Hé lộ người soạn "bản danh sách đẫm máu" của ông Duterte

Thi Anh |

Phần lớn những cái tên trong bản danh sách "chết người" của Philippines không phải do tội phạm đầu thú, cũng không phải do cảnh sát cung cấp.

"Người chỉ điểm"

Câu chuyện về cái chết của anh lái xích lô Neptali Celestino có hai phiên bản.

Theo cảnh sát Philippines, Celestino đã nổ súng vào cảnh sát mặc thường phục trong một chiến dịch giăng bẫy tội phạm vào ngày 12/9, nên họ bắn trả. Còn gia đình của Celestino thì nói, cảnh sát đã ập vào căn nhà tồi tàn của họ, dồn ép Celestino "tay không tấc sắt" và bắn chết anh ngay trước mắt con trai.

Nhưng dù sự thật là như thế nào thì kết cục của Celestino cũng chỉ có một. Tên của anh đã xuất hiện trong "danh sách theo dõi" của cảnh sát, bản danh sách có sự đóng góp của những người sống ngay kế bên anh ở Palatiw, Manila.

Hé lộ người soạn bản danh sách đẫm máu của ông Duterte - Ảnh 1.

Hình ảnh Neptali Celestino được in trên tấm băng rôn cáo phó.

Thực ra, chiến dịch chống tội phạm ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ không thể "hiệu quả" nếu thiếu đi sự trợ giúp đắc lực của một đối tượng quan trọng. 

Đó là những quan chức cấp thấp: những người đứng đầu barangay (đơn vị hành chính nhỏ nhất của Philippines, tương đương phường, xã - PV).

"Họ đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến này", cảnh sát trưởng Ronald Dela Rosa chia sẻ với Reuters, "Họ có thể xác định được những con nghiện và những kẻ buôn ma túy tại barangay của mình. Họ biết tất cả mọi người".

Phỏng vấn cảnh sát địa phương, cư dân và cả các quan chức barangay, Reuters đã khám phá ra cơ chế "chống tội phạm ma túy" mà Tổng thống Duterte áp dụng và cam kết sẽ tiếp tục duy trì cho tới tháng 6 năm sau.

Cảnh sát nhận định, các lãnh đạo barangay chính là "công cụ" làm nên bản danh sách.

Hệ thống barangay đã bắt đầu hình thành từ thế kỷ 16, khi Philippines là thuộc địa của người Tây Ban Nha. Hội đồng Hành động Chống Ma túy của barangay (BADAC) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cảnh sát nhận diện các trùm buôn ma túy cũng như các con nghiện trong vùng.

Mỗi nhóm BADAC có từ 6-10 thành viên, do lãnh đạo barangay chọn lựa. Họ có thể là giáo viên, lãnh đạo đoàn thanh niên hoặc thành viên của các nhóm xã hội dân sự.

Nhóm này sẽ cung cấp những cái tên mà cảnh sát xem như có "đặc tính liên quan tới ma túy" - những người bị tình nghi là trùm buôn ma túy hoặc con nghiện. Sau đó, cảnh sát sẽ "phê chuẩn" những cái tên khi tham vấn với các quan chức tình báo và cơ quan chống ma túy.

Bản thân cảnh sát cũng sẽ bổ sung thêm vào danh sách, dựa vào nguồn tin của mình hoặc thông tin do những người ra đầu thú cung cấp. Đây không phải danh sách thanh trừng mà chỉ là "theo dõi" nhưng rất nhiều cái tên xuất hiện trong danh sách đều trở thành cái xác không hồn trên hè phố.

Thực ra, BADAC không mới. Nhóm này được thành lập lần đầu vào năm 1998, nhưng gần như chỉ tồn tại "trên giấy tờ". BADAC không chỉ hồi sinh dưới thời Duterte mà còn trở thành trụ cột trong chiến dịch của ông.

Tỷ lệ ủng hộ cao

Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 6/10, tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau 90 ngày nhậm chức ở mức "rất tốt". Điều này cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với chiến dịch thanh trừng tội phạm của Duterte, dù hoạt động này vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các nhóm nhân quyền.

Hé lộ người soạn bản danh sách đẫm máu của ông Duterte - Ảnh 2.

Ông Duterte nhận được sự ủng hộ lớn của người dân.

Rất nhiều lãnh đạo barangay, những người đóng vai trò không nhỏ vào bản danh sách "khoanh vùng" tội phạm, cũng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Philippines.

Maricar Asilo Vivero, lãnh đạo Pinagbuhatan cho hay, bà nhiệt liệt ủng hộ chiến dịch của ông Duterte. "Chiến dịch chống ma túy rất tốt. Chiến dịch làm giảm tỷ lệ tội phạm và xác định xem ai muốn thay đổi".

Bà Vivero cho biết, đêm hôm trước, những sát thủ lái mô-tô đã giết 2 người được xác định là đối tượng bị tình nghi buôn bán ma túy trong danh sách theo dõi của barangay. Vivero nói, bà thông cảm với gia đình nạn nhân nhưng không thấy mình phải có trách nhiệm với cái chết của họ.

Romeo Caramat, cảnh sát trưởng tỉnh Bulacan thì gọi 17.000 tội phạm ma túy của tỉnh Bulacan là những quả "bom hẹn giờ di động". Đối với ông, số lượng nghi phạm bị thanh trừng chính là thước đo thành công của chiến dịch.

"Chiến dịch này sẽ đẫm máu", Caramat nói, "Nếu anh bị sốt xuất huyết. Anh nghĩ anh có thể dập tắt dịch bệnh mà không diệt muỗi ư?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại