Hành trình nghẹt thở của phiên dịch viên Afghanistan để thoát ‘án tử’ của Taliban

Bình Giang |

Abdul Rashid Shirzad im lặng và lo lắng khi cùng gia đình bắt taxi đến sây bay Kabul, nơi cuối cùng ở Afghanistan mà người Mỹ còn kiểm soát.

“Chúng tôi hy vọng có thể đi được, và sẽ sống sót”, Shirzad, 34 tuổi, người từng làm phiên dịch cho lực lượng đặc biệt của Mỹ, nói trong video được ghi hình khi xe của họ đi qua điểm kiểm tra của Taliban hôm 20/8. “Sống ở đây thật khó khăn. Chúng tôi ngày nào cũng cảm thấy sợ”, Shirzad nói.

Trong tiết trời nóng ngột ngạt cùng tiếng còi xe máy và ô-tô inh ỏi, hàng ngàn người kéo đến sân bay. Khi máy bay hạ cánh, những người Afghanistan tuyệt vọng cố trèo qua tường sân bay, với hy vọng tìm được chỗ trên chuyến bay giải cứu.

Đó là lần thứ hai Shirzad đến sân bay, mấy hôm trước anh không vào được vì quá đông. Anh biết rằng sẽ rất nguy hiểm nếu thử lại, nhất là khi đi cùng vợ và hai cậu con trai nhỏ, nhưng anh tin rằng ở lại Afghanistan sẽ là một bản án tử, có thể với cả gia đình anh.

Khi đám đông xô nhau về phía trước, gia đình Shirzad gặp chuyện. Anh bị thương ở chân khi trèo qua tường. Cậu con trai 8 tuổi của anh suýt bị đám đông giẫm đạp. Một lúc sau, cậu con trai 2 tuổi của anh bị tiêu chảy.

Cuối cùng họ cũng thoát được đám đông lộn xộn, nhưng hy vọng ra đi của họ tiêu tan một lần nữa. Họ lại quay về nhà, không biết ngày nào sẽ là ngày cuối cùng.

Làm phiên dịch cho lực lượng Mỹ trong 5 năm, Shirzad đối mặt với kẻ thù trên chiến trường khi đi cùng binh lính Mỹ. Nhưng giờ đây, công việc đó khiến anh có thể trở thành mục tiêu.

Dù Taliban nói sẽ không làm hại những người đã làm việc cho lực lượng nước ngoài, nhưng đã có báo cáo về những vụ tấn công trả thù. Một phiên dịch bị các tay súng Taliban lôi khỏi xe và chặt đầu hồi tháng 5, các nhân chứng cho biết.

Ngoài làm phiên dịch, Shirzad còn là người thuộc nhóm thiểu số Hazara đang bị đàn áp. Anh cũng đã trả lời nhiều hãng tin phương Tây, khiến anh càng dễ bị nhắm vào.

“Vì sao binh lính Mỹ quên chúng tôi? Sau tất cả những gì chúng tôi làm, những gì chúng tôi hy sinh, vì sao họ bỏ chúng tôi lại? Taliban sẽ chặt đầu chúng tôi nếu tìm ra nơi của chúng tôi”, anh nói trong bản ghi âm đầy xúc động gửi cho CNN ngày 18/8.

Quân đội Mỹ kết thúc hợp đồng với anh từ năm 2013, và khi nộp đơn xin cấp visa nhập cư đặc biệt (SIV) năm 2015, anh bị từ chối, dù anh không biết lý do là gì.

Anh nói rằng gần đây anh cố gắng liên lạc với người thuê anh trước đây nhưng không nhận được hồi âm. Những người khác muốn giúp nhưng không biết làm cách nào.

Sau thất bại khi vào sân bay Kabul hôm 20/8, anh biết rằng gia đình anh không còn thời gian nữa.

Mỹ sẽ kết thúc các hoạt động sơ tán vào ngày 31/8, sau đó không còn chuyến bay giải cứu nào khác. Taliban kiểm soát tất cả Kabul ngoài phạm vi sân bay, nghĩa là sân bay này là hy vọng cuối cùng của gia đình Shirzad.

Anh liên lạc với phóng viên CNN mà anh đã trả lời phỏng vấn hồi tháng 7, rồi sớm nhận được hướng dẫn chuẩn bị sẵn sàng. Nỗ lực của CNN để sơ tán nhân viên của họ khỏi Kabul đã tạo cơ hội cho gia đình Shirzad đi cùng.

Trở ngại phút chót

Anh và gia đình chuẩn bị hành lý rồi ra khỏi nhà lúc bình minh hôm 22/8. Họ được đưa đến khách sạn Baron, nơi trước đây các nhà ngoại giao và du khách nước ngoài thường lưu trú. Khách sạn với tường bảo vệ dày 4m và có 5 cột tháp canh này gần đây được mở rộng thành căn cứ để binh lính Anh và đồng minh sàng lọc những người được sơ tán trước khi đưa họ đến sân bay.

Sau đó, gia đình anh và một nhóm khác được lực lượng đặc biệt Mỹ đón và đưa đến cổng Abbey, nơi thuỷ quân lục chiến Mỹ đang quản lý và cũng là cổng chính vào sân bay.

Nhưng khi đến đó, gia đình Shirzad bị chặn lại vì không có visa. Họ bị yêu cầu quay lại, dù có lực lượng đặc biệt hộ tống.

Shirzad cảm thấy hoảng sợ. Anh tiếp tục liên lạc với CNN rồi cả ngày hôm đó là hàng loạt tin nhắn và trao đổi qua điện thoại khắp nơi. 7 giờ đồng hồ sau đó, Shirzad và gia đình anh cuối cùng cũng được cho qua cửa.

“Chúng tôi làm được rồi…tôi thực sự phấn khích”, Shirzad nói trong video sau khi đã vào được nhà ga sân bay.

Gia đình họ chờ gần 2 ngày ở sân bay, khi hàng ngàn người Afghanistan được đưa đến nơi an toàn.

Cuối cùng cũng đến lượt gia đình anh lên máy bay, và họ được đưa đến Bahrain hôm 24/8 và nghỉ lại trong căn cứ quân sự của Mỹ.

Sáng hôm sau, có người đến thông báo gia đình anh hãy chuẩn bị đồ đạc để đi tiếp. Shirzad quay video cảnh gia đình anh lên chiếc xe buýt đến đến một máy bay khác. “Chúng tôi vẫn chưa biết sẽ đến đâu, hy vọng đó là Mỹ”, anh nói trong video.

14 giờ đồng hồ sau đó, gia đình anh đến Washington DC hôm 26/8 để bắt đầu cuộc sống mới.

Sau những nỗ lực điên cuồng và đầy sợ hãi, cơn ác mộng suốt 1 tuần của gia đình anh với những hy vọng và tuyệt vọng đan xen cuối cùng đã kết thúc.

Shirzad và gia đình anh vẫn còn may mắn. Tính đến cuối tháng 7, khoảng 18.000 người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ đã nộp đơn xin visa SIV với hy vọng có thể sang Mỹ. Hơn 2.000 người được cấp visa SIV và những người Afghanistan gặp nguy hiểm đã được đưa sang Mỹ từ khi Taliban giành lại quyền kiểm soát, nhưng còn rất nhiều người bị kẹt lại, cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội khi lời cầu cứu của họ không nhận được hồi âm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại