Ngoại hành tinh nói trên mang tên WB 1586b, có kích thước tương đương với Sao Mộc. Điều gây sốc là hành tinh khổng lồ này quay rất gần quanh một ngôi sao lùn trắng, tức chỉ là một "xác chết sao", to cỡ Trái Đất. Điều này khiến nó trở thành một thế giới lẽ ra không thể tồn tại.
Bởi lẽ, cho dù xác chết chỉ nhỏ như Trái Đất, thì khi còn sống ngôi sao này cũng to không kém Mặt Trời. Khi cạn năng lượng, nó sẽ phình to ra thành một ngôi sao khổng lồ đỏ, thừa sức nuốt chửng nhiều hành tinh quay gần nó trước khi co cụm thành sao lùn trắng bé nhỏ.
Ở Hệ Mặt Trời của chúng ta, tương lai này đã được dự đoán – khoảng 4-5 tỉ năm nữa. Khi Mặt Trời phình to thành sao lùn đỏ, nó sẽ nuốt gọn ít nhất Sao Thủy và Sao Kim, có thể nuốt tới Trái Đất.
Trong khi đó hành tinh WB 1586b lại gần sao mẹ hơn khoảng cách giữa Sao Thủy và Mặt Trời rất nhiều: WB 1586b mất chỉ 34 giờ để đi hết 1 vòng quanh sao mẹ, còn Sao Thủy mất đến 90 ngày. Tức lẽ ra WB 1586b phải bị nuốt. Hoặc nó đã bị nuốt, nhưng vẫn sống!
Theo giáo sư Crossfield, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Kansas (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, ngôi sao "ma" nói trên đã chết được khoảng 6 tỉ năm. Nó là một kịch bản trái ngược, đáng tham khảo để chúng ta hình dung về tương lai của Trái Đất khi mặt trời phình lên thành ngôi sao khổng lồ đỏ.
Công phát hiện ra hệ sao ma quái này thuộc về TESS – kính viễn vọng không gian chuyên săn tìm các ngoại hành tinh của NASA.
Trước đó, một kính viễn vọng lâu đời hơn cũng của NASA là Kepler từng phát hiện một hành tinh cỡ "siêu Sao Mộc" quay quanh 2 ngôi sao, trong đó có 1 ngôi sao đã chết thành sao lùn trắng, 1 ngôi sao vẫn hoạt động. Đây là lần đầu một hệ sao chỉ có sao mẹ đã chết được ghi nhận.
Hệ sao này chỉ cách chúng ta 80 năm ánh sáng nên sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các khám phá mới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.