết quả của Cuộc họp quốc tế lần thứ 15 về Syria trong khuôn khổ tiến trình Astana, được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga vào tuần trước. Hai bên cũng thảo luận về công việc của ủy ban hiến pháp với việc tổ chức phiên họp thứ năm tại Geneva vào cuối tháng trước.
Vai trò mới của Nga ở Syria
Sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria nằm trong bối cảnh cuộc nội chiến ở Syria, bắt đầu vào ngày 30 tháng 9 năm 2015. Nga tổ chức các cuộc không kích của quân đội Nga chống lại Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, al-Qaeda ở Levant và những phe đối lập khác của Chính phủ Syria.
Trước đó, Nga đã bày tỏ thái độ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đã cung ứng các trang thiết bị cho quân đội Syria.
Nga cũng bắt đầu can thiệp sau khi có một yêu cầu chính thức từ Chính phủ Syria giúp quốc gia Trung Đông này chống lại lực lượng nổi dậy và các nhóm thánh chiến ở Syria.
Sau nhiều năm tham gia nội chiến, Nga đã giành nhiều thắng lợi ở Syria cả về ngoại giao lẫn thành tích diệt khủng bố.
Sau khi Mỹ rút quân, Nga trở thành đầu mối hóa giải các xung đột ở Syria và tạo dựng ảnh hưởng ngày càng lớn.
Dù trở thành "người chơi" chính ở Syria hiện nay, Nga cũng phải tính đến những rủi ro khi đảm nhận vai trò mới ở nước này. Tình hình ở đông bắc Syria ngày càng bất ổn.
Thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ khi phát động chiến dịch " Hòa bình Mùa Xuân" là đẩy lùi các tay súng người Kurd khỏi vùng đệm do Ankara thiết lập.
Tuy nhiên, liên minh quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lại bao gồm các nhóm nổi dậy Syria được Ankara hậu thuẫn, khiến người Kurd lo sợ nhiều tay súng Hồi giáo cực đoan sẽ nhân cơ hội tiến hành thảm sát các nhóm sắc tộc thiểu số.
Sau gần nhiều năm nội chiến, các lực lượng chính phủ Syria đã hình thành mối thâm thù không đội trời chung với phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ.
"Nhiều năm qua, chúng ta đã tìm cách cảnh báo về những chính sách tiềm ẩn xung đột của Mỹ và đồng minh nhằm làm sụp đổ nhà nước Syria và tạo ra các cấu trúc 'cận nhà nước' ở bờ đông sông Euphrates.
Những chính sách này đã khuyến khích người Kurd đi theo đường lối ly khai và đối đầu với các bộ tộc Arab", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh trong một cuộc họp với các quan chức an ninh.
Điện Kremlin cũng quan ngại nguy cơ công dân Nga từng tham gia hàng ngũ IS và phiến quân Syria có thể về nước, gây tình trạng bất ổn. Ngay từ khi Ankara phát động chiến dịch ở miền bắc Syria, Moskva đã tỏ ý nghi ngờ về khả năng kiểm soát hàng nghìn tay súng IS và người thân đang bị người Kurd giam giữ.
Dù vậy, Nga dường như vẫn ở thế thượng phong để ngăn ngừa cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Syria, bất chấp mọi nguy hiểm có thể tác động đến cuộc chơi tiềm ẩn nhiều rủi ro ở quốc gia này.