Cơ quan này ngày 1/8 công bố B61-12 - bom hạt nhân có định hướng, hay bom hạt nhân "thông minh" đầu tiên của Mỹ, đã trải qua giai đoạn phát triển và thử nghiệm kéo dài 4 năm, hiện đang trong thời kỳ sản xuất kỹ thuật - giai đoạn cuối cùng trước khi được đưa vào sản xuất đồng bộ, dự kiến vào năm 2020.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh phải đối mặt với những cảnh báo lặp đi lặp lại từ các chuyên gia dân sự và một số cựu sĩ quan quân đội cấp cao rằng quả bom này, vốn sẽ được trang bị trên máy bay chiến đấu, có thể dễ bị cám dỗ để sử dụng trong một cuộc xung đột vì độ chính xác của nó.
Tổng thống Barack Obama đã liên tục cam kết giảm vũ khí hạt nhân và từ bỏ vũ khí với những khả năng quân sự mới. Tuy nhiên, chương trình B61-12 đã phát triển mạnh do ảnh hưởng chính trị và kinh tế của các nhà thầu quốc phòng như Tập đoàn Lockheed Martin, như được ghi lại trong một cuộc điều tra do Trung tâm báo cáo điều tra (CIR) tiết lộ hồi năm ngoái.
11 tỷ USD cho khoảng 400 quả bom B61-12 là khoản chi phí đắt nhất trong số các loại bom hạt nhân của Mỹ từ trước đến nay. Dự kiến sẽ có chi phí 1.000 tỷ USD trong vòng 30 năm tới cho một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân đang diễn ra của Mỹ.
Hầu như tất cả mọi người đồng ý rằng chừng nào mà vũ khí hạt nhân còn tồn tại, một số sự hiện đại hóa các lực lượng Mỹ là cần thiết để răn đe các nước khác leo thang đến sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột. Nhưng các nhà phê bình chỉ trích sự lãng phí và quy mô của kế hoạch hiện đại hóa trên.
Cuối tháng 7 vừa qua, 10 thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi cho Tổng thống Obama một bức thư kêu gọi ông sử dụng những tháng tại nhiệm còn lại của mình để "kiềm chế Washington chi cho vũ khí hạt nhân và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân".
Đặc biệt, họ kêu gọi Tổng thống Obama hủy một tên lửa hành trình hạt nhân mới, được phóng từ trên không mà Không quân Mỹ hiện đang mời gọi những đề xuất từ các nhà thầu quốc phòng.
Trong khi một số chương trình vũ khí mới đang ở tương lai xa, bom B61-12 đặc biệt sắp hoàn tất và gây quan ngại do các sự kiện gần đây như cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là vì quả bom hạt nhân có định hướng này có thể sẽ thay thế 180 quả bom hạt nhân B61 cũ được dự trữ tại năm quốc gia châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có khoảng 50 quả B61 được lưu trữ tại căn cứ không quân Incirlik (tại Thổ Nhĩ Kỳ).
Các lỗ hổng tiềm năng của các địa điểm này làm dấy lên câu hỏi về chính sách của Mỹ liên quan đến lưu trữ vũ khí hạt nhân ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nghi vấn tập trung vào độ chính xác được tăng cường của B61-12. Không giống như những quả bom rơi tự do theo trọng lực mà nó sẽ thay thế, B61-12 sẽ là một quả bom hạt nhân có điều khiển. Tập đoàn Boeing đã lắp ráp bộ đuôi mới cho phép quả bom có khả năng bắn trúng mục tiêu một cách chính xác.
Công nghệ "Dial-a-yield" của B61-12 cho phép quân đội Mỹ điều chỉnh lực nổ của quả bom để sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Với mức tối đa tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT và mức tối thiểu tương đương 300 tấn. Quả bom này cũng có thể được trang bị trên máy bay chiến đấu tàng hình.
Tướng James Cartwright, người đứng đầu Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ đã nghỉ hưu cho rằng những khả năng mới của B61-12 có thể "sẽ lôi kéo" nhiều bên sử dụng loại bom này.
Ông nêu rõ: "Nếu tôi có thể giảm lực nổ, do đó giảm bụi phóng xạ..., liệu nó có thể được sử dụng nhiều hơn trong con mắt của một số người? Và câu trả lời là, nó có khả năng trở nên phổ biến hơn".